Dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lâm Kiết Tường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm đồng Phạm S, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc các Đài Phát thanh, Truyền hình các tỉnh thành phố.
Với chủ đề “phát triển nguồn thu và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phát thanh truyền hình – Thách thức và cơ hội”, Hội nghị tập trung vào thảo luận, tọa đàm của lãnh đạo các đài phát thanh các tỉnh.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Đài Phát thanh, Truyền hình và các doanh nghiệp truyền hình cáp đã trình bày những khó khăn vướng mắc, cũng như chia sẻ kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực truyền hình vì một mục tiêu góp phần xây dựng ngành phát thanh, truyền hình ngày càng phát triển bền vững, tiếp tục khẳng định vị trí vai trò chủ lực của ngành trên mặt trận thông tin như: Giải pháp tạo nguồn thu thông qua hoạt động liên kết sản xuất chương trình; Phát triển nội dung đa dạng, hấp dẫn để cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền; Xu hướng phát triển dịch vụ cung cấp nội dung trực tuyến đa nền tảng - Sự lựa chọn tất yếu trong việc quảng bá nội dung truyền hình và phát triển nguồn thu…
Ông Lê Anh Vũ, Giám đốc Đài PTTH Khánh Hòa
Theo ông Lê Anh Vũ- Giám đốc Đài PTTH Khánh Hòa việc thực hiện tự chủ tài chính, nhân sự giống như là một đơn vị sự nghiệp công lập của các Đài hiện nay đang gặp nhiều bất cập, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời vừa phải cạnh tranh trong cơ chế thị trường, tự tạo nguồn thu để tồn tại và phát triển. Hiện, nhiều đài vẫn chưa sẵn sàng cho việc thực hiện lộ trình này bởi mỗi địa phương lại có cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Về cách thức tạo nguồn thu cho các đài PTTH, theo đại biểu Trần Nam Đông – Giám đốc Đài PTTH Đồng Nai, việc thông qua con đường liên kết có chất lượng cao sẽ đáp ứng được nhu cầu của công chúng trong điều kiện khả năng tự sản xuất còn hạn chế. Tuy nhiên khi hợp tác với các đơn vị ở ngoài tỉnh, họ sẽ không hiểu hết đặc thù của địa phương, do đó các chương trình xã hội hóa đôi khi còn mang tính đối tượng chung chung, chưa gắn với nhu cầu và sở thích của công chúng xem đài địa phương. Việc chọn đơn vị làm đối tác tham gia vào quá trình sản xuất chương trình cần phải hiểu rõ đối tác, đặc biệt là uy tín và năng lực.
Bà Bùi Nguyễn An Phương, PTGĐ GroupM Việt Nam cho biết, hiện nay thị phần quảng cáo trên tivi ngày càng giảm, trong khi đó quảng cáo trên nội dung số ngày càng tăng (năm 2010 nội dung số chiếm tỷ trọng 1.9%, 2017 tăng 23.7%, 2018 được dự đoán hơn 30%). Một trong những lý do đó chính là do là smart phone ngày càng rẻ kéo theo việc gia tăng tỷ lệ sử dụng mobile internet.
Thị phần quảng cáo trên tivi ngày càng giảm
Cũng tại Hội thảo, đại diện Vụ Tài chính kế hoạch, Cục Tần số (Bộ TTTT) đã trao đổi và làm rõ với các đại biểu về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp phát thanh truyền hình, quy hoạch tần số và phổ biến một số nội dung dự thảo về cơ chế quản lý kinh tế liên quan đến hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, truyền hình sẽ ban hành trong thời gian tới.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo kết luận buổi Hội thảo
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao chất lượng chương trình hội thảo và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trong quy hoạch báo chí đến năm 2020, các Đài PTTH phải tự chủ, vì vậy, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo định hướng các đài phải có bước đột phá đổi mới về nội dung, phương thức phù hợp với sự phát triển công nghệ số với tốc độ nhanh chóng. Chỉ có ứng dụng công nghệ số, sản xuất chương trình cung cấp dịch vụ, truyền dẫn phát sóng thì mới tạo được nguồn thu đối với các đơn vị truyền hình. Đây chính là yếu tố sống còn.
Đối với những ý kiến tại hội thảo quan tâm về vấn đề mua bản quyền nội dung chương trình, việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị truyền hình, Thứ trưởng nhấn mạnh, các hiệp hội phải quan tâm hơn nữa, bảo vệ lợi ích của các đài PTTH, doanh nghiệp để cùng nhau phát triển. Từ kết quả thảo luận ngày hôm nay, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định Bộ TT&TT, Cục PTTH sẽ nghiên cứu, tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu để xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, khuyến khích sự hội tụ, kết nối lại với nhau giữa các đài, nhà sản xuất chương trình, nhà cung cấp dịch vụ...
Đại diện Lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT cho biết “Năm 2017 là năm đầy thách thức khó khăn đối với các cơ quan báo chí nói chung, Đài PTTH nói riêng. Tổng doanh thu lĩnh vực phát thanh truyền hình khoảng hơn 10.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ quảng cáo đạt khoảng 8.900 tỷ đồng, tuy nhiên sự phân bổ này giữa các đài không đồng đều. Nguồn thu của của khối PTTH, đặc biệt là nguồn thu từ quảng cáo của nhiều Đài tiếp tục bị sụt giảm so với năm 2016 (có Đài giảm 30-40% so với cùng kỳ), trong khi nguồn ngân sách cấp cho các Đài còn hạn chế, đặc biệt đối với các Đài PTTH đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Do vậy chúng ta cần phải nghiên cứu, đưa ra một số giải pháp để tăng nguồn thu trong bối cảnh phải thực hiện tự chủ về tài chính. Để thực hiện được giải pháp trên đòi hỏi sự than gia tích cực, nỗ lực phấn đấu không ngừng của các Đài PTTH, trách nhiệm, sẻ chia của các cơ quan chủ quản và sự vào cuộc của các cơ quan quản lý trong việc thực hiện hiệu quả, phát triển lớn mạnh” |