Việt Nam – Iran cơ hội hợp tác đầu tư viễn thông và công nghệ thông tin

17/03/2016 09:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong khuôn khổ chuyến thăm và hội đàm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Iran, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Bắc Son và Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Iran, Mahmoud Vaezi đã có cuộc hội đàm về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Bắc Son và Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Iran, Mahmoud Vaezi  trao đổi về hợp tác đầu tư Việt Nam và Iran trong thời gian tới - ảnh: Tấn Đức

Tại hội đàm, hai Bộ  trưởng Việt Nam và Iran đã nêu quyết tâm đẩy mạnh hợp tác kinh doanh và sản xuất trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Mục tiêu trước mắt cần làm ngay là xúc tiến trao đổi thông tin và đàm phán nhanh để ký kết hợp tác theo chủ trương của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống IRAN Hassan Rouhani.


Đặc biệt, tăng cường hơn nữa sự đầu tư liên kết kinh doanh dịch vụ viễn thông, ICT,… ở khối doanh nghiệp tư nhân. Với vai trò quan trọng của công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông. Chính phủ  Iran và Việt Nam đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và phát triển lĩnh vực này.


Trước đó, trong cuộc hội đàm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận và thống nhất về các vấn đề hợp tác trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, viễn thông và ICT, xây dựng phát triển phần mềm, dữ liệu điện toán đám mây, bưu chính, cũng như hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu vệ tinh, quỹ đạo không gian, đào tạo tại các học viện và trường đại học và cả lĩnh vực Chính phủ điện tử.


Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã khẳng định: “Trên cơ sở hữu nghị lâu đời và mối liên hệ truyền thống giữa hai nước Việt Nam – Iran có cùng chung một mái nhà châu Á, cùng có những điểm tương đồng về lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi trân trọng và cảm ơn nhân dân Iran đã luôn ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong các cuộc đấu tranh bảo vệ dân tộc".


Phát biểu tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ : “ …Tôi đồng cảm với đất nước các bạn về hậu quả nặng nề của 37 năm bị cấm vận. Đây là điểm giống nhau giữa 2 nước. Việt Nam cũng đã trải qua thời kỳ bị cấm vận. Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, sau 21 năm chiến tranh với Mỹ và 20 năm bị cấm vận chúng tôi nhận thấy rằng, con đường thu hẹp khoảng cách giàu nghèo chỉ có con đường đi tắt đón đầu, học tập các nước bạn. Đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ".


Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: “Thông tin truyền thông không thể thiếu trong đời sống kinh tế xã hội, đó là hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin. Nhà nước Việt Nam khuyến khích phát triển viễn thông, công nghệ thông tin và là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á". Cụ thể, Bộ trưởng cho biết:  "hiện nay, Việt Nam có 130 triệu thuê bao điện thoại, trong đó trên 120 triệu thuê bao di động và gần 10 triệu thuê bao đầu cố định. Có 47 triệu người sử dụng internet, trong đó băng rộng trên 20 triệu, doanh thu 14 tỷ USD. Công nghiệp công nghệ thông tin đem lại 40 tỷ USD doanh thu cho Việt Nam mỗi năm. Hiện có nhiều tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin. Việt Nam cũng đang thu hút nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài cũng như trong nước.”


Việt Nam hiện là một trong những nước phát triển công nghệ thông tin ở Đông Nam Á. Với chính sách cởi mở, nhiều doanh nghiệp lớn về điện tử viễn thông đã đầu tư vào Việt Nam. Samsung đầu tư 10 tỷ USD, biến Việt Nam thành điểm sản xuất điện thoại di động hàng đầu. Tập đoàn Intel đầu tư 2 tỷ USD. Trong nước, Việt Nam có nhiều tổng công ty, tập đoàn viễn thông công nghiệp lớn: tập đoàn Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đều phát triển mạnh mẽ.


Đáp lại, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Iran, Mahmoud Vaezi nhắc lại lời của ngài Tổng thống Hassan Rouhani, đó là “hai nước đang ở thập kỷ thứ năm của quan hệ ngoại giao và thông qua sự hợp tác ở thập kỷ này, sẽ tạo điều kiện phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong quan hệ hai nước”. Và để đưa những dự đoán của ngài Tổng thống Iran thành hiện thực, Chính phủ hai nước nhất định phải tiến hành hợp tác thông tin truyền thông.


Tiếp lời, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phấn khởi thông báo với ngài Bộ trưởng Iran, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam đã luôn khuyến khích các doanh nghiệp, các địa phương, người dân thực hiện Chính phủ điện tử, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân dân, hạn chế tiêu cực trong xã hội.


Tiếp tục cuộc hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề cập tới vấn đề  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao đối với ngài Tổng thống trước đó:  đề nghị phía Iran tạo điều kiện cho Viettel đầu tư 3G, 4G vào Iran hoặc tạo điều kiện cho Viettel được mua cổ phần hoặc liên doanh với các đơn vị của Iran.


Đáp lời Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Iran cho biết, Iran là thị trường lớn ở Trung Đông, những công ty đang cung cấp 3G, 4G tại đây đều là những là các công ty tư nhân và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường là rất lớn. Việt Nam là nước đi trước chúng tôi trong lĩnh vực này, các bạn có nhiều kinh nghiệm hơn, trong khuôn khổ tinh thần đó, Chính phủ Iran sẽ quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Iran. Cụ thể, Chính phủ có thể cấp giấy phép theo pháp luật của Iran để Viettel thực hiện chi tiết các yêu cầu của Iran hoặc liên doanh với doanh nghiệp Iran. Bộ trưởng nhắc đến 9 điều ghi nhớ của Bộ trưởng Iran. Đồng thời, bổ sung thêm lĩnh vực an toàn công nghệ thông tin sẽ ưu tiên trong đưa vào lộ trình hợp tác.


Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chia sẻ thêm, trong lĩnh vực thông tin thì ngành bưu chính cũng đã phát triển từ 70 năm trước. Hiện Việt Nam có khoảng 14 nghìn điểm bưu chính. Về lĩnh vực phát triển phần mềm, Việt Nam có những công ty đầu tư rất lớn như FPT đã mở rộng đầu tư, gia công tại Nhật Bản và một số nước khác. Viettel cũng đã đầu tư ra 10 nước trên thế giới: Lào, Campuchia, Đông Timo, Mozambique… Trong vài năm qua , Viettel đã đầu tư vào Tanzania 700 triệu USD và 500 triệu USD ở Mozambique. Hy vọng trong tương lai, Việt Nam và Iran cũng sẽ có những hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Bắc Son và Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Iran, Mahmoud Vaezi trong cuộc họp báo công bố nội dung hội đàm rộng rãi với báo chí trong nước và quốc tế  - ảnh: Tấn Đức


Kết thúc cuộc gặp, Bộ  trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Iran, Mahmoud Vaezi  đã thống nhất đi đến thỏa thuận cùng nhau trao đổi, hợp tác ở các diễn đàn song phương và đa phương trong khu vực và trên thế giới.

Các thành viên của đoàn cùng 2 bộ trưởng Việt Nam và Iran chụp ảnh lưu niệm -  ảnh Tấn Đức

Theo tác giả bài viết này, hiện nay Iran có 3 doanh nghiệp viễn thông hàng đầu với trên 80 triệu thuê bao điện thoại di động, nhưng chất lượng và thiết bị đầu cuối, cũng như điện thoại thông minh thế hệ mới còn hạn chế. Hiện nay, thủ đô Tehran có trên 17 triệu dân và GDP chiếm 40% trong tổng số GDP quốc gia Iran trên 1.300 tỷ USD. Đây là thị trường tiềm năng và môi trường rất thuận lợi. Chính những con số này là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư viễn thông có năng lực để chinh phục thị trường này. Hy vọng Viettel sẽ được chào đón và đầu tư thành công tại quốc gia này theo mong muốn của Chủ tịch Trương Tấn Sang và tổng thống Iran Hassan Rouhani./.


Lưu Hoàng Vân (INFOVIETNAM )

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam – Iran cơ hội hợp tác đầu tư viễn thông và công nghệ thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO