Triển khai IPV6 ở Việt Nam mong đợi bước đột phá đồng thời từ ISP và ICP

03/11/2015 20:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 06/05 hằng năm đã được lựa chọn là ngày IPv6 Việt Nam và đây cũng là ngày ra đời Chỉ thị 03/2008/CT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TTTT về thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 - văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đề cập đến lĩnh vực IPv6 ở Việt Nam.

MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU MỘT NĂM TRIỂN KHAI DỊCH VỤ IPv6

Cách đây tròn 1 năm, nhân sự kiện hội thảo kỷ niệm "Ngày IPv6 Việt Nam“ lần đầu, "Lễ khai trương dịch vụ IPv6“ đánh dấu sự hình thành chính thức mạng IPv6 Quốc gia và hàng loạt dịch vụ IPv6 được các nhà cung cấp dịch vụ công bố khai trương và sẵn sàng cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam. Chương trình khai trương IPv6 Việt Nam (http://VietnamIPv6Launch.vn) có sự tham dự của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), 06 nhà cung cấp dịch vụ Internet (VNPT, Viettel, FPT Telecom, Netnam, VTC, SPT), 20 chủ website (35 website), 05 nhà sản xuất thiết bị (Viettel R&D, FPT Telecom, D-Link, Zyxel, Ruckus Wireless). Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) là đơn vị đầu tiên triển khai IPv6 trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ (http://www.mic.gov.vn). IPv6 cũng đã được triển khai trên mạng xã hội http://go.vn của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC).

Sự kiện hội thảo "Ngày IPv6 Việt Nam“ và lễ khai trương IPv6 Việt Nam trong năm 2013 đã được cộng đồng Internet Quốc tế đánh giá rất cao. Đây được coi là một điểm nhấn trong các hoạt động IPv6 thế giới, từ Diễn đàn IPv6 thế giới, ITU cho đến cộng đồng mạng châu Á - Thái Bình Dương đều tập hợp báo cáo về việc này trong các hoạt động IPv6 năm 2013.

Ngày 06/05 hằng năm đã được lựa chọn là ngày IPv6 Việt Nam và đây cũng là ngày ra đời Chỉ thị 03/2008/CT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TTTT về thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 - văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đề cập đến lĩnh vực IPv6 ở Việt Nam.

Để đánh giá sự triển khai trên thực tế đối với mạng lưới và các dịch vụ IPv6 sau lễ khai trương, cuối năm 2013, Thường trực Ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia - Trung tâm Internet Việt Nam đã thực hiện cuộc khảo sát nhỏ với một số doanh nghiệp Internet tiêu biểu và thu được kết quả sau đây:

Tại NetNam:

-Kết nối trong nước. : NetNam đã thực hiện kết nối IPv6 tới mạng IPv6 Quốc gia tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với dung lượng 2Gbps và băng thông trung bình giờ hành chính đạt 50kbps.

-Kết nối quốc tế : NetNam có kết nối thuần IPv6 tới NTT Hồng Kông với dung lượng là 1Gbps và băng thông quốc tế trung bình trong giờ hành chính đạt 5Mbps.

-Hệ thống DNS : Đã hỗ trợ IPv6 -Dịch vụ truy cập: NetNam sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy cập Internet IPv6 nếu khách hàng có nhu cầu.

-Dịch vụ nội dung : Các trang web chính thức của NetNam như netnam.vn; go6.vn đã chạy IPv6. Nhiều website .vn hosting tại NetNam cũng đã tham gia lễ khai trương IPv6 tại Việt Nam.

-Các dịch vụ khác : NetNam đã cung cấp dịch vụ tunnel broker thông qua trang web tunnelbroker. netnam.vn với tổng số hơn 20.000 đường hầm đã được khởi tạo.

Tại Viettel:

-Kết nối trong nước : Có kết nối đến mạng IPv6 Quốc gia.

-Kết nối quốc tế : Đang duy trì kết nối IPv6 đến 9 đối tác quốc tế như HKIX, AKAMAI, HE, Google, Microsoft, Yahoo, v.v..

-Hệ thống DNS : Đã nâng cấp phần mềm để hỗ trợ IPv6

-Dịch vụ truy cập : Viettel mới dừng ở việc cung cấp thử nghiệm các dịch vụ kết nối IPv6 cho một bộ phận nhỏ các thuê bao ADSL, 3G - 2 loại hình thuê bao có tốc độ phát triển nhanh và chiếm phần lớn nguồn tài nguyên IPv4 public của Viettel. Cụ thể: Viettel đã đưa vào thử nghiệm 1.000 thuê bao ADSL chạy dualstack IPv4/IPv6, 1.000 thuê bao USB 3G chạy IPv6 tại Hà Nội. Trong năm 2013, Viettel cũng thực hiện nâng cấp hệ thống thiết bị phân mạng truy nhập của các dịch vụ băng rộng có dây và dịch vụ 3G để hỗ trợ IPv6. Cụ thể, hoàn thành đầu tư mua sắm 13 BRAS mới hỗ trợ IPv6 cho thuê bao ADSL, FTTx và 4 GGSN hỗ trợ song song IPv6/IPv4

-Dịch vụ nội dung : Không có.

-Các công tác khác : Về công tác sản xuất thiết bị tương thích IPv6, Viettel tập trung vào nghiên cứu và sản xuất các dòng thiết bị đầu cuối cho dịch vụ ADSL như wifi router modem, EOC Slave và các thiết bị đầu cuối cho dịch vụ dữ liệu di động như điện thoại 3G và USB 3G.

Tại FPT Telecom:

-Kết nối trong nước : Có kết nối đến mạng IPv6 Quốc gia.

-Kết nối quốc tế : FPT Telecom hiện đang thiết lập và duy trì tổng cộng 10 kết nối IPv6 đến các đối tác cung cấp dịch vụ quốc tế như Tata, pccw, yahoo, google, v.v..
-Hệ thống DNS: Đã hỗ trợ IPv6.

-Dịch vụ truy cập : Hiện tại, toàn bộ hệ thống truyền tải mạng (router, switch) của FPT Telecom đã hoàn toàn triển khai xong việc chạy song song IPv4/IPv6 dual-stack và sẵn sàng đáp ứng cung cấp các dịch vụ IPv6 đến khách hàng có nhu cầu. FPT Telecom cũng đã chuẩn bị một lượng thiết bị đầu cuối phù hợp để có thể sẵn sàng triển khai cho khách hàng băng rộng, FTTX ngay khi có nhu cầu.

-Dịch vụ nội dung : Tuy chưa triển khai chính thức nhưng FPT đang nỗ lực chuyển đổi hỗ trợ IPv6 đối với các dịch vụ nội dung số do FPT Telecom làm chủ như website vnexpress.net và một số trò chơi trực tuyến.

Tại Công ty VTC:

-Kết nối trong nước và quốc tế : Đã triển khai kết nối BGP Dual stack cả trong nước (đến mạng IPv6 Quốc gia) và quốc tế.

-Hệ thống DNS : Đã hỗ trợ IPv6.

-Dịch vụ nội dung : VTC đã triển khai mạng xã hội GO.VN chạy dual-stack, trở thành mạng xã hội đầu tiên ở Việt Nam chạy được trên nền tảng IPv6.

Triển khai IPv6 cho các dịch vụ thương mại điện tử bao gồm cổng thanh toán điện tử trực tuyến http:// paygate.vtv.vn, dịch vụ mua hàng trực tuyến http:// ohay.vn; http://gmua.vn.

Triển khai IPv6 cho các dịch vụ điện toán đám mây, bao gồm dịch vụ cho thuê máy chủ ảo http:// vps.vtc.vn; dịch vụ cung cấp website cho khách hàng http://esites.vn.

Tại VNPT:

-Kết nối trong nước : VNPT đã triển khai kết nối dual-stack trên các kết nối với VNNIC tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

-Kết nối quốc tế : Đã triển khai kết nối dual-stack trên một số hướng kết nối quốc tế với SingTel, NTT,... hiện nay vẫn đang tiếp tục triển khai với các đối tác quốc tế khác.

-Hệ thống DNS : Đã hỗ trợ IPv6.

-Dịch vụ truy cập : Chưa có kế hoạch triển khai.

-Dịch vụ nội dung : website vnpt.com.vn và trang web mic.gov.vn của Bộ TTTT hosting tại VDC đã hỗ trợ IPv6.

-  Các dịch vụ khác : Tháng 10/2013, VNPT đã triển khai IPv6 quy mô nhỏ trên mạng lưới thực tế để đánh giá hiệu năng thiết bị và các tính năng khác như: xác thực, tính cước.

Về phía mạng IPv6 Quôc gia:

Mạng IPv6 quốc gia được hình thành trên cơ sở kết nối song song IPv4/IPv6 hệ thống mạng DNS quốc gia, trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX, mạng Internet của các ISP.

Bên cạnh đó, VNNIC vẫn tiếp tục duy trì mạng Promote IPv6 như một hệ thống thành phần của mạng IPv6 quốc gia, cung cấp cho cộng đồng và các thành viên kết nối các dịch vụ cơ bản trên nền IPv6 nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc ứng dụng địa chỉ IPv6 tại Việt Nam: DNS, Web, Email, VOIP, Tunnel...

Hiện tại, mạng IPv6 quốc gia đang được duy trì với 10 ISP đã kết nối tới hệ thống VNIX trong nước và hàng chục hướng kết nối đi quốc tế. Về hệ thống DNS Quốc gia, trong năm 2013 thống kê được tỉ lệ truy vấn bản ghi IPv6 trên hệ thống DNS Quốc gia là 17.6% tăng 4,2% so với năm 2012.

Cũng theo thống kê tại hệ thống lab của Trung tâm Thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) (labs.apnic.net), tổng băng thông IPv6 quốc tế của Việt Nam năm 2013 tăng so với năm 2012 nhưng không đáng kể. Tuy nhiên băng thông IPv6 trong nước qua mạng IPv6 quốc gia (hệ thống VNIX) còn thấp chứng tỏ vẫn chưa có lưu lượng IPv6 trao đổi giữa các ISP trong nước. Điều này phản ánh phần nội dung về IPv6 trong nước vẫn chưa phát triển. 

Bên cạnh đó, qua khảo sát và tìm hiểu tình hình triển khai IPv6 của các ISP tại Singapore, so sánh với tình hình triển khai trên thực tế của các ISP tại Việt Nam, cho thấy còn có một khoảng cách nhất định. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại hầu hết các ISP Việt Nam vẫn chưa vượt qua trở ngại ở phần mạng truy nhập để triển khai IPv6 đến khách hàng, trong khi giữa năm 2013, các ISP lớn của Singapore như Singtel, Starhub, M1 đã đồng loạt triển khai cấp phát song song địa chỉ IPv4/IPv6 một cách "trong suốt" cho các thuê bao băng rộng tại nhà.

ĐỊNH VỊ VIỆT NAM TRÊN BẢN ĐỒ TRIỂN KHAI IPv6 THẾ GIỚI

Để đánh giá kết quả triển khai hay mức độ sẵn sàng với IPv6 của một mạng lưới, một quốc gia hay khu vực, các tổ chức đánh giá có uy tín thường dựa vào một số tiêu chí cơ bản như tỉ lệ % các vùng địa chỉ IPv6 được quảng bá trên bảng định tuyến toàn cầu so với các vùng địa chỉ IPv4, lưu lượng Internet trao đổi trên IPv6, v.v.. và đích đến là số lượng người sử dụng IPv6. Trong thời gian qua, trước các nỗ lực triển khai rất tích cực của toàn thế giới, số lượng người sử dụng IPv6 vẫn đang rất hạn chế (chỉ chiếm khoảng 3% theo kết quả đánh giá của Google tại thời điểm giữa tháng 3/2014).

Bảng 1: Đánh giá kết quả triển khai IPv6 theo một số tiêu chí cơ bản của Việt Nam trong tương quan so sánh với một số quốc gia hàng đầu và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tại thời điểm tháng 3/2014

(Nguồn http://6lab.cisco.com/stats/index.php)

Cisco cũng đưa ra các kết quả đánh giá tổng hợp dựa trên những tiêu chí chi tiết về tình hình, kết quả triển khai IPv6 của từng quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới (chi tiết tham khảo tại http://6lab cisco.com/stats/index.php).

KẾT LUẬN

Trong thời gian qua, công tác thúc đẩy phát triển IPv6 tiếp tục được quan tâm và triển khai tích cực với các hoạt động và kết quả đáng ghi nhận. Có thể nhận thấy kết quả nổi bật của Việt Nam đó là đã hoàn thành Giai đoạn I, chính thức bước sang Giai đoạn II của Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6. Việt Nam cũng đã thiết lập mạng IPv6 quốc gia bám sát đúng lộ trình kế hoạch chung. Mục tiêu và lộ trình triển khai IPv6 ở Việt Nam được đánh giá là phù hợp với lộ trình chung của khu vực và thế giới.

Các kết quả rõ rệt trong công tác thúc đẩy, công tác về chính sách hoặc các mạng cơ sở hạ tầng thiết yếu đã thể hiện vai trò chủ động của Bộ TTTT, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia, VNNIC. Tuy nhiên, thực tế triển khai và hiện diện của các dịch vụ IPv6 tại Việt Nam còn nhiều hạn chế (hầu như chưa có dịch vụ truy cập và mới chỉ có rất ít dịch vụ nội dung IPv6 hiện diện) dẫn đến lưu lượng IPv6 của Việt Nam vẫn còn nhỏ. Điều này cho thấy sự lan tỏa và kết quả ứng dụng trong thực tiễn hoạt động và dịch vụ Internet Việt Nam còn cần có nhiều đột phá đồng thời từ phía các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và nhà cung cấp nội dung (ICP).
.

Phan Thị Nhung

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Triển khai IPV6 ở Việt Nam mong đợi bước đột phá đồng thời từ ISP và ICP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO