Sẽ phát hành bổ sung 6 bộ tem bưu chính trong năm 2022

Hoàng Linh| 22/12/2021 13:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TT&TT vừa ban hành Quyết định số 2001/QĐ-BTTTT ngày 17/12/2021 về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 06/QĐ-BTTTT ngày 07/01/2021 về việc Ban hành Chương trình phát hành tem bưu chính năm 2022.

Theo quyết định mới, có thêm 6 bộ tem sẽ được bổ sung vào Chương trình phát hành tem bưu chính năm 2022, trong đó có 3 bộ tem về 3 nhân vật lịch sử tiêu biểu: "Kỷ niệm 100 năm sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2022)", "Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1922-1995)", "Kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 - 2022)".

Vị Thủ tướng giàu thực tiễn, có tài năng, một nhà hoạt động chính trị tầm cỡ

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ TT&TT sẽ phát hành bộ tem "Kỷ niệm 100 năm sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2022)", dự kiến phát hành vào tháng 11/2022. Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Năm 1939, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm.

Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, đồng chí làm Uỷ viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí được giao các nhiệm vụ Tỉnh ủy viên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá, Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Từ năm 1955 và trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông làm Xứ ủy viên, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn -Gia Định), Bí thư Khu ủy Khu 9, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Năm 1976, đồng chí làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh rồi làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, ông được điều về Trung ương công tác.

Ông đã giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992-1997), ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Hoạt động cách mạng liên tục trên 70 năm, ông đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, nhiều huân chương, huy chương cao quý khác và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Sẽ phát hành bổ sung 6 bộ tem bưu chính trong năm 2022 - Ảnh 1.

Ông Sáu Dân trong lần về thăm Vĩnh Long. Ảnh tư liệu

Bài viết "Nói về anh Võ Văn Kiệt" của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được in trong quyển "Võ Văn Kiệt - Một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân" còn đề cập đến vai trò và tầm quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt trong các sự kiện nổi bật và quan trọng của đất nước như việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ, việc nước ta gia nhập ASEAN…

Cuối bài viết, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: "Có thể nói, trong quá trình công tác, tôi và anh Kiệt phối hợp công việc với nhau rất chặt chẽ; kể từ khi tôi công tác bên Chính phủ cũng như tôi về bên Đảng làm Tổng Bí thư, chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau, có khi đang đêm cũng gọi điện cho nhau, có khi gặp nhau tại sân bóng…Anh Kiệt quả là một vị Thủ tướng giàu thực tiễn, có tài năng, một nhà hoạt động chính trị tầm cỡ của Đảng và Nhà nước được nhân dân trong nước và thế giới ca ngợi".

Người chiến sỹ cách mạng kiên trung: một tấm gương đoàn kết

Bộ tem về "Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1922 - 1995)" dự kiến phát hành tháng 10/2022. Ông là chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ông tên thật là Lưu Văn Thi, sinh ngày 20/10/1922 tại Hải Phòng, quê quán tỉnh Hà Nam, mất ngày 5/9/1995 tại TP. Hồ Chí Minh.

Sẽ phát hành bổ sung 6 bộ tem bưu chính trong năm 2022 - Ảnh 2.

Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện tại Liên khu 10 trong Kháng chiến chống Pháp.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1940, vào Đảng tháng 4/1945, nhập ngũ tháng 4/1947, thụ phong quân hàm Thiếu tướng tháng 4/1974. Tháng 3/1943, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi đày lên nhà tù Sơn La.

Tháng 3/1945, ông vượt ngục Sơn La rồi tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến sau này. Từ đây ông gắn liền với cuộc đời binh nghiệp, xông pha lửa đạn, chinh chiến khắp các chiến trường, từ Việt Bắc đến Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Lào, tuyến lửa Trường Sơn và làm nghĩa vụ quốc tế giúp Cách mạng Campuchia và Cách mạng Lào, được tín nhiệm giao nhiều trọng trách. Ông đã 3 lần Nam tiến tham gia chiến đấu vì miền Nam ruột thịt trong các năm 1949, 1964, 1975.

Hơn 55 năm hoạt động cách mạng, 50 năm tuổi Đảng, ông đã kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng trong nhiều lĩnh vực: quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội… Gần 40 năm chiến đấu trên nhiều chiến trường ác liệt, ông được mệnh danh là "Vị tướng Chính ủy" vì đã giữ cương vị Chính ủy - Bí thư Đảng ủy của nhiều đơn vị trọng yếu.

Do đã có công lao to lớn và nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất... Đặc biệt, ông là người đầu tiên trong lịch sử được Quốc vương Campuchia truy tặng huân chương cao quý nhất dành cho người nước ngoài đã có công lao to lớn đối với đất nước và dân tộc Campuchia.

Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: "Đồng chí Hoàng Thế Thiện là một cán bộ cao cấp của Đảng, một vị tướng của Quân đội. Đồng chí đã từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu". (Trích thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 5/9/2003).

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận: một trong những cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Bộ TT&TT dự kiến phát hành bộ tem gồm 01 mẫu vào tháng 12/2022.

Sẽ phát hành bổ sung 6 bộ tem bưu chính trong năm 2022 - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 - 1991)

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 - 1991) - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt I). Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa I và II từ 1958 đến 1983, một trong những cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Đỗ Nhuận sinh ngày 10/12/1922 tại làng Vạc (nay là thôn Hoạch Trạch), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Rời quê hương từ thuở niên thiếu, Đỗ Nhuận cùng gia đình sống nhiều năm tại thành phố cảng Hải Phòng, nơi đây ông đã tiếp xúc được với những kiến thức âm nhạc đầu tiên.

Năm 1939, Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc đầu tay vào tuổi 17, bản Trưng Vương, nhân ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng ở tỉnh Hải Dương. Trưng Vương được phổ biến rộng rãi và đã xuất bản ngay trong năm đó. Tiếp theo, từ cảm hứng lịch sử, ông soạn nhiều ca khúc như: Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc... là cơ sở soạn nên vở ca cảnh Nguyễn Trãi - Phi Khanh gồm 3 ca khúc Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc được ông viết trong hai năm 1940, 1941.

Thời gian đó, Đỗ Nhuận cũng bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1943, vì in và rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng nên ông bị bắt giam vào nhà lao Hải Dương, rồi đưa lên Hỏa Lò và sau bị đày lên Sơn La. Thời gian trong tù, Đỗ Nhuận đã viết nhiều bài hát cách mạng như: Hận Sơn La, Du kích ca…

Đỗ Nhuận cũng là nhạc sĩ đầu tiên trong thế hệ của ông được đào tạo bài bản, ông được cử đi học tại Nhạc viện Tchaikovsky từ năm 1959 - 1962. Ông là một trong những người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch Việt Nam (Opera).

Đỗ Nhuận còn có những tác phẩm khí nhạc như "Vũ khúc Tây Nguyên" cho violon và dàn nhạc... Sau hòa bình 1954, Đỗ Nhuận tiếp tục sáng tác và có mặt trong lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc, nổi bật là những tác phẩm như: Việt Nam quê hương tôi, Trai anh hùng gái đảm đang, Vui mở đường, Đường bốn mùa xuân, và các tác phẩm khí nhạc.

Có điều thú vị là Hoàng Thế Thiện và Đỗ Nhuận cùng hoạt động trong tiểu tổ bí mật năm 1940 tại Hải Phòng, cùng bị thực dân Pháp bắt năm 1943, cùng bị giam tại nhà tù Hỏa Lò và Sơn La, cùng vượt ngục Sơn La tháng 3/1945, nay lại cùng được tôn vinh trên tem Bưu chính Cách mạng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh trong năm 2022.

Trong chương trình phát hành tem bưu chính được bổ sung cho năm 2022, Bộ TT&TT cũng sẽ phát hành 3 bộ tem khác là: bộ tem "Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31", gồm 04 mẫu tem + 01 blốc dự kiến phát hành tháng 5/2022; bộ tem "50 năm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 - 2022) gồm 01 mẫu tem, dự kiến phát hành tháng 7/2022", bộ "Tem phát hành chung Việt Nam - Ấn Độ" gồm 02 mẫu, dự kiến phát hành tháng 11/2022, và bộ tem chuyên đề về "Hổ" gồm 02 mẫu dự kiến phát hành tháng 9/2022.

Tài liệu tham khảo:Cổng TTĐT Chính phủ, svhttdl.vinhlong.gov.vn, hoinhacsi.vn


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Sẽ phát hành bổ sung 6 bộ tem bưu chính trong năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO