Samsung đã trở thành nhà sản xuất DRAM số 1 thế giới như thế nào (P2)

03/11/2015 20:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong quá trình toàn cầu hóa, Samsung từng bước thiết lập, mở rộng hệ thống và sự hiện diện của mình ở nhiều quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

ĐẾN NGƯỜI DẪN ĐẦU CUỘC CHƠI!

Vào năm 1986, khi mọi chuyện đang "thuận buồm xuôi gió" với Samsung thì bất ngờ con đường phía trước lại trở nên "tối tăm" hơn bao giờ hết. Công ty Texas Instruments kiện Samsung và 8 nhà sản xuất chip khác của Nhật Bản về việc vi phạm bản quyền thiết kế DRAM. Do đó, Samsung phải chấm dứt toàn bộ các hoạt động kinh doanh các sản phẩm DRAM 64K, 256K và 1M của mình. Một lần nữa, Samsung không bỏ cuộc. Thay vào đó, công ty quyết định tập trung nghiên cứu dòng sản phẩm 4M DRAM - chưa hề xuất hiện trên thị trường vì nó đòi hỏi một thiết kế khác hẳn so với trước đây - một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, thách thức luôn song hành với cơ hội. Nếu nghiên cứu chế tạo thành công, Samsung sẽ không có đối thủ - bởi vì nhu cầu phải đầu tư một nguồn vốn rất lớn cho R&D khiến cho chỉ có một số ít các công ty có mặt trên thị trường có khả năng đầu tư và thành công.

Ủy ban quốc gia nghiên cứu phát triển 4M DRAM

Năm 1986, do chi phí R&D mỗi thế hệ DRAM tăng theo hàm mũ nên Chính phủ Hàn Quốc quyết định vào cuộc để tránh việc đầu tư nghiên cứu trùng lắp lãng phí của các chaebols lớn. Chính phủ đã quyết định coi dự án nghiên cứu phát triển 4M DRAM là dự án quốc gia, được hợp tác nghiên cứu phát triển bởi 3chaebols lớn (Samsung, Huyndai và LG) và 6 trường đại học, đặt dưới sự điều phối chung của Viện nghiên cứu Điện tử - Viễn thông (ETRI) Hàn Quốc. Mục tiêu là hoàn thành việc nghiên cứu phát triển 4M DRAM vào năm 1989, với tổng số tiền đầu tư là 110 triệu USD, trong đó Chính phủ tài trợ 57% tổng chi phí.

Tuy nhiên, 3 chaebols nói trên không muốn hợp tác với nhau, thay vào đó, mỗi chaebol tổ chức thành một Tổ công tác riêng biệt, độc lập và không muốn chaebol khác tiến hành nghiên cứu thành công. Như một hệ quả tất yếu, dự án hợp tác đã thất bại. Mỗi chaebol tiếp cận nghiên cứu xây dựng 4M DRAM theo các phương pháp khác nhau: Samsung sử dụng kiến trúc chồng (stack structure), Huyndai sử dụng kiến trúc rãnh (trench structure) còn LG sử dụng kiến trúc lai giữa 2 kiến trúc nói trên. Thay vì hợp tác nghiên cứu chung, lúc này ETRI đứng ra chủ trì tổ chức các buổi Hội thảo để chia sẻ thông tin, kiến thức giữa 3 chaebols nói trên.

Năm 1988, Samsung là chaebol Hàn Quốc đầu tiên thành công trong việc nghiên cứu thiết kế 4M DRAM (sau đó lần lượt là Huyndai và LG), chỉ sau các công ty của Nhật Bản 6 tháng, với việc đăng ký được 56 mẫu bản quyền thiết kế DRAM. Đáng chú ý, Samsung hoàn thành việc xây dựng nhà máy sản xuất hàng loạt 4M DRAM gần như cùng lúc với các công ty của Nhật Bản. "Cuộc chiến“ đã ở vào thế cân bằng.

Người dẫn đầu

Thành công nối tiếp thành công. Samsung dẫn đầu trong việc nghiên cứu chế tạo ra 64MB DRAM vào năm 1992. Tháng 8/1994, sau khi đầu tư 150 triệu USD vào R&D trong 30 tháng, Samsung là công ty đầu tiên trên thế giới thành công sản xuất 256M DRAM, bỏ phần còn lại của thế giới ở phía sau.

Đầu thập niên 1990 đã thực sự khép lại hơn 1 thập kỷ nỗ lực đeo bám, đuổi theo sát gót và rồi vượt qua các công ty của Mỹ và Nhật Bản của Samsung, mở ra một kỷ nguyên mới không chỉ cho Samsung mà còn cho cả ngành công nghiệp điện tử của Hàn Quốc [9].

MỘT CHÚT SUY NGẪM

Quá trình hơn 1 thập kỷ này cũng sẽ là bài học cho các quốc gia khác ở châu Á trong quá trình phát triển, hội nhập và cạnh tranh với thế giới phương Tây. Sự quyết đoán, dám mạo hiểm của nhà lãnh đạo như ông Lee Kun Hee đóng vai trò rất quan trọng. Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, ông tin tưởng rằng, "lối thoát duy nhất của Hàn Quốc chính là thâm nhập vào một lĩnh vực sản sinh ra giá trị gia tăng cao như ngành công nghệ cao. Nếu muốn theo kịp các nước phát triển, chúng ta buộc phải nhảy cóc". Chuyển sang thời đại kỹ thuật số, ông nhận thức được yếu tố đổi mới và tốc độ thậm chí còn quan trọng hơn kinh nghiệm và kỹ thuật.

Trong quá trình toàn cầu hóa, Samsung từng bước thiết lập, mở rộng hệ thống và sự hiện diện của mình ở nhiều quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Nhà máy sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) của Samsung ở Việt Nam là một trong những nhà máy có chu trình sản xuất khép kín, thực hiện tất cả các công đoạn sản xuất ra một chiếc ĐTDĐ, từ ép vỏ, sơn, gia công bảng mạch đến lắp ráp, hoàn thiện. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, bài học về thu hút đầu tư FDI và tỉ lệ nội địa hóa vẫn đang là vấn đề nổi cộm. Nếu tỉ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng mà Việt Nam đóng góp vào chuỗi sản xuất không được nâng dần lên, nghĩa là yếu về học hỏi và chuyển giao công nghệ, Việt Nam khó có con đường sáng vươn tới nền sản xuất công nghệ cao.

Tài liệu tham khảo

[1].http://www.samsung.co.kr/upload/profile/ SamsungProfile2013.pdf.
[2].http://en.wikipedia.org/wiki/Samsung.
[3].CHANGROK SUH, ‘The Political Economy of Competitiveness: The Case for the Korean Semiconductor Industry”, a paper presented at the conference on Redefining Korean Competitiveness in an Age of Globalization, University of California at Berkeley, April 24, 1993.
[4].JINJOO LEE, "Successful Cases of Creative Technological Development in Korea” Korea Advanced Institute of Science and Technology, a mimeograph, October 1993, p5.
[5]. LINSU KIM, “Natbnal Systems of Industrial Innovatbn: Dynamks of Capability Buiding in Korea”, in Richard R. Nelson, ed., “National Innovation Systems: A Comparative Analysis” Oxford University Press, 1993, p.357-383.
[6].MARTIN BLOOM, Technological Change in the Korean Electronics Industry, OECD Development Centre, 1992, p.64.
[7].“Samsung Announces First Ever256M DRAM Chip Prototype Development”, The Korea Economic Weekly, September 5, 1994.
[8]."Samsung Inks Semiconductor Tech Tie-up Contract with US Companies”, The Korea Economic Weekly, October 3,1994.
[9].“Samsung Electronics Jumps Ahead of Competitor! in Memory Chip Output”, The Korea Economic Weekly, January 16, 1995.
[10].JI PYEONG GIL, "Lee Kun Hee Nhũng lụa chọn chến luợc và kỳ tch Samsung", Nhà xuất bản thế giới, 2013, tr. 164.

ThS. Nguyễn Huy Dũng

(TCTTTT Kỳ 2/5/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Samsung đã trở thành nhà sản xuất DRAM số 1 thế giới như thế nào (P2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO