Ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc, chống "thực phẩm bẩn"

Trần Cao| 14/11/2022 11:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Các công nghệ số có thể được ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng nắm rõ các thông tin cơ bản về sản phẩm.

“Mất tiền mua bệnh vào người”

Thực phẩm bẩn luôn là một vấn đề được người tiêu dùng quan tâm. Điều kiện kinh tế ổn định và đi lên, người tiêu dùng ngày càng chú ý chăm sóc sức khỏe. Vì thế, vấn đề lựa chọn, mua sắm những thực phẩm có chất lượng an toàn, tốt cho sức khỏe luôn được mọi bà nội trợ, các hộ gia đình và tất cả người tiêu dùng quan tâm. Vấn nạn thực phẩm không rõ nguồn gốc, chứa các hóa chất độc hại, chứa chất bảo quản không đúng quy định, hoặc thực phẩm quá hạn sử dụng, thậm chí là thực phẩm nhái, giả những nhãn hiệu nổi tiếng hay còn được nhiều người gọi là “thực phẩm bẩn” luôn khiến người tiêu dùng lo lắng.

Để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn được bày bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng cũng như danh tiếng của những sản phẩm chất lượng, uy tín, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những ý kiến mong muốn có những quy định rõ ràng, cụ thể về các hành vi tiếp tay cho thực phẩm bẩn, đặc biệt là tăng nặng chế tài xử phạt đối với các vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Phương án bồi thường cho người tiêu dùng cũng được các đại biểu đưa ra nhằm ngăn chặn triệt để vấn nạn thực phẩm bẩn.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) phản ánh, các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm xảy ra gần như hàng năm, đặc biệt là các vụ việc quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng, khiến dư luận hoang mang. Không chỉ những vụ việc lớn bị phát hiện, trên thị trường cũng tràn lan các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng được bày bán song chưa được kiểm soát hiệu quả. Vấn đề đôi khi còn nằm ở chỗ các loại thực phẩm bẩn này có thể chưa khiến người tiêu dùng gặp nguy hại ngay lập tức sau khi tiêu thụ, song lại có thể trở nên nguy hiểm đến sức khỏe nếu được sử dụng, tiêu thụ lâu dài. Đặc biệt, người tiêu dùng không biết đó là những thực phẩm có hại, và tình huống không khác gì “mất tiền mua bệnh vào người”. 

Trong trường hợp này, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng. 

Chẳng hạn, không hiếm trường hợp để bảo quản trái cây được tươi lâu, nhiều loại hóa chất độc hại được sử dụng để tẩm ướp. Các mặt hàng thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm cũng xuất hiện những mối lo ngại như vật nuôi được nuôi bằng thức ăn tăng trọng. Nhiều tình huống người tiêu dùng đi chợ, mua sắm song không tự tin đã mua được sản phẩm an toàn với sức khỏe.

Do quản lý yếu kém, chưa kiểm soát hết các loại hàng hóa được bày bán, nên các loại hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn trà trộn và xuất hiện. Hơn nữa, tâm lý người tiêu dùng chủ quan, dễ dãi cũng khiến các mặt hàng bẩn có cơ hội tiêu thụ. Thậm chí, nhiều trường hợp người kinh doanh cố tình tư vấn, giới thiệu sản phẩm có “chất lượng cao siêu”, để đánh lừa người tiêu dùng. Tất cả những vấn đề này đều gây tổn hại đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, những hành vi kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn còn gây hại đến nhiều sản phẩm chất lượng, nhiều mô hình “thực phẩm xanh”, tốt lành cho sức khỏe.

Nhiều việc cần làm để chống thực phẩm bẩn

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm không an toàn là hiểm họa không nhìn thấy, trừ những trường hợp ngộ độc một cách rõ ràng. Tổ chức Y tế thế giới thống kê số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trên toàn cầu đã tăng lên hơn 14 triệu người/năm. Thông tin từ Hội Ung thư Việt Nam cũng cho biết, không giống với những bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm khuẩn khác có thể sớm phát hiện, ung thư là loại bệnh thường xảy ra do quá trình tích lũy lâu dài, trong đó tiêu thụ thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, không an toàn là một phần nguyên nhân lớn. 

Về phía người kinh doanh, nguyên nhân lớn khiến họ có những hành vi buôn bán thực phẩm không an toàn cho sức khỏe là lợi nhuận. Xã hội phải gánh chịu tác hại rất lớn do thực phẩm kém chất lượng gây ra, từ việc sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng, đến việc mất niềm tin tưởng và hàng hóa, dịch vụ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường, đến những sản phẩm chất lượng. Vì vậy, cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi buôn bán các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Chế tài mạnh và đủ sức răn đe, không để hành vi xấu tái diễn. Thậm chí, cơ quan chức năng có thể thu hồi giấy phép, cấm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vĩnh viễn không được hoạt động, kinh doanh thực phẩm bẩn. Đối với những vụ việc vi phạm nghiêm trọng có thể xử lý hình sự. 

Vai trò quan trọng của cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn - Ảnh 1.

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm rất lớn trong việc ngăn chặn dòng chảy của thực phẩm bẩn.

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm rất lớn trong việc ngăn chặn dòng chảy của thực phẩm bẩn. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, quy trình sản xuất thực phẩm trước khi được đưa ra thị trường. Việc kiểm soát thường xuyên và sát sao sẽ giúp cơ quan chức năng nắm được vấn đề, kịp thời ngăn chặn trước khi luồng thực phẩm bẩn có cơ hội ra thị trường, và cũng từ đó có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn. 

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng cần được đẩy mạnh để giúp sức ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn. Chẳng hạn, các công nghệ số có thể được ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng nắm rõ các thông tin cơ bản về sản phẩm.

Để góp phần ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực tế cần thay đổi nhận thức của cả người chăn nuôi, người trồng trọt cũng như cả người tiêu dùng. Vì thế, cần tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền về tác hại của thực phẩm bẩn, cảnh báo về nguy cơ thực phẩm bẩn cũng như đưa tin thông đầy đủ, giới thiệu về những thực phẩm an toàn cho sức khỏe, đảm bảo chất lượng. Từ đó, người tiêu dùng nắm được thông tin, dần hình thành nhận thức và thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh. Để làm được như vậy, các cơ quan chức năng, báo chí truyền thông cũng cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến người tiêu dùng để người dân tự biết bảo vệ mình; lựa chọn các sản phẩm phù hợp và cảnh báo cho cộng đồng biết về những nguy cơ, hành vi sản xuất, kinh doanh gian dối, phi đạo đức.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần nghiên cứu sử dụng một phần giá trị kinh tế từ xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm để hỗ trợ cho các nạn nhân, giảm bớt tổn hại gây ra cho người tiêu dùng. Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ người tiêu dùng mà còn giúp tạo dựng niềm tin, ổn định xã hội, tạo điều kiện phát triển những sản phẩm, mô hình kinh doanh xanh, sạch. Vì thế, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được đại biểu Quốc hội đề xuất quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng, kể cả người tiêu dùng khi bản thân họ cũng có lỗi./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc, chống "thực phẩm bẩn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO