Chương trình do Bộ Y tế chủ trì, phối hợp cùng UBND TP. Hà Nội và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức ngày 13/10.
Tại buổi lễ mít tinh, hàng nghìn học sinh, sinh viên cùng với các đại biểu đã cùng đồng diễn vũ điệu sôi động với những động tác mô phỏng việc rửa tay nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi mọi người hãy rửa tay xà phòng mỗi ngày, để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng do Tổ chức Đối tác Rửa tay Toàn cầu khởi xướng và được Liên Hợp Quốc phát động từ năm 2008 với mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rửa tay với xà phòng, cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả và nằm trong khả năng của tất cả mọi người. Mỗi năm có khoảng 100 quốc gia tổ chức phát động và khoảng 200 triệu người tham gia.
Các đại biểu, khách mời thực hiện nghi thức in dấu tay cam kết rửa tay với xà phòng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Rửa tay với xà phòng làm giảm tới gần 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi; rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ này.
Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm… Tuy nhiên, hiện còn nhiều người vẫn chưa tuân thủ biện pháp phòng bệnh đơn giản này, nhất là trẻ em, người dân sống tại vùng nông thôn.
Tại buổi lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới rửa tay với xà phòng 2019, thông điệp được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra là: Vệ sinh tay là một việc làm đơn giản nhưng có thể giúp phòng nhiều loại bệnh hiệu quả. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh giáo dục về rửa tay với xà phòng trong các trường học nhằm tạo thói quen rửa tay với xà phòng cho các em học sinh ngay từ nhỏ.
Cũng tại lễ mít tinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý kêu gọi toàn thể các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ tại các trường học, tại các hộ gia đình có trẻ nhỏ tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh như: Ăn chín, uống sôi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày…
“Từ hành động cụ thể của mỗi người dân với phương châm 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch sẽ góp phần chung tay cùng các cấp chính quyền và ngành Y tế đẩy lùi dịch bệnh nói chung và bệnh tay chân miệng nói riêng ở Việt Nam, cũng như ở Thủ đô Hà Nội", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.