Xây dựng Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN mang lại lợi ích cho người dân
Để góp phần củng cố Cộng đồng ASEAN thúc đẩy kết nối hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh yêu cầu các đơn vị trong ngành cần hướng dẫn, khuyến khích địa phương thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ về hội nhập.
Ngày 14/11, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá-Xã hội ASEAN đến năm 2025 (theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ, gọi tắt là Đề án 161) giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị cho đánh giá cuối kỳ.
Hội nghị có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, các bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN tại Việt Nam cùng đại diện Ban Thư ký ASEAN.
Hội nghị được tổ chức hằng năm nhằm cập nhật tình hình thực hiện Đề án 161 của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời trao đổi và tìm hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ASEAN và chuẩn bị cho đánh giá việc hoàn thành Đề án.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh hoan nghênh sự nỗ lực và linh hoạt của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai hầu hết các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025 thông qua việc cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó nêu rõ trách nhiệm cho các đơn vị liên quan đối với các bộ, ngành và các sở, ban, ngành; UBND các cấp quận, huyện đối với các tỉnh, thành phố, thậm chí cả trong hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội. Không chỉ ban hành riêng kế hoạch hành động thực hiện đề án, các bộ, ngành, địa phương còn chủ động lồng ghép các mục tiêu liên quan vào các kế hoạch công tác đối ngoại, tuyên truyền, các chương trình hành động cụ thể, từ đó thúc đẩy thực hiện 5 nội dung hoạt động của Đề án.
Điểm nổi bật là Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động về tuyên truyền, quảng bá ASEAN; Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án triển khai "Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025”. Đây là các chương trình, đề án bổ trợ và đóng góp tích cực cho việc triển khai Đề án 161.
Không chỉ ban hành riêng Kế hoạch hành động thực hiện Đề án 161, các bộ, ngành, địa phương còn chủ động lồng ghép các mục tiêu liên quan vào các kế hoạch công tác đối ngoại, tuyên truyền, các chương trình hành động cụ thể, từ đó thúc đẩy thực hiện 5 nội dung hoạt động của Đề án.
Để tiếp tục hoàn thành Đề án 161, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khuyến khích các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy, vận động hơn nữa các nguồn lực khác nhau như nguồn xã hội hóa, nguồn tài trợ từ các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho việc triển khai các hoạt động của Đề án, nhất là các hoạt động hướng đến xây dựng cộng đồng hòa nhập, bền vững và tự lực tự cường.
Trong số đó, tập trung triển khai 5 nội dung hoạt động của Đề án gồm: Các hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân; xây dựng cộng đồng hòa nhập; xây dựng cộng đồng bền vững; xây dựng cộng đồng tự lực tự cường; xây dựng cộng đồng năng động.
Theo Bà Jennifer Santos, cán bộ Phòng Giám sát Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN cho biết Ban Thư ký ASEAN đã thông tin về tiến độ triển khai kế hoạch công tác của các cơ quan chuyên ngành.
Bà nhấn mạnh mục tiêu đánh giá cuối kỳ của bản kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN 2025 hướng đến thúc đẩy và tăng cường hợp tác, hội nhập văn hóa, xã hội trong ASEAN. Xây dựng một Cộng đồng văn hóa-xã hội mang lại lợi ích cho người dân ASEAN. Đồng thời, thúc đẩy tính bao trùm, khả năng chống chịu, bền vững và năng động.
Theo bà Jennifer Santos, ASEAN đang dần phục hồi từ các biến động đa chiều, song vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, quan ngại về biến đổi khí hậu, thiên tai, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống.
Để củng cố Cộng đồng ASEAN và giải quyết các thách thức hiện tại, các quốc gia cần tăng cường kết nối, khả năng chống chịu. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác giữa các trụ cột của mình, thúc đẩy kết nối hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường hội nhập kinh tế và giao lưu nhân dân; củng cố quan hệ với các đối tác bên ngoài, đồng thời duy trì vai trò trung tâm và sự liên quan của ASEAN.
Dịp này, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ tình hình thực hiện Đề án 161, các chương trình, hoạt động ưu tiên trong năm 2024. Những khó khăn, thách thức về nguồn lực, cơ chế phối hợp ở cấp địa phương và giữa địa phương với các bộ, ngành, vai trò dẫn dắt, kết nối địa phương với các phong trào.
Để chuẩn bị cho đánh giá cuối kỳ và xây dựng Đề án, kế hoạch sau năm 2025, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, thường xuyên trao đổi để kịp thời triển khai các sáng kiến, hoạt động chuyên ngành ở cấp khu vực mà Việt Nam có lợi ích. Chú trọng việc hướng dẫn, khuyến khích các địa phương thúc đẩy hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ về hội nhập nói chung và ASEAN nói riêng.
Hội nghị cũng ghi nhận, trong ASEAN hiện nay, song song với việc khởi động đánh giá cuối kỳ Kế hoạch tổng thể, các nước đang cùng nhau xây dựng một bản Kế hoạch Chiến lược của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN sau năm 2025. Do đó, ở cấp quốc gia, cần tính đến việc tiếp tục xây dựng kế hoạch hoặc đề án triển khai trên toàn quốc để tiếp nối Đề án 161 theo Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030.
Cuối cùng, hội nghị đề xuất cơ quan chủ trì cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu về phương án bố trí nguồn lực, vật lực cho việc xây dựng cũng như triển khai các hoạt động của ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN nói riêng trong thời gian tới.
Mục tiêu của Đề án 161
1. Mục tiêu chung
Thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025 nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đến cuối năm 2016, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch hành động triển khai nội dung của Đề án.
- Nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người dân về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.
- Huy động nguồn lực để bảo đảm thực hiện một cách hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và mang lại lợi ích, hòa nhập, bền vững, tự lực tự cường và năng động.