Startup số hóa hàng tồn kho của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có trụ sở tại Việt Nam

Hợp Trương| 17/08/2019 10:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Công ty khởi nghiệp SaaS (Phần mềm như một dịch vụ) tại Việt Nam, KiotViet đã huy động được 6 triệu đô la Mỹ trong vòng tài trợ Series A từ Jungle Ventures và Traveloka.

This Startup Wants to Digitalise Vietnam-based SMEs' Inventory with Their Latest Fundraise

Start up KiotViet thuộc Công ty cổ phần phần mềm Citigo đã huy động được 6 triệu đô la Mỹ trong vòng tài trợ Series A từ công ty đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures và nhà tổng hợp du lịch trực tuyến Traveloka. Công ty khởi nghiệp cung cấp cho các khách hàng phần mềm quản lý bán hàng dựa trên đám mây, có kế hoạch sử dụng các quỹ theo hướng mở rộng để cung cấp dịch vụ trên khắp Việt Nam, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phó tổng giám đốc Citigo, ông Cao Trọng Kim Trí cho biết: “KiotViet sẽ mở văn phòng tại tất cả các tỉnh, thành phố tại Việt Nam để phục vụ khách hàng ở vùng sâu vùng xa, có kiến ​​thức và khả năng tiếp cận công nghệ thấp”.

Theo ông Trí, KiotViet cũng sẽ tận dụng số tiền thu được nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ quản lý và tuyển dụng nhân tài, cùng với việc cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Ra mắt vào năm 2014, KiotViet cung cấp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ như nhà bán lẻ thời trang, các nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, nội thất, nhà thuốc, siêu thị mini… một bộ giải pháp phần mềm quản lý đơn giản để giúp họ quản lý hàng tồn kho, quản lý bán hàng, dòng tiền, tiếp thị và các giải pháp quản lý khác. Công ty tuyên bố rằng dịch vụ này hiện đang được sử dụng bởi hơn 70.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trải rộng trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam.

Trích dẫn các nghiên cứu gần đây về thị trường doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, ông Trí cho biết: “Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 40% vào GDP và sử dụng khoảng một nửa lực lượng lao động của cả nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục phải đối mặt với những rào cản đối với việc số hóa các hoạt động của họ. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho các công ty như vậy các giải pháp kỹ thuật số trực quan và sáng tạo, để giúp họ số hóa, tăng hiệu quả kinh doanh và tiếp cận các cơ hội mới”.

Start up này thúc đẩy việc kiếm tiền bằng cách thu phí hàng tháng từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bắt đầu từ 160.000 nghìn đồng (7 USD); và 240.000 đồng từ các doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù công ty không tiết lộ chi tiết doanh thu của mình, nhưng công ty tuyên bố có tốc độ tăng trưởng 250% mỗi năm. Hiện công ty sử dụng 850 nhân sự, và dự kiến ​​sẽ nâng số lượng nhân viên lên tới 1.200 người vào cuối năm nay. Công ty cho biết họ đang tìm kiếm các lập trình viên chất lượng cao từ các trường đại học công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế.

Ý kiến từ các nhà đầu tư

Khi được hỏi liệu Kiotviet có nhận được bất kỳ hình thức hỗ trợ nào khác từ các nhà đầu tư hay không, ông Trí cho biết rằng Jungle và Traveloka đã kết nối startup với nhiều đối tác để tạo các cơ hội hợp tác mới.

Trích dẫn từ giám đốc Jungle Venture – Grace Yun Xia cho biết: “Ngay cả với lĩnh vực bán lẻ truyền thống áp dụng nhiều giao dịch kỹ thuật số hơn, chúng tôi nhận thấy rằng các sản phẩm và dịch vụ của KiotViet sẽ là một công cụ thay đổi cuộc chơi một cách rõ ràng. Do đó, công ty có vị trí tốt để giúp các doanh nghiệp nhỏ hơn của Việt Nam thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số của họ và cho phép sự tăng trưởng bền vững hơn trong những năm tới”.

Là một phần của thỏa thuận, trợ lý chủ tịch của Traveloka sẽ gia nhập KiotViet với tư cách là thành viên ban giám đốc.

Thị trường

Báo cáo tháng 4 năm 2019 của ResearchAndMmarket chỉ ra rằng thị trường dịch vụ đám mây Việt Nam đã sẵn sàng tăng lên 291 triệu đô la vào năm 2024, tăng từ 165 triệu đô la năm 2018, với tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm đạt hơn 10%. Báo cáo cũng cho thấy sự tăng trưởng sẽ chủ yếu được dẫn dắt bởi các công ty SaaS (Phần mềm như một dịch vụ) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do tính linh hoạt trong việc áp dụng, tiết kiệm chi phí và dễ sử dụng, mà không cần cài đặt bất kỳ phần cứng hoặc phần mềm nào.

Trong khi đất nước ta đã có rất nhiều công ty đa quốc gia cung cấp dịch vụ dựa trên đám mây như IBM, AWS, Salesforce, nhiều công ty khởi nghiệp như KiotViet cũng đang phục vụ sự phát triển của ngành công nghiệp. Có những công ty như Sapo, Haravan và một số doanh nghiệp khác cũng cung cấp phần mềm quản lý bán hàng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tối ưu hóa hàng tồn kho trực tuyến cũng như ngoại tuyến.

Theo ResearchAndMmarket, miền bắc Việt Nam là khu vực hàng đầu trong thị trường dịch vụ đám mây Việt Nam do có sự hiện diện của các tập đoàn lớn và các tổ chức tư nhân, chính phủ và các tổ chức quốc phòng cùng với số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Startup số hóa hàng tồn kho của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có trụ sở tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO