Đời sống xã hội

Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng vượt bậc

Hồng Nhung 13/11/2024 14:53

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước với tốc độ tăng cao hơn rất nhiều so với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI). Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng, là điểm sáng trong hoạt động xuất, nhập khẩu của nước ta.

Mặc dù năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn; Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần.

Trong bối cảnh đó, với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả tích cực, duy trì mức tăng cao và là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong 10 tháng năm 2024.

anh-14.11.jpg

Theo báo cáo, nếu như trong quý 1 năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 154,2 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu đồng loạt giảm lần lượt 11,6% và 15,4%, thì ngay trong quý 1 của năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9%. Kết thúc quý 1 năm 2024 hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý 2 năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý 1 năm 2024; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,7% so với quý 1 năm 2024.

Quý 3 năm 2024 tiếp tục nối tiếp đà tăng trưởng tốt của nửa đầu năm với kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,6% so với quý 2 năm 2024; kim ngạch nhập khẩu sơ bộ đạt 99,74 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,1% so với quý 2 năm 2024. Trong cả 3 quý đầu của năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa giữ vững thế xuất siêu.

Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Nhìn lại tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023 chỉ đạt 559,3 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 292 tỷ USD, giảm 6,8%; nhập khẩu đạt 267,3 tỷ USD, giảm 14,8% cho thấy trong 10 tháng qua sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường đã phục hồi đáng kể. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng đầu năm không chỉ giữ vững đà xuất siêu mà còn chinh phục con số kỷ lục 23,31 tỷ USD.

Tín hiệu đáng mừng là tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước có xu hướng tăng trở lại sau, thể hiện các doanh nghiệp trong nước đã hồi phục sức khỏe sau đại dịch Covid-19 và dần chiếm lĩnh thị trường, khẳng định tiềm lực quốc gia sau một thời gian suy giảm và phụ thuộc vào khu vực FDI. Các chuyên gia đánh giá, động lực chủ yếu là sự phục hồi nhu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu và các doanh nghiệp trong nước gia tăng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất các mặt hàng chủ lực.

Nếu như năm 2015, kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước chiếm 35,4% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước thì đến năm 2017 tỷ trọng này giảm xuống 34%; năm 2018 chiếm 34,3% và năm 2019 chiếm 35,4%. Trong 2 năm 2021-2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 30,4% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước. Sang đến năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, tỷ trọng chiếm 31,3%. Trong 10 tháng năm 2024, tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng lên 32%.

Trong 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 207,55 tỷ USD, tăng mạnh 19,6% (tương ứng tăng 34,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực FDI chỉ tăng 14,1% và đạt 440,32 tỷ USD. Với tốc độ tăng như hiện nay thì đến hết năm 2024, tỷ trọng này sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước với tốc độ tăng cao hơn rất nhiều so với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là tín hiệu đáng mừng, là điểm sáng trong hoạt động xuất, nhập khẩu của nước ta khi các doanh nghiệp trong nước đang dần vươn lên chiếm lĩnh thị trường, khẳng định tiềm lực quốc gia. Tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng dần sau một thời gian khá dài suy giảm và phụ thuộc vào khu vực FDI. Tính riêng hoạt động xuất khẩu, tính chung 10 tháng năm 2024, khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch đạt 93,97 tỷ USD, chiếm 28,0% trong tổng 335,59 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 20,7% so cùng kỳ năm trước. Mức tăng này của khu vực kinh tế trong nước cao hơn mức tăng 12,8% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD.

Tương tự cùng kỳ năm 2023, trong 10 tháng năm nay, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, có kim ngạch đạt 98,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (đạt kim ngạch 78,6 tỷ USD). Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 117,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, cao hơn con số 89,8 tỷ USD của 10 tháng năm 2023./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng vượt bậc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO