Các đơn vị y tế tỉnh Điện Biên ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa với Sở Y tế tỉnh Điện Biên.
Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế…
Chính vì vậy, ông Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết, Sở đã tổ chức ký cam kết với các đơn vị Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên, Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Điện Biên về các nội dung giảm thiểu chất thải nhựa như: Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị; Lồng ghép nội dung giảm thiểu chất thải nhựa vào thực hiện tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; bố trí nguồn lực để thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế...
Theo đó, sau khi ký cam kết thực hiện, các bệnh viện , cơ sở y tế sẽ khẩn trương tổ chức tập huấn, hướng dẫn truyền thông cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế, đơn vị cung cấp tại cơ sở y tế thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong đơn vị…
Hiện nay, khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Điện Biên khoảng 2.700kg/ngày. Trong số này có một phần không nhỏ rác thải nhựa dùng một lần khó phân hủy. Do đó, việc giảm thiểu, tiến tới thay thế sử dụng thiết bị nhựa y tế là điều vô cùng cần thiết.
Ghi nhận thực tế tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, nơi mỗi ngày có hằng trăm bệnh nhân tới khám, điều trị bệnh thấy rằng, thói quen sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần như túi nilon, nước uống đóng chai dùng 1 lần, ống hút nhựa… của bệnh nhân và người nhà tại bệnh viện vẫn hiện hữu.
Anh Nguyễn Văn Công, một người dân từ huyện Mường Nhé tới khám bệnh cho biết: Từ trước tới nay tôi vẫn quen sử dụng đồ nhựa vì nó tiện dụng. Như chai nước lọc này tôi mua ở hàng tạp hóa, uống hết là bỏ. Nhưng nếu bệnh viện bố trí thêm địa điểm cung cấp nước uống cho bệnh nhân ở những nơi tiện lợi thì chắc sẽ hạn chế được việc sử dụng chai nhựa dùng 1 lần.
Vì vậy, để hạn chế tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa, sau khi ký cam kết, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Điện Biên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ, nhân viên và người bệnh trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dung 1 lần, tránh phát sinh rác thải nguy hại tới môi trường.
Đồng thời, chính các bệnh viện và cơ sở y tế cũng cần phải quyết liệt thay đổi. Theo đó, người đứng đầu các bệnh viện và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Điện Biên cần mạnh dạn quyết định không đưa vào danh mục đấu thầu, mua sắm các loại bao bì, túi nilon khó phân hủy; chỉ đạo các khoa, phòng chuyên môn nên chuyển từ sử dụng các sản phẩm bằng nhựa sang các sản phẩm có công dụng tương đương, làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy, vải; hạn chế và tiến tới không sử dụng nước uống đóng chai một lần, các loại ống hút nhựa trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện tổ chức tại đơn vị…
Có như vậy, quyết tâm cam kết giảm thiểu và đẩy lùi rác thải nhựa y tế của ngành y tế Điện Biên sẽ sớm đạt được được kết quả mong đợi.