Báo cáo “Dự đoán truyền hình vệ tinh toàn cầu” được Digital TV Research khảo sát tại 138 quốc gia. Theo đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục dẫn đầu về số lượng thuê bao truyền hình vệ tinh, với khoảng 66,9 triệu vào năm 2020; tiếp theo là Mỹ (34,1 triệu thuê bao); Nga (18,5 triệu) và Brazil (15,3 triệu) sẽ tương ứng chiếm vị trí thứ ba và thứ tư thế giới. Tổng cộng 4 quốc gia này sẽ chiếm hơn một nửa tổng số thuê bao toàn cầu.
Trong giai đoạn 2014 - 2020, toàn cầu sẽ có thêm 61,6 triệu thuê bao truyền hình vệ tinh trả tiền. Trong đó, Ấn Độ có thêm 23,5 triệu thuê bao; Indonesia (5 triệu); Brazil (3,4 triệu) và Nga là 2,7 triệu thuê bao. Ước tính khoảng 41 nước có số lượng thuê bao tăng hơn hai lần. Ngược lại, cũng có 17 nước bị sụt giảm số thuê bao truyền hình vệ tinh do những thuê bao này đã chuyển sang các nền tảng truyền hình trả tiền khác.
Mức độ xâm nhập trung bình của truyền hình vệ tinh trên toàn cầu năm 2014 đạt 13,1% số hộ gia đình xem truyền hình. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 15,6% vào năm 2020 và sẽ có 27 quốc gia có tỷ lệ thâm nhập vượt 25%, tăng so với 11quốc gia trong năm 2010.
Về doanh thu, truyền hình vệ tinh toàn cầu sẽ đạt 94,8 tỷ USD vào năm 2020, tăng so với 88,4 tỷ USD năm 2014 và 71,8 tỷ USD năm 2010, ước tính năm 2015, sẽ vượt doanh thu truyền hình cáp.
Trong giai đoạn 2014 – 2020, Digital TV Research cho biết, khoảng 41 quốc gia sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu hơn 2 lần. Khu vực châu Á Thái Bình Dương và châu Phi - hạ Sahara cũng sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Ấn Độ sẽ tăng thêm 2,5 tỷ USD. Điều này sẽ giúp quốc gia này tăng thêm 5 bậc trong bảng xếp hạng doanh thu toàn cầu – từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 5. Nigeria tăng 437 triệu USD và Indonesia 414 triệu USD.
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, có 38 quốc gia được cho là sẽ giảm hoặc không tăng doanh thu, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các quốc gia thuộc khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ. Chẳng hạn, tại Mỹ, nếu năm 2014, quốc gia này chiếm 44,8% thị phần doanh thu truyền hình vệ tinh toàn cầu, tương đương 39,6 tỷ USD thì đến năm 2020, con số này được dự đoán sẽ giảm chỉ còn 39,2 tỷ USD (chiếm khoảng 41,3%); hay Canada giảm 805 triệu USD và Pháp là 232 triệu USD. Phân tích về nguyên nhân của sự sụt giảm này, Báo cáo cho rằng chủ yếu là do sự cạnh tranh mạnh của các nền tảng truyền hình trả tiền khác buộc các nhà khai thác phải đưa ra những gói truyền hình giá rẻ và điều này dẫn tới doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) là thấp.
Mặc dù vậy, theo dự đoán của Digital TV Research, năm 2020, Mỹ vẫn là quốc gia chiếm vị trí dẫn đầu thế giới về doanh thu truyền hình vệ tinh và vị trí thứ hai thuộc về Brazil.
(Nguồn: digitaltvresearch.com)