Việc làm ra sản phẩm nông nghiệp đã khó, tìm đầu ra cho sản phẩm lại càng khó hơn. Lâu nay các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã bàn nhiều về tình trạng được mùa mất giá và các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) phụ thuộc vào thương lái vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương. Hơn nữa, khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện cách ly để triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch nên việc tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản càng gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 10/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 5299/KH-UBND về việc hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, với mục đích rất rõ ràng: Hỗ trợ đưa các hộ SXNN, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia 02 sàn TMĐT: postmart.vn và voso.vn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Giang; tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hộ SXNN thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT. Đồng thời hỗ trợ hộ SXNN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian; thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ SXNN như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân…; lựa chọn đưa lên sàn TMĐT các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ SXNN; hình thành các hộ SXNN số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Riêng đối với trái vải thiều, ngay từ đầu vụ tỉnh đã tổ chức giám sát tất cả các mã số vùng trồng hiện có, đề nghị cấp mã số vùng trồng mới, thực hiện số hóa vùng sản xuất tập trung gắn với ghi nhật ký điện tử; triển khai nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (mã số, mã vạch gắn với thông tin tra cứu về sản phẩm, vùng trồng...) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ cho tiêu thụ sản phẩm.
Trong 02 năm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến trên nền tảng online. Tỉnh chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương; giao Sở TT&TT phối hợp với Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên "Gian hàng Việt trực tuyến" và các sàn TMĐT, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn TMĐT (Alibaba.com, San24h.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn...); thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, landing, zalo… Kết quả đã có hàng chục tấn vải được tiêu thụ trên các sàn TMĐT, đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Mới đây, từ ngày 12/9/2022 đến ngày 30/9/2022, Sở TT&TT Bắc Giang phối hợp UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức 10 hội nghị tập huấn hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT postmart.vn và voso.vn với khoảng 1200 đại biểu tham dự, là đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc phòng Văn hóa và Thông tin, phòng Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ; tổ công nghệ số cộng đồng; các hộ SXNN trên địa bàn (gồm: hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác…). Thông qua tập huấn, các học viên cơ bản biết được cách đưa sản phẩm lên sàn TMĐT postmart.vn và voso.vn để thực hiện giao dịch mua, bán… đặc biệt là kết nối, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của tỉnh Bắc Giang.
Sở TT&TT phối hợp tổ chức tập huấn hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT
Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, có nhiều dư địa cho chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp với 52 sản phẩm đặc trưng, chủ lực, tiềm năng và 180 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Từ thành công của vụ vải thiều hai năm qua, chúng ta có quyền tin tưởng các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được ứng dụng triệt để số hóa trong kết nối và đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn TMĐT. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản được đề cập trong Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 là "nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân để hình thành công dân số, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số"./.