Tem Tết Việt Nam – dòng chảy văn hóa Phương Đông

Đỗ Hoàng Thọ| 12/12/2016 21:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Những mẫu tem Tết đã phát hành (1993-2006) đều mang một sắc thái chung, đều lấy cảm hứng từ tranh dân gian và phản ảnh được màu sắc tươi vui của mùa xuân mới. Ngoài ý nghĩa đó, một số mẫu tem Tết bằng sự cách điệu đầy sáng tạo của mình đã tạo ra những hình ảnh mang tính biểu tượng cho một nền văn hóa lâu đời, tinh thần dân tộc Việt Nam. Như năm 2000 - Canh Thìn - năm Rồng, họa sĩ đã kết hợp khéo léo hai ý nghĩa về Tết và kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ở Việt Nam, tem Tết cùng chung dòng chảy với văn hóa phương Đông nhưng nó được tiếp nhận, chắt lọc, sáng tạo, biến cách trên nền tảng bản sắc dân tộc của mình. Tem Tết đầu tiên của nước ta được phát hành vào năm 1962 với mẫu tem "Tranh Tết Đông Hồ " gồm hai mẫu Lợn nái, Lợn con và Gà mái, gà con đều dựa theo tranh khắc gỗ dân gian của làng Hồ, một loại hình truyền thống dân tộc.

Thời gian từ năm 1962-1992, việc phát hành tem Tết diễn ra không thường xuyên, không liên tục. Bắt đầu từ năm 1993 thì hình ảnh cầm tinh các con vật trong năm trở thành đề tài không thể thiếu trong chương trình phát hành tem Tết hằng năm. Đến năm 2004 thì chu kỳ tem 12 con giáp đã hoàn thành và người sưu tập có đủ trọn bộ đầu tiên của một giáp với khuôn mẫu và phong cách thống nhất khá đẹp.

Đặc biệt, trong các năm Bính Tý (1996), Kỷ Mão (1999), Nhâm Ngọ (2002) nghĩa là cách ba năm một lần, ngoài tem Tết gồm hai mẫu vuông vức quen thuộc, Công ty tem còn phát hành thêm tem bloc rất ấn tượng kèm theo như năm Bính Tý có bloc Nghinh hôn, năm Kỷ Mão có tem bloc Mèo mẹ, Mèo con...

Những mẫu tem Tết đã phát hành (1993-2006) đều mang một sắc thái chung, đều lấy cảm hứng từ tranh dân gian và phản ảnh được màu sắc tươi vui của mùa xuân mới. Ngoài ý nghĩa đó, một số mẫu tem Tết bằng sự cách điệu đầy sáng tạo của mình đã tạo ra những hình ảnh mang tính biểu tượng cho một nền văn hóa lâu đời, tinh thần dân tộc Việt Nam. Như năm 2000 - Canh Thìn - năm Rồng, họa sĩ đã kết hợp khéo léo hai ý nghĩa về Tết và kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.

Các họa sĩ vẽ tem tạo ra hình ảnh rồng vàng biểu tượng của thủ đô nghìn năm văn vật. Cùng với rồng vàng trên nền tem đầy sắc xuân là hình ảnh được cách điệu từ các di tích lịch sử của đất nước Thăng Long xưa - chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội. Hay mẫu tem tết năm Nhâm Ngọ 2002: thể hiện hình ảnh "ngựa gốm" của làng nghề truyền thống sứ Bát Tràng và "ngựa tò he" của làng nghề nặn bột truyền thống Xuân La (Hà Tây).

Đặc biệt là hai mẫu tem này được thiết kế theo hình vuông cùng với khối tròn bên trong tượng trưng cho mặt đất và bầu trời theo triết lý âm dương "trời tròn đất vuông" và tem bloc hình ngựa vẽ theo phong cách dân gian đơn tuyến bình đồ, hình ảnh con ngựa hồng trong thế đang phi nước đại, hào hùng dũng mãnh, đầu hướng phía trước, bờm đuôi tung bay, yên cương lộng lẫy... trên bầu trời đa sắc màu tươi sáng. Bố cục của bloc tem khiến người xem liên tưởng ngựa sắt Thánh Gióng, đó cũng là ý tưởng năm 2002 ngựa hồng Việt Nam tiến về phía trước bắt kịp thời cơ vận hội mới...

Tem Tết thường được phát hành đầu tháng 1 dương lịch để phục vụ mọi người gửi thư, quà, tặng phẩm. Bưu thiếp chúc mừng người thân dịp Tết. Nhất là đối với người xa Tổ quốc, mỗi khi nhận được lá thư hoặc bưu thiếp dán tem tết lại gợi nhớ quê hương, cội nguồn, nhớ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc và con tem cũng hàm ý như là lời chúc mừng năm mới mọi sự may mắn tốt lành của người gửi đến người nhận.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tem Tết Việt Nam – dòng chảy văn hóa Phương Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO