SME dùng nền tảng số để viết tiếp những câu chuyện CĐS thành công

Hoàng Linh| 09/11/2022 15:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh nếu không dùng nền tảng số thì không thể nào thực hiện, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số (CĐS) trong các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) tại Diễn đàn "Đồng hành cùng DNNVV trong CĐS" ngày 9/11.

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam, Tập đoàn Meta tổ chức ngày 09/11/2022 với sự tham dự của các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, DN, thể hiện sự quan tâm và đồng hành trong việc thúc đẩy ĐMST, CĐS nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế đất nước.

70.000 DN đã sử dụng các nền tảng số và tham gia vào chương trình SMEdx

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết trong các năm 2020, 2021, 2022, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt ban hành Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược phát triển chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số. Xuyên suốt cả 3 văn bản chiến lược quốc gia này, có một điểm đặc biệt là cách tiếp cận của Việt Nam trong việc thực hiện CĐS là các nền tảng số. Điều này đặc biệt đúng cho các SME khi CĐS.

SME dùng nền tảng số để viết tiếp những câu chuyện CĐS thành công - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: Các nền tảng số có thể dùng được ngay, không lo là phải có hệ thống công nghệ, không phải lo là có nhân lực công nghệ để vận hành quản trị

Việt Nam có gần 1 triệu DN, trong đó trên 90% là các SME. Theo Thứ trưởng, nếu không dùng nền tảng số thì sẽ không thể nào thực hiện, đẩy nhanh tiến trình CĐS trong các SME bởi các nền tảng số cung cấp công nghệ và các chức năng nghiệp vụ như là một dịch vụ và nhờ các nền tảng số này, thì công nghệ số sẽ biến thành một thứ dịch vụ giống như điện, nước và vì thế các SME dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.

"Các nền tảng số có thể dùng được ngay, không lo là phải có hệ thống công nghệ, không phải lo là có nhân lực công nghệ để vận hành quản trị", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết Bộ TT&TT đã tập trung vào hỗ trợ các SME Việt Nam thực hiện CĐS bằng các nền tảng số. Cho đến nay, Bộ TT&TT đã thu hút được hơn 500.000 SME tham gia chương trình và trong đó gần 70.000 DN đã sử dụng các nền tảng số và tham gia vào chương trình.

Thứ trưởng cũng chia sẻ chúng ta đã chứng kiến nhiều câu chuyện CĐS thành công của các SME. Đó là câu chuyện CĐS thành công của 1 chuỗi cửa hàng bán bánh mỳ, chuỗi cửa hàng cafe Bazal của Tây Nguyên hay SME sản xuất socola. "Chúng ta mong muốn tiếp tục ghi nhận được nhiều câu chuyện CĐS thành công của các SME mang lại hiệu quả, doanh thu vượt trội, giúp các DN tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, từ đó tạo nên cảm hứng cho cả các cơ quan nhà nước, những người hoạch định chính sách, những SME cùng cất bước mạnh mẽ hơn trong hành trình CĐS này".

SME dùng nền tảng số để viết tiếp những câu chuyện CĐS thành công - Ảnh 2.

Toàn cảnh Diễn đàn

Hoạt động CĐS trong cộng đồng DN diễn ra mạnh mẽ

Chia sẻ về hoạt động CĐS trong DN, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho biết hoạt động CĐS trong cộng đồng DN đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Nhiều DN đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán - tài chính, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới.

SME dùng nền tảng số để viết tiếp những câu chuyện CĐS thành công - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa: Nếu thực hiện thành công CĐS, DN sẽ có năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các DN còn lại.

Thực tế cho thấy, CĐS đang là yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng DN đứng vững và phát triển, đặc biệt là sau mấy năm bị ảnh hưởng và tác động của đại dịch COVID. CĐS giúp DN tăng doanh thu, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị, phát triển ổn định và bền vững hơn. Nếu thực hiện thành công CĐS, DN sẽ có năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các DN còn lại.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết việc CĐS không diễn ra một sớm một chiều và có không ít những khó khăn trong quá trình triển khai đặc biệt là đối với các SME. Nhìn chung, các thách thức phổ biến mà SME thường gặp trong quá trình CĐS vẫn là các vấn đề về: nhận thức và sự cam kết của lãnh đạo đối với CĐS, lựa chọn công nghệ và sự sẵn có hệ sinh thái số cần thiết, con người và năng lực triển khai của tổ chức, cùng với những thách thức về nguồn lực.

Trong quá trình đó, nhận thức và năng lực của DN về CĐS là vô cùng quan trọng. Để thành công, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: "DN cần được cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình CĐS hiệu quả. Về định hướng, cần phải khẳng định, chiến lược kinh doanh của DN là quan trọng nhất. Chiến lược CĐS là một phần của chiến lược kinh doanh. CĐS phải được thực hiện dựa trên với năng lực và thực trạng của DN và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN. Nếu thực hiện CĐS mà DN khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm được cải thiện thì chưa thể coi là thành công".

ĐMST và CĐS đang ngày càng đóng một vai trò vô cùng quan trọng

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông, qua cuộc khảo sát gần đây do Bộ KH&ĐT phối hợp với USAID thực hiện về CĐS, nhiều DN vẫn đang gặp khó khăn, rào cản để tiến hành CĐS, ví dụ 60,1% DN phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi CĐS là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% DN phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của DN, người lao động.

SME dùng nền tảng số để viết tiếp những câu chuyện CĐS thành công - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông: việc hỗ trợ các SME, đặc biệt trong ĐMST, CĐS có một ý nghĩa hết sức quan trọng

Từ ý nghĩa và kết quả hoạt động đó, trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đối tác trong và ngoài nước để huy động nguồn lực hỗ trợ cho DN khắc phục khó khăn, rào cản để có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và CĐS thành công.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh: "Trong quá trình phát triển hiện nay, việc hỗ trợ các SME, đặc biệt trong ĐMST, CĐS có một ý nghĩa hết sức quan trọng, khi mà hơn 800.000 SME, những đơn vị kinh tế linh hoạt, cần khả năng thích ứng cao, cần không ngừng nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu".

Song song với Chương trình CĐS, Bộ KH&ĐT cũng chủ động nghiên cứu, thúc đẩy các hoạt động ĐMST cho DN; tích cực triển khai hoàn thiện cơ sở vật chất của Trung tâm ĐMST Quốc gia để triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối, phát triển hệ sinh thái ĐMST. Đồng thời thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối đầu tư, ĐMST, thu hút sự tham gia của hàng trăm DN, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Để ĐMST, CĐS đi vào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa, Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho rằng ngoài sự tham gia của bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực và đóng góp của các DN, tổ chức thì còn cần sự chung tay của toàn xã hội./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
SME dùng nền tảng số để viết tiếp những câu chuyện CĐS thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO