Mô hình mới – sức mạnh mới
“Việc triển khai thành công Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT giai đoạn 2014-2015, trong đó có việc hình thành 3 Tổng công ty đã tạo tiền đề quan trọng để VNPT tập trung phát triển mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ di động, băng rộng, tạo sự đột phá trong kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng công nghệ thông tin. Phương châm của Tập đoàn lấy khách hàng làm trung tâm, phát triển bền vững trên nguyên tắc cân đối hài hòa 3 yếu tố gồm khách hàng - người lao động - hiệu quả kinh doanh; đồng thời, đổi mới thương hiệu VNPT, mà Chính phủ đã khẳng định là thương hiệu quốc gia, giữ vững, phát triển và đẩy mạnh sự lan tỏa của thương hiệu VNPT không chỉ trong nước mà cả ra quốc tế, tiếp tục khẳng định vị trí chủ lực của VNPT trong ngành viễn thông – công nghệ thông tin Việt Nam”,Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu nhân sự kiện ra mắt VNPT VinaPhone vừa diễn ra chiều ngày 11/8/2015.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra mắt Tổng Công ty VNPT Vinaphone
Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông – VNPT VinaPhone chính thức ra mắt, đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới ở tầm cao hơn và vững mạnh hơn, sau quá trình tái cơ cấu thành công của Tập đoàn VNPT. Theo mô hình mới, Tổng Công ty VNPT VinaPhone được xây dựng trên cơ sở hợp nhất bộ phận kinh doanh của Viễn thông các tỉnh, thành và các Công ty VinaPhone, VDC, VTN, VNPT-I để tập trung kinh doanh toàn bộ các dịch vụ viễn thông, CNTT của VNPT. Một cơ thể mới, một sức sống mới, với sự kiện ra mắt chính thức này,VNPT Vinaphone đã sẵn sàng hòa nhập vào thị trường viễn thông và CNTT bằng sức mạnh cạnh tranh hoàn toàn khác biệt so với trước đây.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cùng các lãnh đạo VNPT nhấn nút chính thức ra mắt Tổng Công ty VNPT VinaPhone.
“VNPT VinaPhone sẽ là đơn vị kinh doanh chủ lực của VNPT, trực tiếp chiến đấu ngoài thị trường. Mỗi cán bộ, nhân viên kinh doanh, bán hàng của VNPT VinaPhone sẽ là một chiến binh trên thị trường. Nhưng đằng sau những chiến binh đó là một đội quân yểm trợ mạnh mẽ gồm viễn thông tỉnh thành, kỹ thuật, hạ tầng thuộc VNPT Net và VNPT Media”, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT khẳng định.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, phát biểu tại Lễ ra mắt VNPT Vinaphone
Tổng Công ty VNPT VinaPhone được thành lập với vốn điều lệ là 5.200 tỷ đồng, do Tập đoàn VNPT sở hữu 100% vốn và hoat động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. VNPT VinaPhone sẽ đại diện cho VNPT cung cấp toàn bộ các dịch vụ viễn thông, CNTT, truyền thông, bao gồm: các dịch vụ di động (thương hiệu VinaPhone), Băng rộng (truy nhập Internet như MegaVNN, FiberVNN, MegaWAN..), Cố định và truyền hình (điện thoại cố định, Gphone, MyTV..), Truyền dẫn (Kênh thuê riêng, Truyền số liệu trong nước và quốc tế...), DC và Hosting (Colocation, Dedicate, VPS, CloudVNN, Webhosting, DNS...), Dịch vụ giá trị gia tăng, Giải pháp tích hợp VT và CNTT, Kinh doanh thiết bị VT và CNTT.
Sau quá trình tái cơ cấu tập đoàn VNPT, bên cạnh sự đời của VNPT VinaPhone còn có hai Tổng Công ty mới là VNPT Media, VNPT Net, hình thành nên mô hình 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng – Kinh doanh”. Trong mô hình mới này, VNPT VinaPhone sẽ đảm đương trách nhiệm của lớp kinh doanh, lớp chủ chốt, lớp trực tiếp phục vụ thị trường và xã hội. Đây sẽ là lớp làm nhiệm vụ nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu và xu thế thị trường, xu thế công nghệ, để có những yêu cầu, đặt hàng đối với các lớp Dịch vụ và Hạ tầng. Tiếp đó, VNPT Net và VNPT Media sẽ là các đơn vị làm nhiệm vụ đáp ứng hạ tầng công nghệ, các giải pháp, công cụ mạnh nhất để VNPT VinaPhone cung cấp ra thị trường các dịch vụ phong phú, các tiện ích giá trị, đem lại sự thỏa mãn cho người dùng, xã hội.
Đẩy mạnh đổi mới nội dung để tăng hiệu quả
Việc đổi mới mô hình tổ chức mới chỉ là hình thức bên ngoài, quan trọng là nội dụng bên trong, đó là công tác quản lý và phương thức sản xuất kinh doanh mới cùng những vấn đề cụ thể phát sinh cần nhanh chóng được giải quyết khi triển khai nội dung mới.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo: “Việc tái cơ cấu Tập đoàn và thành lập 3 Tổng công ty đã được triển khai thực hiện tốt, đúng theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp nguyện vọng, với chiến lược phát triển, phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh của VNPT và nhu cầu của thị trường. Vấn đề đặt ra hiện nay là để 3 Tổng công ty mới ra đời đứng vững, phát triển nhanh, lớn mạnh, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của VNPT nói riêng và thị trường viễn thông, CNTT Việt Nam nói chung, đòi hỏi tập thể Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc VNPT phải có những quyết sách đúng, kịp thời phù hợp với khả năng, thực tế của các Tổng công ty, phù hợp yêu cầu của thị trường. Phát huy huy dân chủ, đề cao sự phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Tập đoàn, tạo nên sực mạnh tổng để với tâm thế mới sẽ giành nhiều thành công hơn nữa trong thời kỳ mới… VNPT phải không ngừng đổi mới phương pháp quản trị kinh doanh linh hoạt, phù hợp với những biến động của thị trường thì mới có thể phát triển bền vững trước sự khắc nghiệt của thị trường - như chiến trường hiện nay”.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và các vị khách mời tham quan một số dịch vụ đang được VNPT Vinaphone triển khai kinh doanh
Trong mô hình mới, VNPT VinaPhone sẽ đảm đương trách nhiệm của lớp kinh doanh, lớp chủ chốt, lớp trực tiếp phục vụ thị trường và xã hội. Đây sẽ là lớp làm nhiệm vụ nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu và xu thế thị trường, xu thế công nghệ, để có những yêu cầu, đặt hàng đối với các lớp Dịch vụ và Hạ tầng. Tiếp đó, VNPT Net và VNPT Media sẽ là các đơn vị làm nhiệm vụ đáp ứng hạ tầng công nghệ, các giải pháp, công cụ mạnh nhất để VNPT VinaPhone cung cấp ra thị trường các dịch vụ phong phú, các tiện ích giá trị, đem lại sự thỏa mãn cho người dùng, xã hội.
“Phải xác định rõ vai trò vị trí của Tổng công ty VNPT - VinaPhone. không để Tổng công ty VNPT - Vinaphone hoạt động như một tổng đại lý của Tập đoàn mà phải tổ chức để Vinaphone trở thành Tổng công ty thực sự - Tổng công ty chủ lực của Tập đoàn. Phải có hạ tầng kỹ thuật (cơ sở dữ liệu khách hàng), mạng lưới bán hàng cần thiết... để Vinaphone vừa phối hợp với các Tổng công ty khác, vừa chủ động trong hoạt động kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ Tập đoàn giao”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng nhận định, VNPT VinaPhone có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi giá trị của Tập đoàn VNPT, tập trung thực hiện nhiệm vụ của lớp kinh doanh, lớp chủ chốt trong mô hình “Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh”, lớp trực tiếp giao tiếp với thị trường, với xã hội. Đây là lớp làm nhiệm vụ nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu và xu thế phát triển thị trường, xu thế phát triển công nghệ - nắm chắc hơi thở của thị trường- "yêu cầu của thị trường là mệnh lệnh đối với người sản xuất hàng hoá và người cung cấp dịch vụ cho xã hội" - thị trường cần hàng hoá gì thì sản xuất cái đó, thị trường cần dịch vụ gì thì cung cấp dịch vụ đó. Chính vì vậy, đây là lớp đầu tiên cần đổi mới tư duy, đổi mới bộ máy điều hành, đổi mới phong cách làm việc và phong cách kinh doanh, làm sao để luôn đi trước đón đầu các nhu cầu của xã hội, đem lại sự hài lòng cao nhất trong quá trình phục vụ khách hàng và tiếp tục phục vụ đắc lực cho các hoạt động thông tin, liên lạc điều hành của nhà nước. Mỗi một thành viên, mỗi bộ phận trong Tổng công ty VNPT VinaPhone cần luôn quán triệt tinh thần hợp tác chặt chẽ với Tổng công ty hạ tầng và Tổng công ty truyền thông để có thể kết nối, phát huy sức mạnh tổng lực, hoạt động nhịp nhàng trong một guồng máy kinh doanh lớn, hiện đại, chấp nhận thử thách, sức ép thị trường và luôn năng động, sáng tạo để đem tới cho thị trường, cho xã hội nhiều tiện ích mới với những giá trị ngày càng cao.
Phải đổi mới một cách mạnh mẽ mới có thể thực hiện được CHUYÊN NGHIỆP, CHUYÊN BIỆT và mới giành thắng lợi trên thương trường.
Mục tiêu dẫn đầu trên thị trường viễn thông, CNTT
Với việc tập trung phát triển và kinh doanh các dịch vụ của Tập đoàn, VNPT VinaPhone giữ một vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch từ cung cấp các dịch vụ viễn thông thuần túy sang cung cấp các dịch vụ tích hợp giữa viễn thông, CNTT, truyền thông, đem lại nhiều tiện ích mới, nhiều giá trị mới, phục vụ mọi đối tượng khách hàng từ cá nhân, đến các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước.
Mô hình tập trung kinh doanh, giao dịch một cửa sẽ khắc phục được những nhược điểm chồng chéo tiết giảm chi phí, giảm cấp trung gian trong điều hành kinh doanh. Đặc biệt mô hình “tất cả trong một” này sẽ đem lại sự tiện lợi cho các khách hàng từ việc đăng ký sử dụng, bảo hành, bảo dưỡng tất cả các dịch vụ ngay tại cùng một điểm giao dịch.
Bên cạnh đó, hệ thống kênh bán hàng dày đặc tại 63 Tỉnh/Thành, trải đến tận xã và cả vùng sâu vùng xa giờ đây sẽ được điều hành xuyên suốt một cách có hệ thống với các chính sách đồng bộ, hợp lý sẽ là một điểm mạnh lớn, đem lại sức cạnh tranh cho các dịch vụ VNPT VinaPhone.
Ông Lương Mạnh Hoàng, Tổng giám đốc VNPT VinaPhone, phát biểu tại Lễ ra mắt
Ông Lương Mạnh Hoàng, Tổng giám đốc VNPT VinaPhone cho biết: “Hơn 15.000 cán bộ nhân viên VNPT VinaPhone đang quyết tâm thực hiện đổi mới theo mô hình và chiến lược mới của Tập đoàn, của Tổng Công ty. Đổi mới từ mô hình tổ chức đến mạng lưới kinh doanh, hành chính. Đổi mới từ tư duy kinh doanh đến phong cách kinh doanh. Chúng tôi đang cùng nhau “Kết sức mạnh, Nối niềm tin” để sớm đạt được các mục tiêu phát triển dịch vụ, phát triển kinh doanh, góp sức đưa VNPT về đúng vị trí ban đầu, vị trí số 1 trên thị trường viễn thông, CNTT”.
Ban Giám đốc mới của VNPT Vinaphone
Lãnh đạo VNPT VinaPhone cho biết thêm, Tổng công ty đã xây dựng một chiến lược mạnh mẽ để mở rộng thị trường, đồng thời sẽ tích cực áp dụng các tiến bộ công nghệ vào quản trị, kinh doanh trong thời gian tới để tăng sức cạnh tranh. Sau giai đoạn ổn định tổ chức bộ máy vừa qua, Tổng công ty sẽ tập trung triển khai nhiều dự án lớn về hạ tầng trong nửa cuối năm 2015 như bổ sung 10.000 node B 3G, phủ sóng 3G tới 90% dân số, nâng cao vùng phủ và công suất phát sóng. Mục tiêu là đến tháng 10/2015, vùng phủ 3G của VNPT VinaPhone sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay.
Mục tiêu đến năm 2020 của VNPT VinaPhone sẽ đạt: doanh thu 83.500 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 3.300 tỷ đồng; Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 49%/năm; Thị phần dịch vụ di động chiếm trên 30%, dịch vụ băng rộng trên 80% . Tiếp tục giữ vai trò một tập đoàn chủ lực của nhà nước, cung cấp các dịch vụ viễn thông và CNTT hàng đầu phục vụ đất nước, phục vụ xã hội.
Bài và ảnh: Minh Thiện