Chịu tác động trực tiếp của những cơn bão lớn, lại có nhiều địa bàn vùng trũng, dễ bị ngập lụt trong thời gian dài. Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 128/145 xã, phường trong vùng ngập lụt vào mùa mưa, bão.
Theo lãnh đạo UBND Thừa Thiên Huế, rút kinh nghiệm từ những mùa mưa bão trước, ý thức của người dân với PCTT rất quan trọng. Do đó, cùng với các kịch bản ứng cứu mùa mưa bão, công tác tuyên truyền được Ban chỉ đạo tỉnh đặc biệt chú trọng. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị trấn bám sát và chỉ đạo có hiệu quả theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ".
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện thường xuyên tuyên truyền phương án, chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, của huyện về công tác PCTT&TKCN; thông tin kịp thời những diễn biến về thiên tai để các cơ quan, đơn vị và nhân dân chủ động ứng phó. Trước các diễn biến bất thường của thời tiết, UBND các huyện, xã, thị trấn phát, truyền thanh thông báo đến từng cụm dân cư các thông tin kịp thời.
Lương thực và các hàng hóa thiết yếu được các địa phương chủ động, trong đó Phòng Kinh tế và Hạ tầng hợp đồng với các chủ cửa hàng dự trữ lương thực và một số hàng nhu yếu phẩm. Tùy theo diễn biến thời tiết và điều kiện cụ thể để điều chỉnh số lượng hàng hóa dự trữ cho phù hợp.
Trước mùa mưa lũ, các Trung tâm Y tế huyện cũng chuẩn bị một số thuốc để dự trữ, để cấp cứu kịp thời, chuẩn bị hóa chất khử trùng làm sạch nguồn nước; vệ sinh môi trường trong và sau lụt bão, đồng thời hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm di dân tập trung.
Là lực lượng tuyến đầu chống dịch, lại là chỗ dựa cho dân trong mùa mưa bão, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã chuẩn bị chu đáo nhân lực, phương tiện, sẵn sàng các phương án kịp thời giúp dân với mục tiêu kép: vừa phòng dịch, vừa chống bão.
Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh này thông tin, với 51 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở ở hầu hết các huyện, thị trên địa bàn tỉnh, trong điều kiện mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) như hiện nay, nguy cơ sạt lở đất vùng núi, sông suối rất cao, đơn vị đã có thông báo cảnh báo các vị trí có nguy cơ trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông bờ biển trên địa bàn tỉnh để các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó với sự cố, thiên tai. Trong đó, đặc biệt chú trọng các điểm sạt lở nguy cơ rất cao khu vực đồi núi dọc tuyến đường 71 từ Phong Xuân (Phong Điền) đi đến các công trình hồ thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1.
Các chủ đầu tư, chủ hồ đập phải thường xuyên kiểm tra khu vực lòng hồ, đập, đường ống, đường hầm và nhà máy thủy điện nhằm sớm phát hiện các điểm nguy cơ sạt lở ven hồ; thượng, hạ lưu công trình đầu mối.
Ngoài ra, kiểm tra tình hình trượt lở ven hồ phía thượng lưu đập dâng, đập tràn đề phòng đất đá sạt lở mạnh gây sóng lũ và nước hồ dâng đột ngột tràn qua đập gây sự cố công trình. Đề phòng hiện tượng sạt lở sườn đồi bờ sông phía hạ lưu đập dâng, đập tràn làm hạn chế thoát lũ và đe dọa đến vận hành an toàn công trình.
"Trước mùa mưa bão, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã khảo sát các tuyến đường, vùng núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất có khả năng chia cắt địa hình, chia cắt sự cơ động của các lực lượng để chủ động các phương án di dời, khắc phục khi có sự cố xảy ra. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.901 hộ/ 8.661 nhân khẩu nằm trong diện sơ tán tại chỗ và 2.810 hộ/11.918 nhân khẩu cần di dời tập trung khi có mưa, bão xảy ra"- ông Đặng Văn Hòa cho biết thêm.