Báo cáo cho biết trên thế giới hiện có khoảng 3,9 tỷ người không sử dụng Internet. Trong đó, chỉ có 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Nigeria đã chiếm khoảng 55% tổng số người không được kết nối, trong khi 20 quốc gia - trong đó có Mỹ - cũng chỉ chiếm gần 75% số người không sử dụng Internet. Điều này cho thấy có thể xóa bỏ đáng kể “khoảng cách số” giữa những người trực tuyến (online) và không trực tuyến (offline) bằng những nỗ lực tập trung vào một số thị trường quan trọng. Cũng theo báo cáo, Ấn Độ đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành thị trường Internet lớn thứ hai thế giới, với 333 triệu người dùng, trong khi Trung Quốc vẫn giữ vị trí đầu tiên với 721 triệu người dùng Internet.
Đại diện của Ủy ban Băng rộng cho biết nếu mức phổ cập của truy cập di động hiện nay được chuyển đổi sang truy cập băng rộng di động tốc độ cao thì điện thoại di động có thể đóng vai trò như máy gia tốc cho sự phát triển, thúc đẩy hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Theo Tổng thư ký ITU Houlin Zhao, có nhiều bằng chứng kinh tế cho thấy vai trò của kết nối băng rộng giá cả phải chăng như là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường. Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về giáo dục, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng bao gồm các mục tiêu táo bạo về công nghệ thông tin và truyền thông. Có thể đạt được các SDGs nhưng đòi hỏi một nỗ lực lớn và sự tiến bộ về tốc độ, mức độ và sự bình đẳng trong phát triển giữa các khu vực trên thế giới. Theo Ủy ban Băng rộng, những mục tiêu này có thể được thực hiện hóa thông qua băng rộng.
Báo cáo băng rộng năm nay đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh duy nhất về truy cập mạng băng rộng và khả năng chi trả của từng quốc gia. Theo dự báo, đến cuối năm 2016 sẽ có khoảng 3,5 tỷ người sử dụng Internet, tăng từ con số 3,2 tỷ năm ngoái và chiếm tới 47% dân số toàn cầu.
Nhóm 10 quốc gia có mức thâm nhập Internet hộ gia đình cao nhất thế giới
Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục có mức thâm nhập Internet hộ gia đình cao nhất thế giới, với 98,8% hộ gia đình được kết nối; sau đó đến Qatar (96%) và các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (95%). Còn Iceland là quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất thế giới (98,2%), Luxembourg cũng đã vượt qua Na Uy để chiếm vị trí thứ hai (97,3%).
Về thâm nhập băng rộng cố định, Monaco đứng đầu thế giới, với 47 thuê bao/100 dân, sau đó đến Thụy Sĩ với 45 thuê bao/100 dân. Hiện thế giới có 7 nền kinh tế là Monaco, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp và Hàn Quốc có mức thâm nhập băng thông rộng cố định vượt quá 40%, tăng từ con số 6 quốc gia vào năm 2014 và 1 quốc gia (Thụy Sĩ) vào năm 2012.
Phần Lan có tỷ lệ thuê bao băng rộng di động hoạt động cao nhất thế giới, với 144 thuê bao/100 dân, tiếp theo là Singapore (142) và Kuwait (139). Riêng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm gần một nửa (48%) số thuê bao băng rộng di động hoạt động trên toàn thế giới.
Theo báo cáo, trên thế giới có 91 nền kinh tế hiện có trên 50% dân số là người trực tuyến, tăng từ con số 79 trong năm 2015. Tuy nhiên, trong năm 2014, 10 quốc gia hàng đầu về sử dụng Internet đều nằm ở châu Âu thì trong bảng xếp hạng năm nay xuất hiện 2 quốc gia khác ngoài châu Âu là Bahrain (xếp thứ 7) và Nhật Bản (xếp thứ 9). Khu vực có mức sử dụng Internet thấp nhất là châu Phi cận Sahara, với dưới 3% dân số sử dụng Internet tại một số quốc gia bao gồm Chad (2,7%), Sierra Leone (2,5%), Niger (2,2%), Somalia (1,8%) và Eritrea (1,1%).