Tại sao không gộp các ứng dụng chống dịch thành một 'super app'

Lưu Quý| 18/07/2021 11:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Mỗi ứng dụng phục vụ cho một mục đích khác nhau, vì vậy thay vì gộp thành một, giải pháp phù hợp hơn là liên thông dữ liệu.

Hiện tại, để phục vụ việc phòng, chống Covid-19, người dùng được khuyến nghị cài các ứng dụng gồm: Ncovi phục vụ việc khai báo sức khỏe hàng ngày, Bluezone giúp phát hiện tiếp xúc gần với người dương tính, Vietnam Health Declaration (VHD) giúp khai báo y tế với người nhập cảnh. Để đăng ký và quản lý tiêm chủng, người dùng cần cài thêm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.

Trong bài viết của VnExpress về các ứng dụng phòng chống dịch, nhiều độc giả đưa ý kiến nên gộp các ứng dụng làm một. Việc này được cho là sẽ giúp người dân tiện theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe, hạn chế đăng ký nhiều tài khoản, cũng như tiết kiệm tài nguyên trên điện thoại.

"Tại sao không nâng cấp VssID hoặc Bluezone mà phải cài ba app. Vừa tốn pin, tốn RAM, mất thời gian, thậm chí có ứng dụng ít dùng nhưng vẫn phải cài", độc giả Lại Văn Tư bình luận. Độc giả có tên Konan cũng thắc mắc: "Không biết có hạn chế gì về công nghệ mà sao chúng ta không thể làm một ứng dụng all-in-one nhỉ? Càng nhiều ứng dụng càng khó phổ cập".

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia và những người làm trong công tác phòng chống dịch, giải pháp phù hợp hơn là liên thông dữ liệu, thay vì gộp các ứng dụng vào một.

"Mỗi ứng dụng giúp giải quyết một bài toán khác nhau. Việc gộp tất cả vào một 'super app' sẽ mâu thuẫn về nguyên tắc thiết kế", ông Nguyễn Thế Trung - Tổ phó Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch Covid-19 - chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến hôm 16/7.

Theo ông Trung, có nhiều bài toán được đưa ra trong công tác phòng chống dịch và mỗi ứng dụng, giải pháp có một nguyên tắc riêng. Chẳng hạn, người nước ngoài nhập cảnh và người Việt Nam sẽ có nhu cầu khai báo dữ liệu khác nhau; ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần phải đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Vì vậy, không thể tích hợp các ứng dụng làm một.

Trước đó, trong chia sẻ với báo chí, ông Lưu Thế Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế số tại Viettel Solutions, đơn vị phát triển app VHD - cũng cho biết, "việc tích hợp là tích hợp dữ liệu chứ không tích hợp ứng dụng". Người dùng vẫn cần cài 2 - 3 ứng dụng để phục vụ các nhu cầu hiện nay.

Mỗi người dân sẽ có một mã QR

Việc liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng đã bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 5, hiện vẫn được trong quá trình phát triển để phục vụ các phát sinh trong quá trình phòng chống dịch tại Việt Nam. Nhờ sự liên thông này, thay vì một "super app", người dùng chỉ cần một mã QR. Mã này sẽ liên thông với toàn bộ dữ liệu của các ứng dụng phòng chống dịch, từ check-in, khai báo y tế, xét nghiệm, tiêm chủng và tiến tới là công tác khám chữa bệnh.

Trong tọa đàm của VnExpress mới đây, ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cũng cho biết, người dân sẽ chỉ cần cài một ứng dụng bất kỳ trong số các ứng dụng được khuyến nghị và chúng sẽ sinh ra một mã QR, mã này có thể liên thông với các ứng dụng còn lại về mặt dữ liệu. Giải pháp này, theo ông Nam, đang trong quá trình hoàn thiện và đánh giá trước khi công bố chính thức.

Đại diện Cục CNTT, Bộ Y Tế, cũng cho biết thêm, các đơn vị liên quan đang thí điểm kết nối dữ liệu xét nghiệm Covid tại TP HCM với Trung tâm công nghệ phòng chống dịch quốc gia. Khi người dân đi xét nghiệm, chỉ cần cài một ứng dụng như Bluezone, cũng có thể biết được kết quả của mình. Việc này sẽ được mở rộng triển khai tại các địa phương khác trong thời gian tới.

Về thách thức khi phát triển các ứng dụng trong phòng chống dịch, ông Nam cho biết, ban đầu, để đáp ứng nhanh nhu cầu chống dịch, mỗi đơn vị sẽ đảm nhận phát triển một ứng dụng cho những nhiệm vụ đặc thù. Vì vậy, sinh ra nhiều app. Sau đó, thực tế chống dịch đưa ra yêu cầu phải mở rộng chức năng, điều chỉnh thay đổi cho phù hợp với thực tế. Từ 1, 2 bài toán ban đầu, ứng dụng phải giải quyết thêm 1, 2 chùm bài toán khác. Do đó, nhà phát triển phải điều chỉnh lại hệ thống hạ tầng, nền tảng rất nhiều./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Tại sao không gộp các ứng dụng chống dịch thành một 'super app'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO