Chính phủ chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số

Minh Thiện| 17/09/2020 16:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ số là trụ cột trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết Chính phủ số với kinh tế số, xã hội số.

Tầm nhìn về Chính phủ số

Tại Báo cáo Chính phủ điện tử (CPĐT) của Liên Hợp Quốc năm 2020, lần đầu tiên Liên Hợp Quốc sử dụng thuật ngữ "Chính phủ số" trong báo cáo xếp hạng CPĐT của 193 quốc gia thành viên. Điều này phản ánh xu thế dịch chuyển của các quốc gia trên thế giới từ CPĐT sang Chính phủ số.

Chính phủ số không phải là một khái niệm thay thế CPĐT, cũng không phải là một khái niệm tách rời không liên quan đến CPĐT. Chính phủ số bao hàm CPĐT, nhưng thể hiện một sự thay đổi về mặt nhận thức, một mức độ trưởng thành lớn hơn, phát triển cao hơn so với CPĐT.

Chính phủ chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số - Ảnh 1.

Tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về CPĐT với các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" trong quý III năm 2020.

Xây dựng CPĐT góp phần tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số giai đoạn tiếp theo. Tại Việt Nam, các nỗ lực triển khai xây dựng CPĐT của nước ta trong thời gian qua đã được quốc tế ghi nhận tích cực. Việt Nam tăng hạng 13 bậc từ năm 2016 theo Báo cáo xếp hạng CPĐT của Liên Hợp Quốc, năm 2020 Việt Nam tăng hạng 02 bậc, xếp thứ 86/193 quốc gia, trong khu vực châu Á xếp thứ 23/47, trong khu vực ASEAN xếp thứ 6/11 quốc gia.

Đối với cung cấp DVC trực tuyến trong nước, tính đến tháng 9/2020, toàn quốc có 19,10% DVC trực tuyến mức độ 4 (mục tiêu Chính phủ đặt ra năm 2020 tối thiểu 30%), trong đó, 09 bộ, ngành trung ương và 15 tỉnh, thành phố đã cung cấp trên 30% DVC trực tuyến mức độ 4. Để đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra, Bộ TT&TT đang nỗ lực, đổi mới cách làm, đổi mới mô hình triển khai làm sao để làm nhanh cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4.

Tại Hội thảo Quốc gia về CPĐT năm 2020 với chủ đề "Phát triển CPĐT thúc đẩy cung cấp DVC trực tuyến hướng đến Chính phủ số - Mô hình và Giải pháp" diễn ra ngày 17/9/2020 tại TP. Hồ Chí Minh, các diễn giả tham dự đều cho rằng: Chính phủ số là chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp (DN) cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Đây là quá trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Chính phủ chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số - Ảnh 2.

Dịch chuyển CPĐT sang Chính phủ số là quá trình chuyển đổi tư duy quản lý, cung cấp dịch vụ từ cung cấp những gì cơ quan nhà nước có sang cung cấp dựa trên nhu cầu của người dân và DN. CPĐT đo lường bằng số lượng DVC trực tuyến, Chính phủ số đo lường bởi số thủ tục được cắt giảm, số dịch vụ mới tăng lên và số bộ dữ liệu mở được cơ quan nhà nước cung cấp.

Chia sẻ kinh nghiệm đẩy nhanh chuyển đổi số của Chính phủ

Sự kiện Hội thảo Quốc gia về CPĐT năm nay được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN đang nỗ lực, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số xây dựng CPĐT, phát triển Chính phủ số và chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực. Sự kiện được quan tâm, tham gia của hàng trăm chuyên gia, lãnh đạo cấp cao đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội cùng lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.

Tại Hội thảo, Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT đã có bài tham luận chia sẻ về định hướng và lộ trình phát triển Chính phủ số giai đoạn 5 năm tới, kinh nghiệm làm sao cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 nhanh dựa trên các nền tảng và đổi mới cách làm. Kinh nghiệm này đúc kết từ thực tiễn của Bộ TT&TT, Bộ Y tế (02 cơ quan cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 4).

Chính phủ chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số - Ảnh 3.

Để định hướng phát triển Chính phủ số của quốc gia, thời gian qua Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số chủ trương, định hướng phát triển như tại Nghị quyết 52-NQ/CP ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số.

Cụ thể hóa các chủ trương trên, hiện nay, Bộ TT&TT đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Nhằm chuyển đổi số xây dựng Chính phủ số thời gian tới được đồng bộ, hiệu quả, trong thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Khung kiến trúc CPĐT, phiên bản 2.0 nền tảng cho xây dựng Kiến trúc tổng thể quốc gia, đồng thời hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kiến trúc tại các bộ, ngành, địa phương.

Tham gia sự kiện, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố có điều kiện chia sẻ định hướng, kinh nghiệm và lộ trình phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số ngành, lĩnh vực. Tại Hội thảo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã nghe các chuyên gia trong nước, quốc tế tư vấn, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp làm sao phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số hiệu quả và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu Chính phủ đề ra.

Chính phủ chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số - Ảnh 4.

Đại diện lãnh đạo các Hội, hiệp hội ICT, các DN viễn thông và CNTT cùng đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số

Các chuyên gia phát triển CPĐT, chính phủ số có điều kiện cập nhật các công nghệ mới nhất, quy trình và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ tại các quốc gia tiên tiến. Các DN công nghệ ngoài việc có điều kiện tìm hiểu lộ trình, định hướng phát triển Chính phủ số thời gian tới còn có cơ hội giới thiệu sản phẩm, dịch vụ CNTT mới nhất tiêu biểu nhất.

Chính phủ chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số - Ảnh 5.

Các phiên thảo luận đã tập trung giới thiệu định hướng, lộ trình phát triển Chính phủ số và các giải pháp để thúc đẩy cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 nhanh. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như thách thức trong chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số thời gian tới. Mục tiêu bao trùm phát triển Chính phủ số, là Chính phủ tương tác, minh bạch, sử dụng dữ liệu số để tối ưu hóa hoạt động, chuyển đổi và cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, DN, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia.

Chính phủ số không phải là đích đến cuối cùng, mà là một phương tiện để hiện thực hóa các dịch vụ bền vững và giá thấp của Chính phủ. Chính phủ được thiết kế và vận hành nhằm tận dụng dữ liệu số để tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ của Chính phủ. Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ số là trụ cột trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết Chính phủ số với kinh tế số, xã hội số, giúp Chính phủ có năng lực phục vụ và kiến tạo tới mức độ cá thể hóa theo nhu cầu của người dùng và DN, dựa trên phân tích dữ liệu để đổi mới quản trị hành chính công.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO