Tỉnh táo trước thông tin bịa đặt, xuyên tạc

03/11/2015 22:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước thủ đoạn đen tối và mưu ma chước quỷ của kẻ xấu, khi tiếp xúc với tin tức trên internet hoặc qua đồn đại, mỗi người chúng ta cần hết sức tỉnh táo, tự tạo cho mình khả năng chọn lọc, đánh giá thông tin, lấy ý thức trách nhiệm, lấy lợi ích đất nước, lấy việc xây dựng khối đoàn kết, nhất trí toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân làm nguyên tắc chỉ đạo nhận thức và hành động

Ảnh minh họa

(Chinhphu.vn) - Xưa nay, bịa đặt, dựng đứng, xuyên tạc sự thật và các việc làm tương tự luôn là hành vi của những kẻ có mưu đồ xấu, bất lực trước sự thật. Nhưng một số người vẫn làm, vì hy vọng qua đó vớt vát được vài ba điều nhằm làm ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức, cá nhân nào đó, hoặc lũng đoạn thông tin, lũng đoạn nhân tâm.

Từ khi internet phát triển, nó lập tức bị kẻ xấu lợi dụng để vừa có thể giấu mặt bày đặt các trò dối trá, vừa ngỡ rằng không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cho nên trên thế giới vẫn xảy ra các sự vụ liên quan đến sự bịa đặt xuất xứ từ một số blog, trang facebook, mạng xã hội... Chỉ tới khi sự thật được xác minh, một số người mới sực tỉnh vì bị kẻ xấu đánh lừa, thao túng.

Ðối với Việt Nam, mỗi khi đất nước có chuẩn bị có một sự kiện chính trị lớn, lập tức kẻ xấu tăng cường đưa lên internet loại tin tức nói trên, không chỉ về mật độ mà cả về cường độ, thông qua vô số mưu ma chước quỷ, có sự kết hợp bên trong, bên ngoài. Những ngày gần đây, bằng thủ đoạn bịa đặt, xuyên tạc... kẻ xấu đã và đang dựng đứng một số sự kiện nhằm tiến công vào Ðảng, Nhà nước Việt Nam, uy tín của một số đồng chí lãnh đạo.

Các thủ đoạn được tổ chức có bài bản, lộ trình, có thể tóm tắt: dựa trên thông tin đã công bố công khai để bịa đặt mối liên hệ, từ đó bịa ra sự kiện gắn với tổ chức, cá nhân cụ thể; đưa sự kiện bịa đặt lên blog, facebook cá nhân, website, diễn dàn... để lừa gạt người đọc, nhanh chóng đăng lại trên nhiều địa chỉ khác nhau, rồi bình luận, bổ sung làm rối trí người tiếp xúc thông tin, tác động và làm họ đi từ nửa tin nửa ngờ đến bàn luận, và lan truyền; các trang tiếng Việt của BBC, RFA tiếp tay bằng cách biến sự kiện bịa đặt thành "như thật" để bình luận, phỏng vấn (như phỏng vấn ông C. Thayer trên BBC ngày 6/1 chẳng hạn); khi bị vạch trần thì dùng thủ đoạn "ném đá giấu tay" gán sự kiện chính họ bịa đặt cho chính quyền, cá nhân nào đó để vừa phủi tay, vừa tiếp tục gây nghi ngờ. Các thủ đoạn này kết hợp tinh vi với chiêu trò dựng lên một vài "bình luận gia", hễ có sự việc liên quan tới Việt Nam là lập tức BBC, RFA, VOA, RFI mời bình luận để bịa ra các giả thuyết... từ đó hình thành mê hồn trận những điều giả dối, làm mất lòng tin, gây hoang mang và kích động dư luận.

Trước thủ đoạn đen tối và mưu ma chước quỷ của kẻ xấu, khi tiếp xúc với tin tức trên internet hoặc qua đồn đại, mỗi người chúng ta cần hết sức tỉnh táo, tự tạo cho mình khả năng chọn lọc, đánh giá thông tin, lấy ý thức trách nhiệm, lấy lợi ích đất nước, lấy việc xây dựng khối đoàn kết, nhất trí toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân làm nguyên tắc chỉ đạo nhận thức và hành động. Ðồng thời, các cơ quan hành pháp cần có biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát để bảo vệ sự lành mạnh của internet, bảo vệ an ninh thông tin, điều tra, xử lý nghiêm khắc những kẻ đã và đang đưa tin bịa đặt làm ảnh hưởng uy tín của Ðảng, Nhà nước Việt Nam và cá nhân các đồng chí lãnh đạo; trong trường hợp cần thiết, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để nhân dân sớm sáng tỏ.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí và truyền thông cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nhanh chóng lên tiếng vạch trần mọi thủ đoạn của kẻ xấu... Sự thật, chân lý, lẽ phải luôn thuộc về chúng ta, không gì có thể ngăn cản chúng ta tiếp tục bước tiếp trên con đường đã được Ðảng và Bác Hồ lựa chọn. Vì thế, sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa mỗi người dân với cơ quan chức năng sẽ tạo ra sức mạnh để chúng ta chiến thắng trên mặt trận tư tưởng, truyền thông.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh táo trước thông tin bịa đặt, xuyên tạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO