Vua Việt đọc sách như thế nào?

Lê Tiên Long| 19/04/2021 07:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ khi nền văn học Nho giáo du nhập vào nước ta hai nghìn năm trước, đọc “sách thánh hiền” đã trở nên quen thuộc với các bậc quân vương, sĩ phu nước ta.

Tuy nhiên, sau một nghìn năm Bắc thuộc, mãi đến thời kỳ các vua Ngô, vua Đinh xây dựng nền độc lập, việc học thi thư, đọc sách của các vị vua nước ta mới bắt đầu được sử sách đề cập đến. Trong buổi đầu dựng nước và chống ngoại xâm, đương nhiên các anh tài nước Việt trọng võ hơn văn. Nhưng không vì thế mà các bậc quân vương nước Việt quên chuyện đọc sách.

Tay kiếm, tay sách

Vua Đinh Tiên Hoàng, vị vua dựng nước mở đô xây nền tự chủ của nước ta, vốn xuất thân là cậu bé mồ côi cha mẹ, phải đi chăn trâu, nên không có điều kiện học hành. Sử xưa chỉ ghi là vua "tài năng thông minh hơn người, dũng lược nhất đời" mà thôi.

Đến vua Lê Đại Hành, sử cũ cho biết lúc nhỏ tuy được viên quan sát họ Lê nhận làm con nuôi "sớm tối nuôi dạy, không khác con đẻ", nhưng không nói chuyện vua học hành thế nào. Khi sứ nhà Tống là Lý Giác sang nước ta, làm thơ giao tiếp với nhà sư tên Thuận được cử làm người tiếp sứ, sư Thuận dâng bài thơ của Lý Giác lên cho Lê Đại Hành, vua gọi pháp sư Khuông Việt đọc thơ. Khuông Việt đọc xong, nói "Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống", nhà vua mới ban thưởng cho Lý Giác rất hậu.

Sau các vị vua xuất thân là võ tướng như Đinh Tiên Hoàng, các vua nhà Tiền Lê, sang đến thời Lý, việc học kinh sử đã được ghi lại ngay từ vị vua đầu tiên. Bộ quốc sử "Đại Việt sử ký toàn thư" chúng ta đọc ngày nay được biên soạn dưới quan điểm Nho giáo của các sử thần thời Lê, nên việc đọc thi thư đã trở thành nét quan trọng khi mô tả các bậc quân vương.

Lý Thái Tổ vốn là cậu bé không rõ cha là ai, được Lý Khánh Văn nuôi và cho học ở chùa Lục Tổ, được sư Vạn Hạnh dạy dỗ. Khi viết tổng lược chân dung nhà vua, "Đại Việt sử ký toàn thư" chép rằng ngài "không chăm việc sản nghiệp, chỉ học kinh sử qua loa, khẳng khái có chí lớn".

Sau khi triều Lý ổn định trật tự, chuyển kinh đô về Thăng Long, việc học hành của các hoàng tử và vương hầu quý tộc được quan tâm kỹ lưỡng. Vua Lý Thái Tông đã được mô tả là "Vua tính trời nhân từ trí tuệ và dĩnh ngộ, thông hiểu đại lược văn võ, còn các nghề lễ nhạc, ngự xạ (cưỡi ngựa bắn cung), thư số thì không nghề gì là không tinh thông".

Khi Lý Thái Tông lên ngôi, đã bắt đầu cho biên soạn sách "Hình thư", bộ luật đầu tiên của nước ta "để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện, phép xử hình thản nhiên rõ ràng".

Năm 1070, cũng dưới thời Lý Thái Tông, Văn Miếu bắt đầu được dựng ở bên ngoài Hoàng thành, không chỉ để làm nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và các vị Tứ Phối, còn là nơi dạy dỗ Hoàng thái tử. Văn hóa nước ta, từ ảnh hưởng của Phật giáo đầu triều Lý, bắt đầu dịch chuyển dần sang ảnh hưởng của Nho giáo và việc đọc thi thư ngày càng được coi trọng. Khoa thi đầu tiên được mở năm 1075, với vị trí đỗ đầu thuộc về Lê Văn Thịnh.

Vua Lý Thánh Tông hẳn phải là một vị vua hay chữ. Bằng chứng là năm thứ ba sau khi lên ngôi (1056), khi làm chùa Sùng Khánh Báo Thiên, đúc chuông lớn, nhà vua đích thân làm bài văn minh (để khắc vào chuông).

Sang thời Trần, các vua Trần đầu triều đều hâm mộ đạo Phật và viết sách về đạo Phật. Vị danh thần có công lập nên nhà Trần là Thái sư Trần Thủ Độ, vốn là người "không có học vấn, nhưng mưu lược hơn người". Ông đưa cháu là Trần Cảnh vào cung hầu hạ nữ vương Lý Chiêu Hoàng từ nhỏ, nhờ đó, Trần Cảnh được hưởng chế độ giáo dục dành riêng cho bậc quốc trưởng.

Làm bạn với sách và viết sách

Sau một cuộc đời chinh chiến, cuối đời, Trần Thái Tông say mê Phật pháp, tự viết các sách Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam ca, cùng nhiều sách hướng dẫn tu tập như "Lục thì sám hối khoa nghi", "Kim Cương Tam muội chú giải", "Bình đẳng lễ sám văn"… Vua nối ngôi là Trần Thánh Tông cũng để lại các tác phẩm như "Di hậu lục" (Chép để lại cho đời sau), "Thiền tông liễu ngộ".

Cũng như vua cha, vua Trần Nhân Tông ham đọc sách và để lại nhiều tác phẩm. Nhà vua là một nhà viết sử tài ba khi đích thân biên soạn cuốn "Trung hưng thực lục" ghi chép chi tiết về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, gồm 2 quyển. Tiếc rằng bộ sử này của nhà vua sau đó đã thất lạc. Là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, Phật Hoàng Trần Nhân Tông là tác giả của nhiều sách về Phật giáo như "Thiền lâm thiết chủy ngữ lục", "Tăng già toái sự" cùng nhiều tập thơ Thiền…

Sau thời kỳ giặc Minh đô hộ nước ta, một vị hào trưởng ở đất Lam Sơn nổi dậy dựng cờ khởi nghĩa. Lập thân với gươm đao như các vị anh hùng Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, nên bộ sách "Lam Sơn thực lục" tả về vua Lê Thái Tổ rằng: "Nhà vua tuy gặp đời rối loạn, mà chí giữ càng bền; lẩn dấu ở núi rừng làm nghề cày cấy; tự mình vui với kinh, sử, nhất là càng chuyên tâm về các sách thao lược".

Sau khi chiến thắng quân Minh và lên ngôi vua, năm Thuận Thiên thứ 4 (1431), Lê Thái Tổ đã trực tiếp viết bài tựa cho sách "Lam Sơn thực lục" do Nguyễn Trãi soạn, ký là Lam Sơn động chủ.

Hậu duệ của Lê Thái Tổ có vua Lê Thánh Tông là một vị vua anh minh, tài ba lỗi lạc bậc nhất trong lịch sử nước ta. Là một vị hoàng đế có nhiều võ công hiển hách, nhưng Lê Thánh Tông cũng là một tấm gương ham học, ham đọc sách nổi bật trong lịch sử. Nhà sử học Vũ Quỳnh từng khen về khả năng đọc sách của nhà vua: "Vua võ giỏi, văn hay mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào bỏ quyển sách. Sách gì cũng thông, văn thơ hay hơn cả các quan văn học".

Vua Việt đọc sách như thế nào? - Ảnh 1.

Quốc sử quán được vua MInh Mạng lập năm 1820

Không chỉ chăm đọc sách, Lê Thánh Tông còn muốn xem cả sử liệu đương thời để tự sửa mình. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", năm 1467, vua Lê Thánh Tông sai nội quan đến Hàn lâm viện để mượn Nhật lịch (sổ biên chép việc hằng ngày của nhà vua) về cho vua xem. Sử quan là Lê Nghĩa tâu rằng: "Đường Thái Tông đòi xem quốc sử, Phòng Huyền Linh chép sử không trung thực, đều bị đời sau chê". Khi biết vua chỉ muốn xem nhật lịch để biết ngày trước có lỗi lầm gì mà sửa đổi, Lê Nghĩa bèn dâng nhật lịch. Vua xem xong, trả lại sử viện.

Vua Lê Thánh Tông có nói về việc đọc sách dẫn đến nhu cầu viết của mình trong lời tựa cho tập "Quỳnh uyển cửu ca": "Lúc rảnh sau muôn việc, trong khoảng nửa ngày, mắt xem rừng sách, lòng dạo vườn văn, không nghe huyên náo, lòng như hoa thơm, dục thần ít trong, ở yên cao hứng, bèn hăng hái nghĩ đến các bậc đế vương thánh triết, đến lòng cặn kẽ của những bề tôi trung lương, mới gọi Giấy, Bút, Mực, Nghiên đến bảo cho biết rằng: "Tình của ta thư thái, khí tinh anh cuồn cuộn tuôn ra, lời khuôn mẫu từng từng lớp lớp, các ngươi có thể vì ta ghi lấy được không?"

Chính vì vậy, sau khi ngự chế 9 bài thơ cận luật, vua Lê Thánh Tông đã họp các vị học sĩ, hàn lâm, tất cả 28 người, ứng với nhị thập bát tú, lợp thành một hội Tao Đàn, thay nhau cùng họa, được vài trăm bài.

"Bài nào cũng chọn chữ kỹ càng, điệu vần sang sáng, dâng lên ta xem, lòng ta rất vui, xem kỹ hai ba lần. Ta nghĩ cán cân văn chương phải là công khí, không muốn chỉ để riêng ta thưởng thức một lúc, mới sai khắc bản in để truyền bá được rộng", vua viết tiếp trong lời tựa sách.

Nếu không đọc kỹ sử sách, hẳn chúng ta không biết rằng, vua Lê Tương Dực tuy là một vị vua bạo ngược, nhưng lúc mới lên ngôi cũng là người ham đọc sách sử và có công lao trong việc sửa sang giáo dục, biên chép sử sách. Khi sử quan Vũ Quỳnh dâng sách "Việt giám thông khảo", chép từ đời Hồng Bàng đến Lê Thái Tổ, dài 26 quyển, vua Tương Dực muốn nhặt những điều cốt yếu để làm tổng luận cho tiện đọc, mới sai học sĩ Lê Tung soạn cuốn "Việt giám thông khảo tổng luận", rút gọn chỉ có 1 quyển.

Bên cạnh các vị vua Lê, thì các vị chúa Trịnh, chúa Nguyễn cũng chăm đọc sách. Điển hình như chúa Trịnh Sâm, khi còn là thế tử có làm một tập thơ, đến khi lên ngôi vương mới chép lại thành tập đặt tên là "Tâm thanh tồn dụy tập" gồm 4 quyển, tự làm bài tựa, trong đó cũng kể về việc ông đọc sách thế nào:

"Ta lúc trẻ xem thơ Đường, thấy thơ của các danh gia đại để là để ý đến thanh âm niêm luật khéo hay vụng. Nhân đọc bài tựa Kinh Thi của Chu tử có nói: "Thơ là do cảm xúc trong lòng người mà hình ra lời nói. Lòng cảm xúc có tà có chính nên hình ra lời nói có phải có trái", bấy giờ ta mới biết được mấu chốt của việc học Kinh Thi".

Học từ sử xưa

Vua Lê Hiển Tông, trong bài tựa ngự chế cho tập "Hoàng Lê ngọc phả" mà Trịnh Viêm và Nguyễn Hài soạn, cũng nói về chuyện đọc sử của mình:

"Ta nối nghiệp ông cha, nghĩ đến dấu nghĩa của các triều trước, không ngày nào quên, từng biên chép thành sách, để hàng ngày xem đọc. Gần đây thấy bản chép cũ của các hương thân, so với những điều trong bản chép của ta thấy có hơi khác nhau, nên ta giao cho bọn gia thần khảo cứu biên chép lại, cốt cho đầy đủ hoàn toàn…".

Vua Minh Mạng không chỉ ham đọc sách mà còn khuyến khích các quan đọc sách. Ngay sau khi lên ngôi, đã dụ bầy tôi rằng: "Đạo trị nước chép ở sách vở, không xem rộng xét kỹ không thể biết hết được. Nay thư viện Thanh Hoà chứa nhiều sách lạ bốn phương, bọn khanh lúc rỗi việc mà có chí đọc sách thì mượn mà xem".

Vua Việt đọc sách như thế nào? - Ảnh 2.

Thợ khắc ván và in sách ở Quốc sử quán năm 1832

Nhà vua khuyên bề tôi rằng: "Đọc sách quý ở chỗ biết suy xét cho thấu nghĩa lý. Các ngươi kiến thức nông cạn, sao đủ nói điềm hay, điềm dở?".

Là người coi trọng sách vở, nên trong chuyến Ngự giá Bắc Thành năm 1821, vua Minh Mạng đã ban dụ khắp miền Bắc để tìm sách xưa: "Khi trẫm được rảnh việc một chút, lại tìm tòi sách vở. Phàm từ xưa đến nay, những dấu vết phế hưng của các đời, những việc đổi thay của chế độ, cả đến nhân vật tốt xấu, phong thổ khác nhau giống nhau, vẫn muốn góp nhặt chuyện cũ để tham khảo. Trước kia có hỏi tìm sách cũ, cũng đã có người dâng lên, nhưng còn thiếu sót nhiều. Nay nhân có việc Bắc tuần, xem rộng địa dư, nghĩ rằng Bắc Thành là đất văn hiến, tất có thể tìm tòi được. Vậy tất cả những văn tự còn sót lại của đời trước hoặc những sách vặt của các tư gia, cho cả đến những sách kín của nước ngoài, phàm là ghi chép sự thực, có thể giúp ích cho đời, thì không câu nệ văn chương quê mùa, lời lẽ kiêng dấu, đều do sở tại chuyển dâng, trẫm sẽ thu xem và hậu thưởng".

Sau đó, nhà vua cũng ban dụ cho Nội các rằng: "Nước Việt ta mở nước bằng văn hiến, các bậc vua hiền đời đời đều có, duy Lê Thánh Tông thì không phải đời nào cũng có. Những phép hay chính tốt chép cả ở trong sử sách, lại còn khi rảnh việc thì lấy văn nghệ làm vui, trước tác rất nhiều, tiếng hay phong nhã vẫn còn văng vẳng bên tai mọi người. Trẫm nhớ đến cổ nhân rất lấy làm kính mến. Tuy đời đã xa, lời nói đã mất, văn chương tuy đã tản mát, nhưng ở trong rừng nho chăm học tất vẫn có người trân trọng giữ gìn. Nay trẫm muốn tìm cho khắc in để lại lâu dài muôn đời bất hủ. Vậy ra lệnh cho quan Lễ bộ, tư hỏi Bắc Thành và các trấn Thanh, Nghệ, Ninh Bình phàm những nhà quan lại sĩ dân, ai còn giữ được những tập thơ văn ngự chế về đời Hồng Đức (1460 - 1497) đều đưa đến cho quan sao chép, thu góp lại để khắc in truyền khắp trong nước, để nêu cái tốt đẹp của tiền nhân, lưu một việc hay trong rừng văn nghệ".

Vua Thiệu Trị cũng nổi tiếng là người hay chữ và chăm đọc sách. Vua từng bảo Đại học sĩ Trương Đăng Quế rằng: "Đọc sách có ích rất nhiều. Trẫm gần đây xem sách Vận phủ, xét trong Tự điển, sách ấy còn thiếu sót nhiều. Nay nhà nước nhàn rỗi, phong nhã rất thịnh, trẫm muốn sai quan khảo cứu so sánh làm thành bộ sách đầy đủ của nước Nam ta, để giúp những người hậu học".

Vua Tự Đức khi đọc sách "Minh sử", thấy truyện ở Tòng Giang dân nịnh hót. Ngụy Trung Hiền dựng đền thờ gọi là đền Đức Hinh. Vua thấy ở điện Biểu Đức trong cung cũng có lầu tên là Đức Hinh, nghĩ đến chuyện nịnh hót đời xưa, không yên lòng, cho nên sai đổi lại tên lầu ấy thành lầu Minh Đức, cho làm biển mới treo lên, còn cái biển cũ đem đốt đi.

Noi gương vua Minh Mạng, các vua về sau của triều Nguyễn cũng đều chăm chỉ đọc sách, từ khi còn là hoàng tử cho cả đến khi lên ngôi. Vua cuối cùng của nhà Nguyễn – Bảo Đại – dù được hưởng nền giáo dục tại Pháp, nhưng khi về nước bắt đầu chấp chính năm 1932, đã cảm thấy bản thân mình không có hiểu biết gì về quá khứ của tổ tiên và tính cách của từng vị thế nào.

Ông viết trong cuốn hồi ký của mình rằng: "Vì vậy, tôi ra lệnh cho bộ Học đệ trình cuốn Sử của hoàng triều và bắt đầu đọc trong nhiều ngày liên tiếp".

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số chào mừng Ngày sách Việt Nam 21/4/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vua Việt đọc sách như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO