Việt Nam coi trọng chia sẻ kinh nghiệm phát triển vệ tinh viễn thông
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị Thales Alenia Space Italy chia sẻ các kinh nghiệm về ứng dụng điển hình và kinh doanh hiệu quả vệ tinh cho Việt Nam.
Ngày 23/4/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với ông Masimo Comparini, Tổng giám đốc (CEO) Thales Alenia Space Italy (thuộc tập đoàn Thales). Cùng dự buổi làm việc có các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, lãnh đạo và nhân viên của Thales Alenia Space tại khu vực Đông Nam Á.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam hơn 15 năm trước đã phóng vệ tinh địa tĩnh Vinasat-1 và sau đó là vệ tinh Vinasat-2. Sắp tới, Việt Nam có kế hoạch phóng vệ tinh thay thế khi hai vệ tinh Vinasat-1 và 2 đã và đang hết hạn. Việt Nam rất quan tâm đến vận hành và mô hình kinh doanh các vệ tinh có lãi.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị ông Masimo Comparini thúc đẩy việc hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về các trường hợp ứng dụng (use case), mô hình kinh doanh vệ tinh hiệu quả thông qua các buổi làm việc, hội thảo chuyên sâu hơn với Bộ TT&TT.
Ngoài thông tin về vệ tinh địa tĩnh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết Việt Nam cũng rất quan tâm đến vệ tinh quan sát tầm thấp bởi loại vệ tinh này vừa có ý nghĩa kinh tế và vừa có ý nghĩa quốc phòng.
Bộ trưởng cũng đề nghị trong hợp tác đầu tư, Thales Alenia Space cũng thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu các giải pháp ứng dụng cho thông tin vệ tinh.
Trước các trao đổi và đề nghị của Bộ trưởng, ông Masimo Comparini đã đồng tình và cho biết thực tế trong thời gian qua, vệ địa tĩnh đã có những bước phát triển mới như có thể kết hợp băng tần Ka và Ku để đạt băng thông rộng, đáp ứng, phục vụ các mục tiêu khác nhau của mỗi quốc gia và khả năng số hoá của loại vệ tinh này.
Ông Masimo Comparini cũng cho biết vệ tinh tầm thấp hay vệ tinh địa tĩnh đều có ưu, lợi thế riêng. Vệ tinh tầm thấp là kết hợp của vệ tinh khoa học và radar, có khả năng chụp ảnh phân giải cao, giải quyết các vấn đề về quan sát và các hoạt động quân sự, có trọng lượng 200 - 300kg. Cách đây 2 tuần, Thales đã kết hợp với Hàn Quốc phóng 1 vệ tinh dạng này ở Floria. Công ty đã tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm với Viettel, VNPT.
Được biết Thales là tập đoàn công nghệ trong các lĩnh vực thông tin vệ tinh, hàng không vũ trụ, quốc phòng, an ninh, bảo mật số. Thales có 71.000 nhân viên, hoạt động ở 68 nước với doanh số năm 2023 đạt 18,4 tỷ euro. Hàng năm, tập đoàn dành 1,1 tỷ euro cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Thales Alenia Space là liên doanh giữa Thales (67%) và Leonardo (33%), sản xuất thiết bị không gian toàn cầu, có 40 năm kinh nghiệm về cung cấp giải pháp công nghệ cao cho lĩnh vực viễn thông, dẫn đường vệ tinh, quan sát trái đất, quản lý môi trường, thăm dò, hạ tầng nghiên cứu khoa học và quỹ đạo… Năm 2023, Thales Alenia Space đã thực hiện hai hợp đồng ở châu Âu và trong khu vực, cung cấp chùm vệ tinh quan sát trái đất kết hợp vệ tinh quang học và radar độ phân giải cao.
Thales có mặt tại Việt Nam từ năm 1994. Thales đã cung cấp giải pháp công nghệ cho một số dự án về hàng không, truyền hình số, Metro Hà Nội, quốc phòng, an ninh. Về viễn thông và CNTT, Thales cung cấp các hệ thống quản lý giám sát tần số, các giải pháp SIM/eSIM cho các nhà mạng Việt Nam./.