Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Trong năm qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận đăng ký xuất bản 76.371 tên xuất bản phẩm. Trong đó, có 2.774 tên xuất bản phẩm điện tử. Năm 2015, số lượng xuất bản phẩm nộp lưu chiểu vẫn tăng về cuốn so với năm 2014, mức hưởng thụ bình quân đạt khoảng 4,1 bản sách/người, tương đương năm 2014, đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của 60 nhà xuất bản. Theo đánh giá, năm 2015 các nhà xuất bản đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động, huy động được các nguồn lực để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh theo đúng kế hoạch đã đặt ra và đạt được những kết quả khả quan hơn so với năm 2014. Ví dụ như: NXB Trẻ (11,3 tỷ đồng), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật (13,6 tỷ đồng), NXB Kim Đồng (25 tỷ đồng), NXB Giáo dục Việt Nam (33,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy việc thực hiện các quy định của pháp luật về xuất bản và phát hành tại một số đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc như: chậm hoặc chưa thực hiện việc ra quyết định thu hồi quyết định xuất bản khi đối tác liên kết vi phạm hợp đồng liên kết; thực hiện xuất bản hoặc liên kết xuất bản khi chưa có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; ký hợp đồng liên kết xuất bản với đối tác không đủ điều kiện liên kết; không trực tiếp ký hợp đồng in với cơ sở in; hoặc để cho trưởng chi nhánh nhà xuất bản tự cấp quyết định xuất bản không đúng thẩm quyền; Một số đơn vị không nộp xuất bản phẩm liên kết để nhà xuất bản nộp lưu chiểu cho cơ quan quản lý; Một số cơ sở phát hành, người đứng đầu còn thiếu văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm, hoặc chưa có xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm của cơ quan quản lý nhà nước nhưng vẫn hoạt động; Một số cơ sở phát hành thực hiện phát hành xuất bản phẩm khi chưa có quyết định phát hành của Giám đốc nhà xuất bản, hoặc phát hành xuất bản phẩm không có hóa đơn, hoặc xuất bản phẩm bị thu hồi, đình chỉ phát hành. Tại Hội nghị, đại diện một số nhà xuất bản, cơ sở phát hành, Sở TT&TT và Hội Xuất bản Việt Nam đã có tham luận trình bày, đề xuất về những thành tựu khó khăn vướng mắc trong hoạt động quản lý, xuất bản, phát hành như làm thế nào để nâng cao năng lực của đội ngũ biên tập viên; kiến nghị ưu đãi chính sách về thuế nhà đất,… cho nhà xuất bản; khó khăn khi đi thanh tra kiểm tra của địa phương,… Phát biểu tại Hội nghị, bà Lâm Phương Thanh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận và khẳng định những kết quả đạt được của ngành xuất bản, phát hành trong năm qua và đề nghị trong thời gian tới ngành cần phải tập trung bám sát tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm 2016, tuyên truyền các văn kiện; nghị quyết của Đại hội Đảng XII; đẩy mạnh tuyên truyền về kinh tế xã hội,… Ban tổ chức Hội nghị tặng hoa chúc mừng các đồng chí Trương Minh Tuấn, Nguyễn Thế Kỷ và Lâm Phương Thanh đã trúng cử vào BCH Trung ương Đảng khóa XII Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh những nội dung chính và cần phải làm của ngành xuất bản, phát hành đó là: Thứ nhất, trong công tác tham mưu xây dựng văn bản pháp luật cần phải nghiên cứu, điều chỉnh để đề xuất trúng và đúng vấn đề để tạo sự ổn định lâu dài về pháp lý đây chính là trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý cụ thể là Cục Xuất bản, In và Phát hành và Sở TT&TT các tỉnh, thành phố. Thứ hai, triển khai chương trình phát triển xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ cấp bách rất quan trọng. Thứ trưởng đề nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành sớm có hướng dẫn, phối hợp với các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Các Sở TT&TT cũng chủ động tham mưu với UBND tỉnh, thành phố để triển khai xây dựng quy hoạch. Một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược sách là sách nào dành cho trẻ em Việt Nam. Hiện nay hầu như không còn hoặc rất ít tác giả người Việt viết sách cho trẻ em người Việt, chưa kể thiếu hụt về mảng sách khoa học, sách công nghệ để chuẩn bị cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời gian tới. Thứ ba, đối với hoạt động xuất bản, các nhà xuất bản tiếp tục đẩy mạnh xuất bản các xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản, của cơ quan chủ quản và bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong năm 2016. Đặc biệt là tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Mặt khác cũng phải chú trọng rà soát quy trình xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản để hạn chế tới mức thấp nhất những sai sót vi phạm về nội dung xuất bản. Riêng đối với vấn đề cấp đổi giấy phép hoạt động của các nhà xuất bản, với những nhà xuất bản nào đã được cấp giấy phép thì tiếp tục duy trì và hoạt động ổn định và phát triển, tránh hiện tượng đối phó điều kiện hoạt động trên giấy tờ. Đề nghị các cơ quan chủ quản hỗ trợ tối đa giúp các nhà xuất bản ổn định và phát triển; đối với những nhà xuất bản chưa được cấp giấy phép, đề nghị các nhà xuất bản kiến nghị với cơ quan chủ quản đẩy nhanh tiến độ rà soát, bổ sung các điều kiện còn thiếu để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ TT&TT cấp giấy phép trong thời gian sớm nhất. Thứ trưởng yêu cầu, Cục Xuất bản, In và Phát hành tham mưu xây dựng cơ chế vận hành để các nhà xuất bản vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa vận hành như một doanh nghiệp. Các cơ chế chính sách hiện còn nhiều độ chênh với chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật hiện hành xem các nhà xuất bản như doanh nghiệp là không hợp lý với thực tiễn. Việc quy định vốn pháp định 5 tỷ đồng theo quy định của Luật xuất bản là để giúp cơ quan chủ quản quan tâm tới nhà xuất bản hơn, cụ thể là rót vốn cho nhà xuất bản có vốn hoạt động ban đầu nhưng ở nước ta có quá nhiều loại hình xuất bản khiến cơ quan chủ quản khó khăn cho việc sắp xếp vốn. Vì vậy, cần phải có trao đổi giữa các bên để nhà xuất bản hoạt động thuận lợi nhất nhưng vừa bảo đảm thực hiện đúng pháp luật. Về Chứng chỉ hành nghề biên tập, có dứt khoát biên tập viên phải có chứng chỉ này không và chỉ có chứng chỉ này mới được biên tập không. Trên thực tế không có chứng chỉ cũng phải biên tập. Luật pháp quy định là như vậy nhưng cái gì chưa hợp lý thì phải xem xét lại. Thứ tư, đối với hoạt động phát hành xuất bản phẩm, cần chú trọng hơn nữa đối với việc xây dựng cơ chế chính sách cho hoạt động phát hành đặc biệt là tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Cần tiếp tục giảm tối đa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động; Đối với các cơ sở phát hành cần phải chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật xuất bản và các quy định khác liên quan. Các cơ sở phát hành phải kiên quyết không tiếp tay cho việc in lậu, không kinh doanh các xuất bản phẩm không có hoá đơn chứng từ, không có nguồn gốc hợp lý. Các cơ sở phát hành cũng cần chủ động đổi mới phương thức hoạt động, mở rộng mạng lưới phát hành, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, cần tích cực tham gia quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài và các triển lãm, hội sách trong nước và quốc tế. Làm sao để nâng cao năng lực quản lý đối với nội dung xuất bản phẩm. Hiện nay, có khoảng 70% ấn phẩm là sản phẩm của liên kết xuất bản làm cho xuất bản ngày phát triển phong phú đa dạng hơn. Vì vậy phải có sự đầu tư một cách mạnh mẽ, lột xác và thay đổi thực trạng các nhà xuất bản. Bởi vì, chỉ có các nhà xuất bản mới có khả năng chi phối, định hướng các đối tác liên kết. Thứ năm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này, đặc biệt xây dựng cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra hệ thống quản lý ngành dọc từ trung ương tới địa phương, nhất là các Sở TT&TT phải chủ động hơn. Đề nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành nghiên cứu sửa đổi bổ sung chế tài xử phạt quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản để tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra phòng chống in lậu. Đề nghị các đơn vị trong toàn ngành tập trung mọi nguồn lực tiếp tục hưởng ứng, triển khai kế hoạch tổ chức Ngày sách Việt Nam lần thứ 3. Đây là cơ hôi chứng tỏ hoạt động khẳng định vị thế của hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội, để lôi kéo ngày càng nhiều bạn đọc đến với sách để góp phần thúc đẩy hoạt động xuất bản. Cũng tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã chúc mừng các đồng chí Trương Minh Tuấn, Nguyễn Thế Kỷ và Lâm Phương Thanh đã trúng cử vào BCH Trung ương Đảng khóa XII. Thay mặt Lãnh đạo Bộ TT&TT, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao tặng Cờ và Bằng khen của Bộ TT&TT cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2015