Trò chuyện với người cửu vạn sách

TN | 15/05/2020 20:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Tổ chức và đồng hành cùng nhiều chương trình tặng, xây dựng tủ sách cho nhiều địa phương, anh Đỗ Tiến Thành là một trong những thành viên tích cực của chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam (SHNTVN) đã có cuộc trao đổi với PV Tạp chí TT&TT xung quanh thúc đẩy văn hoá đọc.

PV: Xin chào anh Đỗ Tiến Thành, anh có thể chia sẻ hành trình đồng hành cùng SHNTVN?

Anh Đỗ Tiến Thành (ĐTT): Bên cạnh việc đảm nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm hạ tầng kỹ thuật – Công ty CP Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam, tôi đã tham gia một số hoạt động xã hội đó là chương trình SHNTVN do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng và một số chương trình liên quan đến bảo vệ môi trường. Tôi có thêm biệt danh "cửu vạn sách, người đọc sách rong" mà nhiều người cũng đã biết.

Trò chuyện với người cửu vạn sách - Ảnh 1.

Anh Đỗ Tiến Thành (áo xanh) trong lần tặng sách cho các bác sĩ gần đây. Ảnh. TN

Năm 2013, tôi được biết đến chương trình SHNTVN và có tham gia chưa chính thức bằng cách mua sách tặng cho các bạn sinh viên, tặng sách đồng nghiệp. Ngày mùng 1 tết Ất Mùi (2015), tôi đã đi từ Hưng Yên lên Hà Nội và đồng hành cùng anh Nguyễn Quang Thạch trong quãng đường đầu tiên của hành trình đi bộ xuyên Việt kêu gọi sách cho trẻ em nông thôn. Kể từ thời điểm đó, tôi đã cùng nhiều anh chị em trong SHNTVN hoạt động liên tục trong việc xây dựng tủ sách và khuyến đọc trên cả nước.

Điều làm cho tôi tâm đắc và gắn bó với chương trình lâu dài đó chính là tinh thần "Chia sẻ trách nhiệm xã hội" của mỗi công dân để xây dựng "Giá trị quốc gia" thông qua phát triển văn hóa đọc.

PV: Đại dịch NCOVI vừa qua có làm ảnh hưởng đến những hoạt động của nhóm khi đưa sách đến cho các em không?

Anh Đỗ Tiến Thành: Vâng, chúng ta đã biết là đại dịch Covid19 đã ảnh hưởng và lan rộng ra toàn cầu, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trước dịch bệnh thì chúng tôi đã có một số kế hoạch đi tặng sách cho một số trường học, hỗ trợ xây dựng các thư viện thôn và có một buổi nói chuyện về giáo dục với các thấy cô ở huyện Nam Trực, Nam Định cùng diễn giả Nguyễn Quốc Vương. Tất cả đã phải tạm dừng do lệnh giãn cách xã hội, và chúng tôi đã tự điều chỉnh lại cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình, đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động chống dịch Covid19.

PV: Theo chúng tôi được biết, SHNTVN cùng nhiều chương trình khuyến đọc cộng đồng khác đã góp phần thúc đẩy được hàng chục nghìn tủ sách lớp học và các loại hình tủ sách khác trong cộng đồng. Anh đánh giá như thế nào về mức độ thành công của những hoạt động đó và sự kỳ vọng về một quốc gia đọc sách là Việt Nam?

Anh Đỗ Tiến Thành: So với thời điểm hơn 10 năm trước đây khi mà Mô hình tủ sách lớp học của SHNTVN chưa được nhân rộng, những hoạt động liên quan đến sách như Mừng tuổi sách, các hội sách lớn… chưa có, cũng như việc tặng sách như một món quà còn rất xa lạ trong cộng đồng thì những gì mà SHNTVN, cũng như nhiều chương trình cộng đồng khác đã làm cho văn hóa đọc thực sự là một thành công.

Chúng ta thử hình dung xem, khi mà hoạt động đọc sách trong nhà trường còn chưa được coi trọng, thì ngày đêm đang có hàng ngàn tình nguyện viên, những người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau đang tự lực chung tay để thổi bùng lên văn hóa đọc, đặc biệt là trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của thiết bị công nghệ như hiện nay.

Tuy nhiên, xét trên bình diện quốc gia, kể từ năm 1945, với tỷ lệ 95% dân số mù chữ thì chính phủ đã có chương trình Bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ, đến nay vẫn chưa có chương trình xóa mù đọc nào từ ngành giáo dục. Với tỷ lệ thống kê trung bình mỗi người Việt Nam đọc 0,8-1 cuốn sách/năm như hiện nay thì những gì cộng đồng làm được mới chỉ như những viên gạch đặt móng đầu tiên cho một ngôi nhà văn hóa đọc. Chính phủ và người dân còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành ngôi nhà đó.

PV: Thời gian qua SHNTVN cùng Mọt sách Mogu (Công ty More Production) có một chương trình tặng sách rất thú vị, đó là "Tặng sách cho con em Y Bác sĩ chống Covid 19" Anh có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của chương trình và kết quả của nó đến thời điểm hiện tại.

Anh Đỗ Tiến Thành: Như đã nói ở trên, chính dịch bệnh Covid-19 đã làm chúng tôi phải thay đổi về cách thức hoạt động khuyến đọc. Chúng tôi chợt nhận ra là lâu nay khi đi tặng sách cho các bệnh viện thì đối tượng chính vẫn là các bệnh nhi, mà quên mất đến con em Y Bác sỹ, những người đã rất vất vả ở tuyến đầu chống dịch mà ít có thời gian để chăm sóc con.

Chương trình "Tặng sách cho con em Y Bác sĩ chống Covid 19" như một món quà tinh thần mà chúng tôi mong muốn gửi tặng đến tất cả các Y Bác sỹ trong mùa dịch, kể cả những người chúng tôi chưa được gặp và có điều kiện tặng sách. Ngoài ra, chương trình còn có sự đồng hành của Nhà xuất bản Phụ Nữ và Trung tâm toán tư duy PoMath.

Đến nay, chương trình đã huy động được hơn 4.000 cuốn sách và đã trao tặng cho 15 bệnh viện, cơ sở y tế ở khắp nơi trên cả nước.

Tặng một cuốn sách, nhân lên nhiều điều hay - Ảnh 1.

Các bác sĩ nhận sách từ chương trình Sách hóa nông thôn do anh Thành thực hiện. Ảnh. TN

PV: Chương trình gây quỹ tặng sách đã thông qua quỹ sách Bắc Cầu phát động "10.000 cuốn tranh truyện gửi tặng con em các cán bộ ngành Y tế Việt Nam" và "Với mỗi 25.000 đồng là bạn đã góp cho chiến dịch một cuốn sách hay". Anh có thể nói rõ hơn về chiến dịch này và ý nghĩa con số 25.000 đồng.

Anh Đỗ Tiến Thành: Đây là một chiến dịch rất ý nghĩa và kịp thời do Mọt sách Mogu - Quỹ Bắc Cầu đứng ra tổ chức và SHNTVN là đơn vị đồng hành. Tôi và chị Lê Hiền (Giám đốc của Mọt sách Mogu) đã bàn bạc và lựa chọn con số 25.000 đồng vừa tượng trưng cho 1 cuốn sách, vừa là số tiền vừa phải mà bất cứ ai muốn tri ân các Y Bác sỹ đều có thể tham cùng bằng cách "góp mỗi người 1 cuốn sách". Con số này cũng phù hợp với tiêu chí "nhiều người góp ít hơn ít người góp nhiều" mà tôi đang thực hiện.

PV: Trong ngày sinh nhật mình vào tháng 4 vừa qua, anh có viết trên FB kêu gọi mỗi người góp 25.000 đồng/cuốn sách cho trẻ em thay cho những lời chúc mừng như mọi khi. Anh có thể cho biết rõ hơn tại sao quyết định làm như vậy?

Anh Đỗ Tiến Thành: Để có thể bền bỉ nhiều năm nay đi tặng sách cho trẻ em, tôi đã nhận được sự góp sức về tinh thần và sách vở, tiền bạc từ rất nhiều bạn bè trên mạng xã hội. Sinh nhật năm nay, tôi chợt nghĩ rằng, nếu mình làm được một điều gì ý nghĩa cho trẻ em nhân ngày sinh nhật và tạo thành thói quen thì thật giá trị. Chia sẻ 1 cuốn sách thay lời chúc sinh nhật để tặng cho con em Y Bác sỹ thì thật là tuyệt vời. Rất vui là rất nhiều người đã vui vẻ tham gia và tôi cũng tự cảm thấy đôi chút vô duyên khi đi xin tiền trong ngày sinh nhật (… cười)

Những cuốn sách do cộng đồng góp tặng đã được con em các Y Bác sỹ đón nhật và phản hồi rất tích cực. Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ niềm vui và gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã đồng hành.

PV: Năm 2020, cùng với SHNTVN, cá nhân anh có những kế hoạch, dự định gì và kế hoạch thực hiện ra sao

Anh Đỗ Tiến Thành: Về mặt cá nhân, sau một thời gian dài hoạt động và có uy tín nhất định, tôi đã nhận được rất nhiều lời đề nghị hỗ trợ phát triển tủ sách từ mọi người trên cả nước. Các hoạt động vận động đưa sách về nông thôn vẫn tiếp tục được triển khai cùng các chương trình khuyến đọc. Ngoài ra, tôi và các anh chị em khác sẽ tiếp tục cùng anh Nguyễn Quang Thạch dùng những kết quả đạt được để tác động đến chính sách của ngành giáo dục về văn hóa đọc, vốn đang rất thiếu và hạn chế.

PV: Đại dịch Covid-19 ở Việt Nam bước đầu đã được kiểm soát, học sinh cũng đã chuẩn bị quay lại trường học. Thay mặt chương trình SHNTVN, anh có điều gì còn mong muốn khi các em nghỉ học ở nhà thời gian vừa qua?

Anh Đỗ Tiến Thành: Thật vui là dịch bệnh đã bước đầu được khống chế và trẻ em đã được quay trở lại trường học. Còn với chúng tôi đó là một điều tiếc nuối. Nếu như việc đọc sách được Bộ GD&ĐT đưa vào môn học ngoại khóa trong suốt thời gian nghỉ dịch ở nhà, thì đến thời điểm này, việc tác động đến học sinh, thầy cô và các phụ huynh về vai trò của văn hóa đọc sẽ là rất lớn, và chúng ta sẽ có được nhiều điều thú vị để nhìn lại.

Trân trọng cảm ơn anh!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trò chuyện với người cửu vạn sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO