Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam trong thời gian tới
Phát triển kinh tế xanh là quá trình phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng sống của con người, bảo đảm ổn định xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.
Phát triển kinh tế xanh được Đảng và nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012. Có thể nói, đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện đến lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, tạo tiền đề và căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện tăng trưởng kinh tế dựa trên nền kinh tế xanh. Thủ tướng Chính phủ cũng thúc đẩy tăng trưởng xanh bằng cách ban hành nhiều quyết định quan trọng có liên quan đến phát triển kinh tế xanh như: Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế…
Hơn 12 năm qua, kể từ khi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành, đến nay nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng theo hướng xanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 - 2023 luôn tăng trưởng ở mức trên 5,5%, đây được xem là kỳ tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng so với nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chịu nhiều tác động nặng nề từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và dịch bệnh Covid-19.
Năm 2024, so với cùng kỳ các năm trước, cơ cấu kinh tế Việt Nam có sự chuyển dịch tăng tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là xu thế phát triển kinh tế tất yếu phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam. Đặc biệt, các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đã được Việt Nam triển khai thực hiện. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến tăng trưởng xanh, góp phần giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính và tiêu hao năng lượng. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của kinh tế xanh được nâng cao.
Tuy nhiên việc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam còn tồn tại một số khó khăn, thách thức. Đó là nhận thức của xã hội về nền kinh tế xanh vẫn còn hạn chế. Hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa thật sự đồng bộ. Việc huy động các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam còn yếu, do tích lũy quốc gia so với các nước phát triển còn thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặt khác, nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế xanh tại Việt Nam còn ít, trình độ phát triển khoa học và công nghệ, năng suất lao động chưa cao so với các nước trên thế giới.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân về tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh. Theo đó, phát triển kinh tế xanh phải trở thành cú hích, động lực quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Phát huy vai trò điều hành của Chính phủ và của các bộ, ngành trong phát triển kinh tế xanh; Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, xây dựng cơ chế phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh; Tiếp tục cải cách hệ thống thuế về tài nguyên, môi trường theo hướng phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, thực hiện giảm và miễn thuế đối với các doanh nghiệp có quy trình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn, bảo vệ môi trường; Thiết lập các khung chính sách hỗ trợ và khuôn khổ pháp lý phù hợp cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển kinh tế xanh; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế xanh, trong đó có tín dụng xanh để tạo cơ chế thu hút các nguồn lực tài chính quốc tế phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;
Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ chiều rộng sang chiều sâu dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo; Tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế trong nước, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài nhằm nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh của nền kinh tế; Tập trung đầu tư nguồn lực vào phát triển và ứng dụng công nghệ cao để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh: Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế xanh nhằm học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới về quản trị nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, cũng như tranh thủ nguồn lực quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xanh, nhất là thu hút đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, các nước phát triển để phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững.
Phát triển kinh tế xanh đã trở thành xu thế phát triển của các nước trên thế giới và Việt Nam cần phải thực hiện đúng cam kết với cộng đồng quốc tế về tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính về mức Net Zero vào năm 2050. Để làm được điều đó, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế kinh tế; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu; tăng cường đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế xanh… nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên của đất nước, tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.