Chỉ có 1,86% doanh nghiệp tìm hiểu kỹ về CPTPP, EVFTA

Lan Phương| 30/06/2020 20:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Còn quá ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam tìm hiểu kỹ Hiệp định CPTPP, EVFTA để tận dụng lợi thế từ các Hiệp định này.

Chỉ có 1,86% doanh nghiệp tìm hiểu kỹ về CPTPP, EVFTA - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì Hội nghị

Chia sẻ với các nhà báo chuyên về mảng hội nhập tại Hội nghị do Bộ TT&TT tổ chức ngày 30/6, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đa biên, Bộ Công thương cho biết: Các DN Việt Nam ít nhiều đã có sự quan tâm, tìm hiểu về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tuy nhiên, mới chỉ lưu tâm đến những vấn đề ngắn hạn, trong đó số lượng DN tìm hiểu kỹ về Hiệp định còn thấp.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 86% DN đã biết hoặc tìm hiểu về CPTPP. Tuy nhiên, chỉ 1,86% DN tìm hiểu tương đối kỹ về Hiệp định, điều này có ảnh hưởng lớn đến việc tận dụng cơ hội của CPTPP từ phía các DN.

Theo bà Mai, Việt Nam tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đã có hiệu lực. Việt Nam đã chủ động hơn trong việc tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định ngoài khuôn khổ của thành viên ASEAN như trước đây. Mức độ cam kết trong các hiệp định cũng ngày càng sâu rộng.

Với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao nhất trong số các FTA trước đây của Việt Nam, Hiệp định CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Thông tin về đánh giá 1 năm thực hiện CPTPP, bà Mai cho biết xuất nhập khẩu năm 2019 tăng 3,9% so với năm 2018. Cụ thể, xuất khẩu đạt 39,5 tỷ USD (tăng 7,2%), nhập khẩu đạt 37,9 tỷ USD (tăng 0,7%), xuất siêu 1,6 tỷ USD (năm 2018 nhập siêu 0,9 tỷ USD. Việt Nam đã thu hút thêm 5,9 tỷ USD FDI từ các nước thành viên CPTPP (chiếm 15,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2019). 

Chỉ có 1,86% doanh nghiệp tìm hiểu kỹ về CPTPP, EVFTA - Ảnh 2.

Kim ngạch xuất nhập khẩu với các nước CPTPP trong năm 2019 (Đơn vị: triệu USD) (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Trong khi đó, Hiệp định EVFTA vừa được Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua vào ngày 8/6/2020. Dự kiến ngày 1/8/2020, Hiệp định bắt đầu có hiệu lực.

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Những cam kết chính của Hiệp định bao gồm:

Thương mại hàng hoá: EU sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm.

Dịch vụ: Mức mở cửa về cơ bản như CPTPP, khác biệt ở dịch vụ ngân hàng, vận tải biển.

Mua sắm chính phủ: EVFTA có điểm cao hơn CPTPP một chút. Trong CPTPP, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa mua sắm chính phủ cho 21 Bộ ngành Trung ương, không cam kết cho các cơ quan địa phương và các tập đoàn. Trong khi đó, Hiệp định EVFTA lại mở cửa mua sắm chính phủ cho 2 địa phương là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Lao động: Tuân thủ nghĩa vụ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) nhưng không áp dụng chế tài.

Môi trường: Tương tự như CPTPP, tuân thủ các cam kết trong Hiệp định đa phương liên quan đến môi trường.

Sở hữu trí tuệ: Hiệp định cơ bản như CPTPP nhưng có cam kết thêm về chỉ dẫn địa lý (GI). Hiện nay, Việt Nam cam kết công nhận 169 chỉ dẫn địa lý của EU và ngược lại, EU đã công nhận và bảo hộ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (chủ yếu là nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột...)

Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp

Theo Dự báo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hiệp định giúp GDP tăng từ 2,18 – 3,25% cho 5 năm đầu tiên, 4,57 - 5,30% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07 - 7,72% cho giai đoạn 5 năm sau đó. Xuất khẩu được dự báo tăng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Theo bà Mai, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu. Theo đó, Hiệp định sẽ là cơ hội để Việt Nam đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Việc tham gia CPTPP, EVFTA giúp Việt Nam tạo ra các chuỗi cung ứng mới. Hiện nay, các hãng Samsung, Microsoft, Intel LG, đang đầu tư rất mạnh vào Việt Nam với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành các cơ sở sản xuất các mặt hàng gia dụng công nghệ mới. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xu hướng này mạnh mẽ hơn, đồng thời là cú huých tăng năng suất lao động, giảm sản xuất các mặt hàng gia công có giá trị thấp, chuyển sang sản xuất các mặt hàng giá trị cao như phát triển các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao, nông nghiệp xanh sạch.

Ngoài ra, tham gia các Hiệp định cũng giúp Việt Nam thu hút thêm FDI, nâng cao năng lực cạnh tranh với DN nước ngoài khi phải đổi mới công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh để có thể đáp ứng thách thức của Hiệp định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chỉ có 1,86% doanh nghiệp tìm hiểu kỹ về CPTPP, EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO