Báo chí có một vai trò tích cực và quan trọng trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng. Hiện nay chúng ta có hơn 850 báo và tạp chí in, 67 đài phát thanh - truyền hình, 100 báo điện tử và 1150 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động. Đây chính là đội ngũ, lực lượng hùng hậu trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ như: tuyên truyền phổ biến đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phê phán hiện tượng tham nhũng, góp phần chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng tham nhũng và những hậu quả xã hội của hiện tượng tham nhũng; công bố những thông tin do nhân dân cung cấp về những hiện tượng, sự việc có biểu hiện tham nhũng; công bố những thông tin do bản thân tìm hiểu, điều tra phát hiện những hiện tượng có biểu hiện tham nhũng; thông tin kịp thời, chính xác những vụ, việc tham nhũng đang được điều tra, xử lý…
Tuy nhiên, tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng cũng chia sẻ về những khó khăn mà các cơ quan báo, đài gặp phải trong việc đưa thông tin một cách kịp thời, đặc biệt trong thời buổi cạnh tranh thông tin hết sức gay gắt giữa chính các cơ quan báo chí để thu hút bạn đọc. Đôi khi các nhà báo đã mắc phải những sai phạm nghề nghiệp, thậm chí gây hậu quả lớn, khiến chính bản thân các nhà báo phải vướng vòng lao lý, cơ quan báo chí bị liên lụy, ảnh hưởng đến uy tín.
Chính vì vậy, thông qua các hội nghị tập huấn như hôm nay, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài sẽ được chia sẻ kinh nghiệm cũng như bổ sung thêm kiến thức để viết tin, bài về pháp luật phòng, chống tham nhũng.
Thu Trang- Vụ Pháp chế