Viện Tích hợp hệ thống, Học viện KTQS: Phát huy thế mạnh liên ngành, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế phục vụ CĐS

26/10/2021 08:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Được thành lập năm 2012 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2013, Viện Tích hợp hệ thống (THHT), Học viện Kỹ thuật Quân sự là một đơn vị nghiên cứu liên ngành về công nghệ điện tử, vi điện tử, HTTT tích hợp và tự động hóa chỉ huy, Viện THHT luôn chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt khoa học và công nghệ (KH&CN) và đưa nghiên cứu khoa học thành hoạt động tự giác của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nghiên cứu viên.

Kết hợp hài hoà giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng

Theo PGS. TS Hoàng Văn Phúc, Viện trưởng Viện THHT, Viện chủ trương kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, trong đó những lĩnh vực công nghệ cao thì ưu tiên phát triển nghiên cứu ứng dụng trên nền tảng nghiên cứu cơ bản để đảm bảo cơ sở vững chắc. Đặc biệt, những lĩnh vực nghiên cứu rất mới đòi hỏi cả nền tảng nghiên cứu cơ bản vững chắc để giải quyết những bài toán chưa từng xuất hiện.

Việc thực hiện thành công các nhiệm vụ nghiên cứu này, theo PGS. TS Hoàng Văn Phúc, vừa có thể tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng và hàm lượng trí tuệ cao, lại vừa tạo ra các bài báo khoa học có giá trị. Các hướng sản phẩm KH&CN trọng điểm của Viện đều gắn chặt với các hướng hiện đại hóa quân đội và chuyển đổi số (CĐS) của Chính phủ, bao gồm các hệ thống thông tin tích hợp phục vụ chỉ huy - điều hành,  cơ sở dữ liệu (CSDL) bảo mật phục vụ chính phủ điện tử vi mạch chuyên dụng, hệ thống đánh giá bảo mật phần cứng, ra đa thế hệ mới, các hệ thống Internet vạn vật (IoT) và thiết bị giám sát vô tuyến thông minh có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Hơn nữa, Viện luôn quán triệt việc tham gia nghiên cứu khoa học và công bố bài báo là công việc thường xuyên của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nghiên cứu viên với nòng cốt là 03 Nhóm nghiên cứu mạnh về "Tích hợp hệ thống", "Ra đa trên nền công nghệ điện tử và vi điện tử", và "Bảo mật phần cứng và các hệ thống nhúng".

Đẩy mạnh hoạt động chuyên môn liên ngành và hợp tác quốc tế

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Quân đội và đất nước, Viện đã chú trọng phát triển các hướng nghiên cứu và các hoạt động chuyên môn có tính liên ngành (tích hợp chuyên môn nhiều lĩnh vực) và tính hợp tác quốc tế cao. Viện luôn khuyến khích hơn mọi cán bộ, giảng viên tích cực chủ động trong công tác hợp tác quốc tế, tận dụng các nguồn kinh phí khác nhau để phục vụ nghiên cứu. Viện tập trung gắn công tác hợp tác quốc tế với việc xây dựng tiềm lực KH&CN và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh.

Cụ thể, trong khuôn khổ tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) cho dự án "Đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu, KH&CN - FIRST", Viện đã chủ trì đã thực hiện thành công Tiểu dự án "An toàn, bảo mật phần cứng: Phương pháp, công nghệ và ứng dụng" do PGS. TS Hoàng Văn Phúc chủ trì. Mục tiêu của Tiểu dự án là nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu trong nước và thúc đẩy việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ và phương pháp tiên tiến nhất trong an toàn, bảo mật phần cứng ở Việt Nam thông qua việc thực hiện kiến tạo, chuyển giao tri thức và hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia có uy tín thế giới về lĩnh vực này, trong đó tiêu biểu là GS. TS Phạm Công Kha - chuyên gia Việt kiều tại Đại học Điện tử - Truyền thông Tokyo, Nhật Bản. Nhóm nghiên cứu thuộc 

Tiểu dự án đã thực hiện các nội dung hợp tác, nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ và phương pháp tiên tiến nhất trong an toàn, bảo mật phần cứng ở Việt Nam thông qua việc thực hiện kiến tạo, chuyển giao tri thức và hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia có uy tín trên thế giới về lĩnh vực này.

Các vi mạch về an toàn, bảo mật phần cứng được chế tạo trong tiểu dự án cho phép đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tốt, có thể so sánh được với các công trình nghiên cứu tiêu biểu trên thế giới. Hơn nữa, giải pháp về thiết kế vi mạch cảm biến từ trường và mạch tạo hàm không thể sao chép về vật lý (PUF) trong xác thực vi mạch và phát hiện Trojan phần cứng đã cho thấy hiệu quả ban đầu trong các ứng dụng về nhận thực và bảo mật chip. Nhóm thực hiện tiểu dự án là những ngươi đầu tiên tại Việt Nam công bố nghiên cứu khảo sát các nguy cơ và phương pháp phát hiện phần cứng gián điệp, hay Trojan phần cứng trong các thiết kế vi mạch, thiết kế PUF ứng dụng trong an toàn, bảo mật phần cứng.

Đặc biệt, Viện chủ trì triển khai dự án hợp tác quốc tế "Hệ thống IoT tiết kiệm năng lượng, tự bền vững và phạm vi rộng ứng dụng trong giám sát và cảnh báo sớm hạn hán" do Quỹ ASEAN IVO (Nhật Bản) tài trợ về ứng dụng IoT trong giám sát, cảnh báo hạn hán. Dự án này có sự hợp tác của Đại học (ĐH) Điện tử - Truyền thông Tokyo (Nhật Bản), Học viện Công nghệ Kanazawa (Nhật Bản), ĐH Công nghệ King Mongkut Thonburi (Thái Lan), Học viện Công nghệ King Mongkut Ladkrabang (Thái Lan) và ĐH Malardalen (Thụy Điển).

ASEAN IVO là tổ chức liên minh toàn cầu giữa các viện và trường ĐH nghiên cứu phát triển về CNTT-TT trong ASEAN và Nhật Bản do Viện CNTT-TT quốc gia (NICT) của Nhật Bản chủ trì, hiện có 60 viện, trường thành viên. Dự án này hướng tới xây dựng một hệ thống giám sát, cảnh báo hạn hán thời gian thực thông minh trên nền tảng công nghệ IoT sử dụng các cảm biến và mạch điện tử tiết kiệm năng lượng, áp dụng các kỹ thuật thu thập năng lượng vô tuyến, xử lý dữ liệu đám mây và AI.

Viện Tích hợp hệ thống, Học viện KTQS: Phát huy thế mạnh liên ngành, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế phục vụ CĐS - Ảnh 1.

GS. TS Phạm Công Kha, ĐH Điện tử - Truyền thông Tokyo, Nhật Bản (thứ hai từ trái qua phải) cùng các nhà khoa học Việt Nam tại Hội thảo tổng kết Dự án FIRST.

Viện Tích hợp hệ thống, Học viện KTQS: Phát huy thế mạnh liên ngành, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế phục vụ CĐS - Ảnh 2.

Chuyên gia Cộng hoà Pháp trao đổi về hợp tác về lĩnh vực bảo mật phần cứng trong khuôn khổ Dự án FIRST.

Viện Tích hợp hệ thống, Học viện KTQS: Phát huy thế mạnh liên ngành, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế phục vụ CĐS - Ảnh 3.

Chuyên gia ĐH Điện tử - Truyền thông Tokyo, Nhật Bản trao biên bản làm việc và trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực IoT.

Viện Tích hợp hệ thống, Học viện KTQS: Phát huy thế mạnh liên ngành, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế phục vụ CĐS - Ảnh 4.

Tọa đàm quốc tế về hệ thống giám sát thông minh trên nền tảng công nghệ IoT trong khuôn khổ dự án do Quỹ ASEAN IVO tài trợ.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm tạo điều kiện của Học viện Kỹ thuật Quân sự và các cơ quan cấp trên, với sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn của toàn thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên, Viện THHT sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KH&CN, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu có giá trị cao và ứng dụng trong thực tiễn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Viện Tích hợp hệ thống, Học viện KTQS: Phát huy thế mạnh liên ngành, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế phục vụ CĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO