Tính tháng 11 năm 2020, dịch vụ THTT Việt Nam có quy mô thị trường đạt 13,8 triệu thuê bao, doanh thu từ thuê bao xấp xỉ 8.700 tỷ đồng. Trên phạm vi cả nước hiện có 36 doanh nghiệp THTT, trong đó có 23 doanh nghiệp quy mô dịch vụ toàn quốc, 13 doanh nghiệp có quy mô dịch vụ cấp vùng. Việt Nam hiện có 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền là truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và truyền hình trên mạng Internet.
Nhằm đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ THTT tuân thủ đúng quy định pháp luật, đồng thời hạn chế được những rủi ro và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp THTT, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn chủ động, phối hợp các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam phổ biến, hướng dẫn chính sách, pháp luật cho các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động nộp phí quyền cung cấp dịch vụ THTT. Bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua hội nghị, hội thảo; trao đổi, làm việc trực tiếp đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt sâu hơn về các cơ chế, chính sách, góp phần giảm thiểu rủi ro và mang lại nhiều lợi ích kinh doanh cho doanh nghiệp THTT. Đồng thời Cục cũng đã tiến hành rà soát và xử lý các sai phạm trong hoạt động nộp phí quyền cung cấp dịch vụ THTT đối với các doanh nghiệp.
Qua công tác kiểm tra, rà soát định kỳ cho thấy, về cơ bản, các doanh nghiệp đã chấp hành, tuân thủ nghiêm quy định về nộp phí, nhất là những doanh nghiệp lớn có quy mô dịch vụ toàn quốc (như FPT, VSTV, Viettel, SCTV, VTVcab...). Việc thực hiện báo cáo nghiệp vụ về hoạt động THTT của doanh nghiệp (như số liệu thuê bao, doanh thu và mức phí phải nộp…) ngày càng rõ ràng, chính xác giúp cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong công tác thống kê, kiểm tra, đối soát. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã thực sự chủ động hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu để nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật về THTT.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp THTT không chấp hành đúng thời hạn nộp phí quyền cung cấp dịch vụ THTT theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 307/2016/TT-BTC. Thời gian qua, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã nhiều lần ban hành văn bản (số 787/PTTH&TTĐT, số 2252/PTTH&TTĐT, số 1441/PTTH&TTĐT…) nhắc nhở, đề nghị các doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh sai sót trong hoạt động nộp phí quyền cung cấp dịch vụ THTT. Đối với trường hợp doanh nghiệp tái phạm nhiều lần như Công ty TNHH Điện tử Sao Đỏ, Cục đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính để tăng tính răn đe và đảm bảo doanh nghiệp hoạt động tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.
Ngày 15/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 307/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và sử dụng phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên truyền hình trả tiền.
Sau 4 năm triển khai thực hiện, ngày 16/11/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 94/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 307/2016/TT-BTTTT. Thông tư số 94/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.