Đời sống xã hội

Quản lý chặt bán hàng đa cấp ngăn ngừa tối đa những hệ lụy xấu cho xã hội

PV 10:25 23/12/2024

Nhằm tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, nhằm chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, ngăn ngừa tối đa những hệ lụy xấu cho người dân.

Theo Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia, bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội.

Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, những năm qua, Bộ Công thương đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp nhằm chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, ngăn ngừa tối đa những hệ lụy xấu cho người dân. Bên cạnh đó, Bộ đã từng bước kiểm soát, quản lý hiệu quả đối với hoạt động bán hàng đa cấp về quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tội phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp được xây dựng và triển khai với hai nhóm đối tượng chính.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, nhằm chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật.

Đối với doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tiếp tục phát huy giải pháp quản lý đã phát huy hiệu quả thời gian qua, tích cực thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra. Qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, phát hiện và xử lý kịp thời doanh nghiệp hoạt động biến tướng. Ngoài ra, với các hình thức biến tướng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước biểu hiện của đa cấp biến tướng đồng thời, phối hợp với các bộ ngành, lực lượng liên quan, nhất là cơ quan công an, xử lý nghiêm minh.

Theo đó, với doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động bán hàng đa cấp chính thống được thực hiện theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã thiết lập cơ chế quản lý chặt chẽ với hoạt động bán hàng đa cấp thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ quan quản lý chuyên ngành. Vì thế, doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp chính thống cần phải đăng ký với Bộ Công thương, chịu sự quản lý của cơ quan quản lý ngành công thương và các cơ quan chuyên ngành liên quan như kế hoạch đầu tư, y tế, công an...

Đặc biệt Bộ Công thương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp từ Trung ương đến địa phương. Việc rà soát, hoàn thiện pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được Bộ Công thương thực hiện thường xuyên, liên tục, trên cơ sở đó đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản pháp luật giúp quản lý ngày càng chặt chẽ, hiệu quả đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Từ năm 2023, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã luật hóa các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo đó năm 2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, có các quy định về quản lý bán hàng đa cấp. Đáng lưu ý, việc kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện thường xuyên, qua đó phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của hơn 20 doanh nghiệp.

Từ đó số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm từ 67 doanh nghiệp vào năm 2016 đến nay chỉ còn 20 doanh nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2023, Bộ Công thương đã kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp và 1 người tham gia bán hàng đa cấp với tổng số tiền 1 tỷ 115 triệu đồng. Thông tin xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp được công bố công khai.

Bên cạnh đó việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp, cảnh báo các dấu hiệu đa cấp trái phép được Bộ Công thương thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hình thức khác nhau như đăng tin trên website, cung cấp thông tin cho các đơn vị báo chí, truyền thông, thực hiện các hoạt động phổ biến trực tiếp đến người dân. Trong đó chuỗi các hoạt động tuyên truyền cho sinh viên các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Thái Nguyên. Nhờ vậy, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp có giấy chứng nhận đến nay đã đi vào khuôn khổ, cơ bản không xảy ra các vụ việc gây bức xúc dư luận.

Cũng theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, hiện nay, trên cả nước có 19 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động. Tính riêng năm 2023, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp là 768.283 người; Tổng doanh thu ngành bán hàng đa cấp đạt khoảng 16.866 tỷ đồng. Cùng đó, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 5.846 tỷ đồng, tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước là khoảng 2.255 tỷ đồng.

Thông tin xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp được công bố công khai.

Đối với hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép với việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận, các đối tượng hoạt động bất chính có xu hướng chuyển sang các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi dẫn đến hoạt động này có diễn biến ngày càng phức tạp.

Mặc dù nhóm đối tượng này bị pháp luật nghiêm cấm, không thuộc phạm vi quản lý, Bộ Công thương cũng đã có những giải pháp đấu tranh quyết liệt nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung Điều 217a Bộ Luật hình sự năm 2017 về tội Vi phạm quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tạo cơ sở pháp lý để phát hiện và xử lý sớm các vụ việc lừa đảo lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, tránh để thiệt hại xảy ra quá lớn và có đơn tố cáo mới xử lý theo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công thương thường xuyên thu thập thông tin và đưa ra cảnh báo công khai về các trường hợp có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép để người dân biết và tránh bị lợi dụng bởi các đối tượng này. Các thông tin đã được cơ quan báo chí, truyền thông tích cực đăng tải, nhờ đó đông đảo người dân được tiếp cận thông tin, nâng cao ý thức chủ động trước đối tượng hoạt động bất chính dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp.

Riêng trường hợp được cảnh báo gần nhất có thể kể đến như hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp bất hợp pháp liên quan đến RF3WORLD, trí tuệ tự nhiên, Bộ Công thương cũng phối hợp, chuyển thông tin cho cơ quan công an các cấp về trường hợp có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng để theo dõi, tiến đến xử lý hình sự theo quy định tại Điều 217a Bộ luật Hình sự.

Tính riêng từ đầu năm 2023, Bộ Công thương đã chuyển thông tin về 9 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho các cơ quan công an để theo dõi và xử lý kịp thời. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng tích cực phối hợp về chuyên môn với các cơ quan công an trong việc xác định mô hình hoạt động của đối tượng có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trong hoạt động tố tụng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chặt bán hàng đa cấp ngăn ngừa tối đa những hệ lụy xấu cho xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO