Thư viện lưu động, một hình thức đưa sách tiếp cận người đọc

Phượng| 02/11/2022 10:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Thư viện lưu động ở các nước và ở Việt Nam đều được nhìn nhận là có tác động tích cực thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Vấn đề là cách thức triển khai như thế nào để thư viện lưu động đạt được kết quả bền vững, thay vì chỉ dừng ở một hoạt động phong trào.

Tìm người đọc thay vì người đọc tìm thư viện

Thư viện lưu động đã  vốn đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, cách đây khá lâu, một số thư viện đã được các nước tài trợ xe thư viện lưu động: Năm 2008, Pháp tài trợ cho Thư viện tỉnh Yên Bái; năm 2011, Singapore tài trợ cho Thư viện thành phố Hà Nội; năm 2014, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh khánh thành "Thư viện số lưu động - Bánh xe tri thức" do Singapore tài trợ. Trước đó, thư viện này đã có xe thư viện lưu động, mỗi năm phục vụ khoảng 30 chuyến, mỗi chuyến từ 5-7 ngày, chủ yếu tại các trung tâm văn hóa, trường phổ thông, trung tâm sinh hoạt công nhân ở các quận, huyện xa trung tâm.

Năm 2016, Vụ Thư viện cùng với Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup triển khai Dự án "Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện  - Ánh sáng tri thức" cho các thư viện tỉnh, thành phố. Cùng với Tập đoàn Vingroup, Quỹ Force tài trợ thêm máy tính và các thiết bị phục vụ người khiếm thị; Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L tài trợ phần mềm quản lý cho các thư viện. Xe ô tô thư viện lưu động được trang bị sách, máy tính và các sách nói, máy chủ, phần mềm, máy chiếu, vô tuyến, tài liệu điện tử và các thiết bị phục vụ cho người khiếm thị. Dự án nhằm thúc đẩy việc đưa thông tin và tri thức đến với người dân trong cộng đồng (bao gồm cả người khiếm thị) ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn.

Quy mô của dự án là mỗi thư viện tỉnh, thành phố được cấp 1 xe thư viện lưu động trang bị khoảng 4.500 cuốn sách, một máy chủ, 6 máy tính xách tay, 1 tivi, một bộ máy chiếu - màn hình chiếu kèm máy phát điện, ổn áp, loa tăng âm, ghế nhựa và dù… Thư viện lưu động đa phương tiện có thể phục vụ người dân ở mọi vùng, kể cả trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Về địa phương, tùy tình hình thực tế, cán bộ thư viện có thể điều chỉnh chương trình để phù hợp với đối tượng bạn đọc và đặc điểm xã hội của nơi mình phục vụ. Chị Nguyễn Thị Thảo Quyên, Thư viện tỉnh Đắk Lắk, cho biết, thư viện tiếp nhận xa thư viện lưu động từ năm 2019. Trung bình mỗi năm, xe thực hiện được hơn 30 chuyến đi đến các trường học, buôn làng vùng khó khăn, phục vụ hàng chục nghìn lượt người đọc. Theo anh La Quốc Tùng Lâm, cán bộ Thư viện tỉnh Đắk Lắk, mỗi lần đi phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, nhóm gồm 3 thành viên sẽ xây dựng chương trình cụ thể phù hợp với từng địa bàn: "Trước khi đến thì thư viện xây dựng kế hoạch phù hợp dựa theo mặt bằng kiến thức của các em, với các trò chơi hoạt náo như rung chuông vàng, trả lời các bức tranh máy tính, vẽ  tranh tô màu, đố vui có thưởng để khuấy động sự nhiệt tình của các em, để các em cảm thấy những kiến thức mà hôm nay mình học được, mình chơi được sẽ có từ đâu, sẽ học từ đâu và các em sẽ thêm phần yêu thích khám phá sách".

Theo thống kê của Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm xe ô tô thư viện lưu động tổ chức được khoảng 30 chuyến đi, phục vụ hàng nghìn lượt bạn đọc là các em học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Glei, Kon Plông… và các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang. Bà Trần Thị Kim Phương, Phó giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum, cho biết: Xe ô tô Thư viện lưu động từ lâu đã là niềm mơ ước của cán bộ thư viện. Có ô tô thư viện lưu động sẽ giúp luân chuyển sách đi phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Thư viện tỉnh Cao Bằng cũng được nhận xe thư viện lưu động từ dự án vào năm 2019. Sau khi nhận xe, thư viện tỉnh đã tích cực đưa xe ô tô thư viện lưu động đến phục vụ trong trường học, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến các đồn biên phòng, trại giam… Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Quang Vinh, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng), trường học chưa có thư viện, là một trong những điểm phục vụ đầu tiên mà xe ô tô thư viện lưu động dừng chân. Với hệ thống thiết bị và sách được trang bị trên xe ô tô, học sinh được đọc sách báo, nghiên cứu, truy cập tài liệu, được tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội... Vào tối thứ sáu hàng tuần, tại phố đi bộ Kim Đồng, các em học sinh trong thành phố có dịp được đọc sách miễn phí.

Thư viện lưu động ở Sơn La

Thư viện lưu động ở Sơn La

Lãnh đạo Vụ Thư viện đánh giá: Những chuyến xe mang ánh sáng tri thức đã thực sự góp phần xóa đói thông tin, xóa mù công nghệ, tạo ra một luồng sinh khí mới cho các thư viện tỉnh trong việc triển khai các hoạt động phục vụ cộng đồng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đọc là một quá trình, không thể là phong trào

Xe thư viện lưu động mang sách tới các trường học, tới trại giam, về tụ điểm văn hóa ở những vùng sâu - xa, nơi sách có thể chưa bao giờ được biết tới, là một thành công của những người làm công tác thư viện. Nhưng đánh giá một cách khách quan, đó mới chỉ là cú hích tác động vào nhận thức về sách của một số người. Tác động tích cực của sách tới người đọc mới chỉ dừng ở chiều rộng mà chưa có chiều sâu. Chưa kể đọc sách là một thói quen phải được rèn luyện, người đọc phải có nhiều thời gian tiếp cận sách, có điều kiện tiếp cận sách.

Ví dụ, thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh nhận được nhiều lời đề nghị mang chuyến xe sách quay trở lại, nhưng với tần suất khoảng 30 chuyến/xe/năm, xe sách không thể phục vụ một điểm hai lần trong một năm. Để được Thư viện tỉnh Thanh Hóa lên lịch sắp xếp tổ chức cho xe thư viện lưu động đến phục vụ, các trường học, địa phương phải đăng ký và quá trình chờ đợi kéo dài hàng năm mới đến lượt mình. Sau đó, khi xe thư viện lưu động tới, thì buổi đọc sách chỉ kéo dài khoảng 3-4 tiếng, trong đó có một phần thời gian dành cho các trò chơi, giới thiệu... Thời gian thực sự để người đọc được tiếp cận sách không nhiều.

Nhìn ra thế giới, cách thức tổ chức thư viện lưu động có những điểm khác biệt. Thư viện lưu động được tổ chức bằng cách đưa sách đến điểm cố định vào những khung thời gian cố định để người đọc dễ dàng tiếp cận sách hơn:

Thư viện lưu động mang sách đến cho người dân tỉnh Nam Định

Thư viện lưu động mang sách đến cho người dân tỉnh Nam Định

Tại Indonesia, có một thư viện di động mang tên "Thư viện thùng rác". Từ năm 2014, một phụ nữ đã tạo một thư viện bằng cách thu gom rác của những đứa trẻ, bán để mua sách. Hàng ngày, bà kéo chiếc xe ba bánh chở sách đến cho trẻ em ở các khu vực hẻo lánh ở Mutang, thuộc huyện Purbalinga. Trẻ em mang rác tái chế đến để được đọc miễn phí ở thư viện có tới 6000 đầu sách này.

Tại vùng sa mạc khô cằn ở tỉnh Balochistan của Pakistan, hàng ngày, lạc đà Roshan chở sách đến bốn ngôi làng khác nhau. Trong khoảng 2-3 tiếng vào buổi chiều khi "thư viện lạc đà" mở cửa, bọn trẻ có thể lựa chọn đọc tại chỗ hoặc mượn những cuốn sách mình yêu thích. Có gì chưa hiểu rõ, trẻ có thể hỏi giáo viên hoặc chính chủ nhân của chú lạc đà, bà Raheema Jalal, hiệu trưởng trường nữ sinh Zubeda Jalal ở tỉnh Balochistan - nơi có tỷ lệ biết chữ thấp nhất Pakistan.

Xác định đây là một hoạt động lâu dài góp phần hiện thực hóa Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin, có hiệu lực từ ngày 1/10/2022, quy định cụ thể về hoạt động thư viện lưu động.

Trong đó, yêu cầu ưu tiên lựa chọn tài nguyên thông tin phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và các tài nguyên thông tin phục vụ cho nhóm đối tượng đặc thù như: thiếu nhi, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhóm đối tượng chuyên biệt (nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tài nguyên thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh).

Tài nguyên thông tin có tính cập nhật, không bị lỗi thời, phù hợp với nhu cầu của từng điểm phục vụ…/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thư viện lưu động, một hình thức đưa sách tiếp cận người đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO