Việt Nam cần thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển
Thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, từ trưa 28/1, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA - Intra Asia) gặp sự cố khiến kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyên nhân được xác định do cáp bị đứt tại vị trí cách bờ Singapore khoảng 130 km. Sự cố làm mất toàn bộ lưu lượng kết nối Internet quốc tế từ Việt Nam đi Singapore của tuyến cáp này. Tuyến cáp biển Liên Á được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009. Đây là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm AsiaPacific Gateway (APG), Asia America Gateway (AAG), AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1) và SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3).
Có tổng chiều dài 6.800 km, tuyến cáp biển Liên Á kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản. Đây là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam cũng như khu vực châu Á.
Đáng chú ý, tuyến cáp quang IA gặp sự cố trong bối cảnh 3 tuyến cáp khác đã gặp sự cố trước đó. Cụ thể, lần lượt vào các ngày 26/12/2022 và 21/1/2023 (tức ngày 30 Tết), tuyến cáp APG gặp sự cố trên 2 phân đoạn S6 gần Hong Kong (Trung Quốc) và S9 hướng kết nối đi Singapore.
Các tuyến cáp quang biển gặp sự cố chỉ ảnh hưởng đến lưu lượng Internet đi nước ngoài, trong khi đó các dịch vụ và trang web đặt máy chủ tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố này.
Tại một hội nghị của khối viễn thông cuối năm 2022, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết cáp quang biển là hạ tầng số và là công việc cần tập trung của Cục trong năm 2023.
Cục trưởng Cục Viễn thông đã chia sẻ số trạm cập bờ cáp quang biển cũng như số lượng cáp quang biển của Việt Nam quá ít. Hiện nay có 5 tuyến cáp quang biển trong khi Thái Lan là 13, Malaysia hơn 30 tuyến cáp quang biển. Trong khi đó, Singapore là trung tâm kết nối của khu vực (hub). Các tuyến cáp quang biển của Việt Nam đã đứt và các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng 30 - 40% lưu lượng quốc tế và phải mở rộng ra các tuyến đất liền khác.
Cũng theo Cục trưởng Cục Viễn thông, đây là việc phải tập trung giải quyết trong giai đoạn tới; phải có tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ để không chỉ có thể chủ động trong việc giải quyết nhu cầu của Việt Nam mà còn hướng tới thành hub khu vực, cung cấp lại băng thông cho quốc tế.
Ông Nguyễn Hồng Thắng cũng cho biết định hướng là cáp quang biển không chỉ phụ thuộc vào DN nhà nước mà phải hướng tới các DN tư nhân có đủ tiềm lực tham gia xây dựng các tuyến cáp quang biển này. DN tư nhân có những không gian kinh doanh mới, nhu cầu cáp quang biển cao hơn các DN nhà nước khi DN nhà nước gặp khó hơn về điều kiện quản lý vốn và thủ tục lâu.
Với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông (TT&TT) đến năm 2030, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết Việt Nam phải có 4 - 6 tuyến cáp quang biển nữa, dung lượng tối thiểu 60 Terabyte (T), hiện nay khoảng hơn 20 T. “Đây là thách thức lớn để triển khai và phải quyết tâm làm, tìm nguồn lực để làm và cần DN tư nhân tham gia. Năm 2023, Cục Viễn thông sẽ có báo cáo khả thi dự kiến có DN dẫn dắt và Cục điều phối các DN triển khai”.
Trả lời truyền thông, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng sự cố 4 tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố ở thời điểm hiện tại là hy hữu, nhà mạng cũng không lường trước được. Dù vậy, qua sự cố này cho thấy Việt Nam cần thêm các tuyến cáp quang biển mới.
Theo ông Vũ Thế Bình, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần ít nhất 2 - 3 tuyến cáp quang biển mới để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Còn nếu kỳ vọng biến Việt Nam thành một trạm trung chuyển của khu vực thì sẽ cần nhiều hơn thế.
Ông Vũ Thế Bình cho biết kế hoạch mà các nhà mạng Viettel và VNPT công bố cho thấy, năm 2023 các nhà mạng này sẽ khai thác thêm tuyến cáp cập bờ Quy Nhơn. Nếu các tuyến này hoạt động cố định thì cũng sẽ giải quyết căn bản khả năng dự phòng cho các nhà mạng.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC cũng cho rằng Việt Nam hiện có ít trạm cáp quang biển cập bờ so với Singapore hay Malaysia. Việt Nam muốn trở thành trung tâm số thì phải có nhiều tuyến cáp biển cập bờ hơn./.