Không áp đặt, cào bằng
Trung Quốc là một trong những quốc gia tiên phong trong chiến lược xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt. Để thực hiện chiến lược này, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt chính sách khác như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái không tiền mặt; và bảo vệ quyền tự do trong lựa chọn phương thức thanh toán của người dân.
Theo đó, việc khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và hướng tới xã hội không dùng tiền mặt theo quan điểm của Trung Quốc không đồng nghĩa với việc lập tức triệt tiêu tiền mặt trong xã hội, nhưng cũng không phải là động thái quay đầu ủng hộ thanh toán tiền mặt. Nói cách khác, “xã hội không dùng tiền mặt” không phải là chống lại tiền mặt, pháp luật và các chính sách của Trung Quốc từ trước đến nay đều hướng đến bảo vệ quyền lựa chọn phương thức thanh toán của người dân.
“Xã hội không dùng tiền mặt” không phải là chống lại tiền mặt, pháp luật và các chính sách của Trung Quốc từ trước đến nay đều hướng đến bảo vệ quyền lựa chọn phương thức thanh toán của người dân".
Tất cả các tổ chức phải tôn trọng quyền lựa chọn phương thức thanh toán của công chúng và cung cấp cho công chúng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt hợp pháp và an toàn trên cơ sở vẫn đảm bảo sự thông suốt của các kênh nhận và thanh toán tiền mặt.
Ở hướng ngược lại, công chúng được tự do trong lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp, thể hiện một sự khuyến khích mang tính bền vững, chứ không cào bằng và áp đặt.
Vào năm 2018, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã ban hành công văn chỉ đạo về việc xử lý hành vi từ chối tiền mặt, trong đó nêu rõ rằng nhân dân tệ là đồng tiền hợp pháp của Trung Quốc. Ngoại trừ các trường hợp pháp luật quốc gia yêu cầu thực hiện thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (ví dụ như giao dịch có giá trị lớn, giao dịch trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp...), không đơn vị và cá nhân nào được phép thông báo “không dùng tiền mặt”, “từ chối tiền mặt”, “xử lý sau”... hoặc lấy các lý do khác để từ chối thanh toán bằng tiền mặt.
Tháng 12-2020, PBoC tiếp tục ban hành Thông báo số 18 về việc (không được) từ chối tiền mặt, trong đó bốn nguyên tắc cơ bản mà PBoC đặt ra bao gồm: (i) Bảo vệ địa vị pháp lý của đồng nhân dân tệ, (ii) Khuyến khích phát triển hài hòa các phương thức thanh toán, (iii) Tôn trọng quyền lựa chọn độc lập của công chúng và (iv) Thanh toán bằng tiền mặt sẽ không bị loại trừ và phân biệt đối xử(2). Triển khai quy định nói trên, trong quí 4-2020, PBoC đã tiến hành xử phạt hành chính đối với 16 đơn vị từ chối nhận tiền mặt và những người có liên quan chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, với mức phạt từ 500-500.000 nhân dân tệ (tương đương 1,7 triệu đồng đến 1,7 tỉ đồng)(3). Các đơn vị bị phạt chủ yếu bao gồm đơn vị quản lý các danh lam thắng cảnh, công viên, bãi đậu xe, cơ quan dịch vụ công cộng, cơ sở dịch vụ y tế, công ty bảo hiểm(4).
Bảo đảm an toàn trong thanh toán
Theo “Báo cáo khảo sát người dùng thanh toán di động năm 2019” của Hiệp hội Thanh toán Trung Quốc (Payment and Clearing Association of China - PCAC), mối lo lớn nhất của người dùng thanh toán di động là rủi ro bảo mật, chiếm tỷ lệ 65%. Các vấn đề bảo mật mà người dùng gặp phải nhiều nhất vẫn là rò rỉ thông tin cá nhân, tài khoản bị đánh cắp, bị quét mã vạch giả mạo. Số lượng thông tin cá nhân bị lộ chiếm 80,3%, liên quan trực tiếp đến các hình thức thanh toán không cần mật khẩu hoặc khấu trừ tự động, thiết bị bị mất, bị đánh cắp tài khoản(5).
Do đó, Trung Quốc đã và đang tiến hành xây dựng khung pháp lý cũng như triển khai hàng loạt biện pháp quản lý hành chính để đảm bảo an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt. Năm 2017, Luật An ninh mạng được ban hành, được xem là đạo luật cơ bản về không gian mạng, đồng thời tăng cường nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ người dùng của các nhà khai thác mạng. Ở cấp độ cụ thể hơn, các văn bản quy định chi tiết cũng đang được xây dựng.
Bên cạnh đó, ngày 3-7-2020, Trung Quốc đã đưa ra lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu, trong đó nêu rõ các nội dung về: (i) Thiết lập các hệ thống cơ bản khác nhau để quản lý bảo mật dữ liệu như quản lý phân loại và phân loại dữ liệu, đánh giá rủi ro, phát hiện và cảnh báo sớm, và ứng phó khẩn cấp; (ii) Làm rõ nghĩa vụ bảo vệ an toàn dữ liệu của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dữ liệu và thực hiện trách nhiệm bảo vệ an toàn dữ liệu; (ii) Tuân thủ cả bảo mật và phát triển dữ liệu, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy bảo mật và phát triển dữ liệu; (iv) Thiết lập các hệ thống và biện pháp để đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu chính phủ và thúc đẩy tính mở của dữ liệu chính phủ(6).
Từ năm 2017, dự thảo Luật Bảo vệ thông tin cá nhân đã bắt đầu được xây dựng và vừa được công bố để lấy ý kiến các bên liên quan vào tháng 10-2020. Dự luật này được soạn thảo dựa trên bốn cơ sở: (i) Luật An ninh mạng năm 2017; (ii) Chuẩn mực an toàn thông tin mạng có hiệu lực từ tháng 5-2018; (iii) Chuẩn mực an toàn thông tin tài chính cá nhân trên mạng và; (iv) Chuẩn mực an toàn thông tin cá nhân. Dự thảo luật này được Deloitte đánh giá là tương đối giống với Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu. Tổ chức này cũng đánh giá sự ra đời của dự luật này sẽ kết thúc thời kỳ khai thác dữ liệu cá nhân công khai và ồ ạt của Trung Quốc, đưa việc bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng vào một kỷ nguyên mới, an toàn và đảm bảo hơn(7).
Ở cấp độ quản lý hành chính, các cơ quan phụ trách về bảo vệ thông tin cá nhân, an toàn thông tin mạng của Trung Quốc cũng thường xuyên theo dõi, ban hành các hướng dẫn cụ thể về bảo mật thông tin khách hàng, giám sát, kiểm tra và chuẩn hóa các hoạt động, đồng thời xử lý vi phạm. Năm 2019, 683 ứng dụng thu thập thông tin cá nhân trái pháp luật đã bị điều tra và bị xử lý theo quy định.
Từ năm 2015, PBoC đã ban hành Thông báo số 43 về việc ban hành “Biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh thanh toán điện tử của tổ chức thanh toán phi ngân hàng”, sửa đổi, bổ sung năm 2020, trong đó yêu cầu các tổ chức thanh toán điện tử phải có nghĩa vụ quản lý rủi ro và bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Các tổ chức thanh toán điện tử phải xây dựng cơ chế phân loại khách hàng, hệ thống phòng ngừa rủi ro giao dịch và hệ thống giám sát giao dịch, thiết lập và cải tiến hệ thống dự phòng rủi ro và hệ thống bù đắp giao dịch. Ngoài ra, phải thông báo công khai sự kiện rủi ro xảy ra trong năm trước, rủi ro xảy ra với khách hàng và việc chi trả bồi thường trên trang thông tin điện tử trước ngày 31-1 hàng năm (8).
Nhìn từ thực tiễn của Trung Quốc cũng như nhiều nước có những thành tựu bước đầu trong việc xây dựng xã hội không dùng tiền mặt, có thể thấy việc áp đặt nghĩa vụ cho người dân dường như chưa có tiền lệ và không phù hợp. Mặc dù phương thức thanh toán không dùng tiền mặt có rất nhiều điểm ưu việt nhưng cũng tồn tại không ít rủi ro.
Thay vì đốt cháy giai đoạn, bắt buộc người dân phải sử dụng thì nhà nước nên bảo đảm quyền được tự do lựa chọn phương thức thanh toán của người dân và tiến hành đồng thời với các biện pháp khuyến khích, thu hút người dân bằng việc hoàn thiện hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt, cải thiện tính ưu việt cũng như thiết lập cơ chế đủ mạnh để đảm bảo an toàn trong thanh toán.
Tài liệu tham khảo:
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(1) https://plo.vn/kinh-te/tat-ca-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-doanh-nghiep-co-the-se-gap-kho-990803.html
(2) http://www.gov.cn/zhengce/zhengceku/2020-12/15/content_5569662.htm
(3) http://www.nbd.com.cn/articles/2021-01-21/1605576.html
(4) http://www.gov.cn/xinwen/2021-01/21/content_5581702.htm
(5) http://www.cac.gov.cn/2020-01/14/c_1580542098168622.htm
(6) http://epaper.oeeee.com/epaper/A/html/2020-06/28/content_17828.htm
(7) https://www2.deloitte.com/cn/zh/pages/risk/articles/china-draft-personal-data-protection-law.html
(8) http://lawinfochina.com/display.aspx?id=21209&lib=law và http://www.lawinfochina.com/Display.aspx?lib=law&Cgid=134238