Xử lý thông tin trên mạng xã hội: Các nhà báo trẻ cần thận trọng

TH| 13/06/2018 16:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Sáng 13/6, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Truyền thông trên mạng xã hội”, nhằm trao đổi, chia sẻ và cung cấp kiến thức xử lý thông tin trên mạng xã hội cho các cán bộ đoàn viên, thanh niên và các nhà báo trẻ.

Tới dự buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy  viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi Hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam; ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lượcTthông tin và Truyền thông; ông Trần Hữu, Ủy viên Ban Thường Vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương.

Sự phát triển của mạng xã hội chỉ bùng nổ trong những thập kỷ gần đây nhưng có thể khẳng định mạng xã hội hiện là mô hình mới nhất, đơn giản hóa các phương thức kết nối, tương tác giữa con người. Mạng xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục là một công cụ làm việc, ứng dụng giải trí và nguồn thông tin quan trọng trong cuộc sống của con người.

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã đưa báo chí chính thống vào cuộc cạnh tranh thông tin, đưa thông tin nhanh. Với nguồn thông tin đa dạng, mạng xã hội đã trở thành nguồn cung cấp thông tin cho báo chí, tuy nhiên mặt tiêu cực và hệ lụy của mạng xã hội đó chính là nơi phát tán những thông tin không chính xác, sai sự thật, thông tin vô bổ, thiếu kiểm chứng, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc mang tính chống đối của các thế lực thù địch. Điều đáng lo là trước sức ép cạnh tranh về tốc độ đưa tin, nhiều cơ quan báo và nhà báo đang bị cuốn hút vào cuộc đua này. Hiện tượng quay, cắt dán, phát tán thông tin xấu đã xảy ra với nhiều diễn biến đáng lo ngại. Nguyên nhân của tình trạng này là trình độ, năng lực của các nhà báo không theo kịp mặt bằng kiến thức xã hội, sự dễ dãi trong việc khai thác các nguồn tin từ mạng xã hội, quá trình tác nghiệp cẩu thả, hời hợt. Sự phát triển của truyền thông mạng xã hội cũng đặt ra vấn đề cho các tổ chức đoàn cần thường xuyên, kịp thời nắm bắt tâm tư, tư tưởng, tâm lý của giới trẻ, định hướng giáo dục bản lĩnh chính trị, tạo sức đề kháng cho đoàn viên, thanh niên trước những thông tin xấu trên mạng xã hội.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Hữu, Ủy viên Ban Thường Vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan trung ương, cho biết: “Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương luôn chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ đảng viên trẻ, đoàn viên thanh niên; triển khai các giải pháp phòng, chống thông tin xấu, độc tác động đến tư tưởng của đoàn viên, đồng thời nâng cao năng lực, nhận thức, ứng xử khi tham gia mạng xã hội của đoàn viên, thanh niên,…”.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn, khuyết điểm cần được nhìn nhận như: việc dự báo và nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng thanh niên có một số thời điểm chưa kịp thời; việc chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm cực đoan, lệch lạc, sai trái trên mạng xã hội của đoàn viên, thanh niên còn hạn chế; việc phát huy tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính chiến đấu của đội ngũ nhà báo trẻ trong khối đôi khi chưa đạt hiệu quả mong muốn...

Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi Hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ thực trạng, ảnh hưởng của truyền thông mạng xã hội đến môi trường báo chí Việt Nam. Trong bài tham luận về cuộc chiến chống lại tin giả (fake news) và trách nhiệm xã hội của báo chí, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi Hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam khẳng định: “Thực tế, báo chí cũng mắc bẫy tin giả, không chỉ Việt Nam mà nhiều báo lớn của nước ngoài cũng vậy. Đó là chưa kể nhiều nhà báo vô tình chia sẻ các tin giả hoặc tin không rõ nguồn gốc,  góp phần phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc thậm chí sai lệch đó”. Tệ hại hơn là tình trạng giả mạo các cơ quan báo chí chính thống bằng các website có tên miền gần giống hoặc các fanpage, các tài khoản mạng xã hội. Theo ông Minh, trang điện tử vnanet.vn của Thông tấn Xã Việt Nam với 4 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã bị một trang khác bê nguyên xi toàn bộ tin bằng 4 ngôn ngữ mỗi ngày lên trang với thiết kế giống hệt. Hay mới nhất là vụ việc một bài báo được lan truyền trên mạng nói về việc Google và Facebook có thể rút khỏi Việt Nam được gắn logo đặc trưng của VietnamPlus. Sự tràn lan của tin giả trên toàn cầu cho thấy báo chí cần phải kết nối với độc giả, khán giả một cách hiệu quả hơn. Các tòa soạn phải đầu tư nhiều hơn vào nội dung chất lượng cao, cần có những hành động để đối phó với những nội dung kích động thù hận, phân biệt chủng tộc, thông tin bóp méo sự thật gây phương hại cho các cá nhân, tổ chức, quốc gia.

Một nội dung khác cũng được quan tâm đó là bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đây là những chuẩn mực về đạo đức, ứng xử để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng. Theo ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, hiện có 3 vấn đề cần làm rõ đó là: Sự cần thiết phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là gì và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất những nội dung chính nhất của bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại nhiều quốc gia, kể cả ở cấp nhà nước hay ở phạm vi nội bộ trong một tổ chức thì việc ban hành một Bộ quy tắc ứng xử trên mạng là rất cần thiết. Theo ông Vũ, nội dung chính của Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mà Viện Chiến lược đang được Bộ Thông tin và Truyền thông giao chủ trì xây dựng có thể được nói tóm gọn bằng 4 từ khóa “trọng - trách - an - lành” (tôn trọng - trách nhiệm – an toàn - lành mạnh).

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Trên cơ sở nội dung các bài tham luận, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, làm rõ các giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực xã hội của đoàn viên, thanh niên trên mạng xã hội; tăng cường sức chiến đấu của tổ chức đoàn, sức đề kháng của mỗi đoàn viên, thanh niên trước các thông tin, quan điểm cực đoan, lệch lạc, sai trái trên mạng xã hội; đồng thời đề xuất với các cơ quan chức năng hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng... Thông qua đó,, buổi Tọa đàm đã góp phần nâng cao nhận thức về truyền thông xã hội cho các cán bộ đoàn viên, thanh niên, nhà báo trẻ cũng như vai trò và trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức đoàn thanh niên vững mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xử lý thông tin trên mạng xã hội: Các nhà báo trẻ cần thận trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO