Telehealth - phát huy vai trò công nghệ trong việc khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số

Quỳnh Chi| 10/09/2021 11:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Telehealth không chỉ là công cuộc chuyển đổi số của ngành Y tế, giúp cho ngành y tế phát triển đồng bộ, mà còn góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khoẻ tại các địa phương, nhất là các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Những chấn đoán kịp thời…

Một bệnh nhân nữ người DTTS 54 tuổi, có tiền sử bệnh van hai lá do thấp, suy tim nhiều năm, điều trị tại Bệnh viện tỉnh Lào Cai. Đợt này người bệnh khó thở nhiều, thuốc điều trị đã hết, nhưng đang trong đợt dịch Covid-19 nên chưa thể đi khám. Người bệnh đã được các chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa để kết nối. Sau khi các bác sỹ hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm tim trực tiếp từ xa để có đánh giá trực tiếp tình trạng tim của người bệnh và lên phương án điều trị phù hợp.

Telehealth - phát huy vai trò công nghệ trong việc khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 1.

Hội chẩn trực tuyến cho bệnh nhân qua hình thức trực tuyến.

Còn tại Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu - tỉnh Sơn La, một trẻ sơ sinh được sinh non khi mới 28 tuần tuổi đã được cứu sống kịp thời nhờ Telehealth. Cháu bé bị đẻ rơi ngay trên đường đến bệnh viện. Khi mẹ con sản phụ vào nhập viện, cháu bé trong tình trạng tím tái, suy hô hấp. Đây là một ca hết sức khó vì trẻ sinh non nhiều tháng, nặng 1,1kg.

Bên cạnh việc xử lý cấp cứu của các bác sỹ tại Bệnh viện, các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương... đã nhanh chóng hội chẩn từ xa về phương hướng điều trị tiếp theo, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhi và các nguy cơ xảy ra; đồng thời hướng dẫn các bác sỹ tiếp tục thực hiện các phác đồ điều trị, cung cấp dinh dưỡng tiếp theo cho bệnh nhân.

… Từ Telehehealth - Một thế giới y học không khoảng cách 

Trên thực tế, giải pháp tư vấn, chẩn đoán khám chữa bệnh từ xa đã được ngành y tế triển khai từ 15 năm trước. Còn từ 5 năm trước, khi bắt đầu chiến lược "đưa công nghệ thông tin tới mọi ngõ ngách của cuộc sống", Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã nghiên cứu và phát triển Telehealth - giải pháp công nghệ về y tế cho phép hỗ trợ hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa hiệu quả cao. 

Telehealth được triển khai đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào ngày 18/4/2020. Hệ thống do Viettel phát triển đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa mà Bộ Y tế ban hành gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Hệ thống này sử dụng các công nghệ hiện đại nhưng phù hợp với điều kiện và thực trạng chung của ngành y tế, được tích hợp vào một nền tảng chung. Điều này giúp triển khai đồng loạt Hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu.

Telehealth được phân biệt với Telemedicine (khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa) mà chúng ta đã làm từ lâu và trên thế giới cũng làm từ hàng chục năm nay. Telehealth là một buổi hội chẩn đa trung tâm, đa bệnh viện, tất cả các dữ liệu liên quan đến bệnh lý đều được công khai cho người dân biết. Telehealth giúp hiện thực hóa những ý tưởng trong việc khám chữa bệnh cũng như đào tạo tuyến dưới. 

Telehealth - phát huy vai trò công nghệ trong việc khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ kết nối nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Ảnh: Đức Huy.

Trong bối cảnh đại dịch Covid diễn biến phức tạp tại Việt Nam, ngày 8/8/2021 vừa qua, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth tới 100% tuyến huyện và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia.

Trước đó, chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Viettel, VNPT đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố. Đây là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối với hệ thống theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp.

Với sự kiện này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó.

Mới đây nhất, Chính phủ  Australia đã tài trợ gần 400.000 đôla Úc cho dự án "Ứng dụng thực tế tăng cường để cải thiện việc khám chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa" (UTAS-ARRA). Sáng kiến này dựa trên việc ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) để cải thiện hiệu quả việc hỗ trợ từ xa giữa các chuyên gia y tế tuyến trung ương với các nhân viên y tế ít kinh nghiệm hơn ở các vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. Hệ thống này sẽ được cài đặt và kết nối giữa Bệnh viện Bạch Mai với 8 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện và xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Với màn hình hiển thị đeo trên đầu và tính năng gọi điện thoại video rảnh tay qua UTAS-ARRA, các nhân viên y tế ở địa phương có thể gọi cho các chuyên gia ở tuyến trung ương, chia sẻ những gì họ nhìn và nghe thấy và được hướng dẫn để xử lý ca bệnh trong thời gian thực. 

Nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào DTTS

Tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận y tế, nhất là y tế chất lượng cao. 

Telehealth - phát huy vai trò công nghệ trong việc khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 3.

Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS là một trong các nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế.

Nhờ có khám chữa bệnh từ xa qua áp dụng công nghệ qua hình thức Telehealth mà bà con DTTS ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa không còn phải đi lại vất vả để chữa bệnh nữa mà vẫn có thể được các bác sĩ ở tuyến đầu tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị. 

Chị Thào Thị Khía, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: "Trước kia bị bệnh nặng thì phải xuống Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh khám, nếu không được thì phải đi tận Hà Nội. Trong khi từ nhà tôi đi ra đến BVĐK huyện đã gần 30 km, chưa kể phải đi từ huyện đến tỉnh, Trung ương quãng đường dài gần 400 km, vừa tốn kém vừa mất thời gian đi lại, tìm chỗ ăn, ở rất vất vả, trong khi điều kiện kinh tế của gia đình còn khó khăn. Bây giờ tôi đến khám ở BVĐK huyện nhưng vẫn được các bác sĩ uy tín ở Trung ương chẩn đoán bệnh nên đỡ vất vả, tiết kiệm được nhiều chi phí, tôi rất vui mừng khi có hệ thống KCB từ xa đi vào hoạt động". 

Theo ước tính, khi triển khai Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, xã hội và ngành y tế có thể tiết kiệm được hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, trong đó, riêng chi phí đi lại, khám chữa bệnh là hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Tại thời điểm dịch COVID đang hoành hành thì Nền tảng khám chữa bệnh từ xa sẽ thực sự phát huy hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân mà vẫn đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội, đặc biệt là đối với bệnh nhân cao tuổi, khó khăn trong việc di chuyển, bệnh nhân người DTTS ở vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước.

Không chỉ kịp thời tận dụng "giờ vàng" cứu chữa người bệnh, giảm tải cho tuyến trên, từ đó, giảm tối đa các ca tử vong, mà thông qua nền tảng Telehealth, các bác sỹ tuyến dưới cũng được bồi đắp thêm năng lực chuyên môn, có động lực hơn, tự tin hơn trong điều trị. Điều này về lâu dài sẽ góp phần nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS tại vùng xâu, vùng xa vùng còn gặp nhiều khó khăn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Telehealth - phát huy vai trò công nghệ trong việc khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO