Chuyển đổi số Y tế: Vì mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân

Yên Viên| 09/11/2020 16:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế tăng cường ứng dụng các giải pháp số, góp phần thúc đẩy thành công trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia mà mục tiêu cuối cùng vì sức khỏe nhân dân phục vụ.

Lợi ích số vì mục tiêu đánh bại Covid -19

Thế giới luôn ghi nhận, đánh giá cao Việt Nam là một quốc gia an toàn, luôn làm tốt, hiệu quả công tác phòng, chống, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh Covid-19 cả ở ba giai đoạn trước, trong và sau dịch bệnh. Trong năm 2020 này, không chỉ ngành Y tế mà các cấp bộ, ngành, đoàn thể, toàn hệ thống chính trị đã phải gồng mình thực hiện sứ mệnh chống chọi, đánh bại dịch bệnh Covid-19.

Trong điều kiện khó khăn đó, ngành Y tế đã chuyển "nguy" thành "cơ", tận dụng điều này thành cơ hội để chuyển mình, có những bước tiến xa hơn trong hành trình chuyển đổi số.

Có những kết quả đáng ghi nhận đó, ngành Y tế tăng cường đồng bộ hoàn thiện hệ thống kiểm soát các bệnh truyền nhiễm hiệu quả, có cảnh báo sớm về dịch bệnh, tối ưu hóa các nền tảng số giám sát, thực hiện chặt chẽ việc truy tìm, điều trị bệnh thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại của người dùng…

Cụ thể, những ứng dụng số được ngành Y khai thác thực hiện được kể đến như: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (iCNM, Med247, e-Doctor); các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19, ứng dụng khai báo y tế NCOVI; khai báo y tế điện tử, đóng nộp bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), Trang tin và ứng dụng Sức khỏe Việt Nam; Cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành Y tế;…

Đặc biệt, riêng ứng dụng NCOVI là sản phẩm do Bộ Y tế và Bộ TT&TT xây dựng, quản lý, phát huy cao giá trị, giúp người dân chủ động khai báo sức khỏe, cung cấp thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 với cơ quan y tế.

Chuyển đổi số ngành Y tế: Vì mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân - Ảnh 1.

Ứng dụng NCOVI là sản phẩm do Bộ Y tế và Bộ TT&TT xây dựng, quản lý (hoạt động ngày 9/3/2020), giúp người dân theo dõi, hỗ trợ ngành y tế tìm ra những trường hợp nghi nhiễm, chủ động phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Như vậy, sự ra đời của của các nền tảng số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác "chống dịch như chống giặc", ngoài ra còn là giải pháp giúp sàng lọc không tiếp xúc người nhiễm bệnh Covid-19, đồng thời giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh cho người dân. Bệnh viện không cần có sẵn đội ngũ chuyên gia CNTT tại chỗ để vận hành, duy trì.

Ngoài ra, lợi ích nền tảng số còn giúp ngành Y tế triển khai đồng loạt hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu, vì vậy, có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế, giúp nâng cao chuyên môn các bệnh viện.

Đặc biệt, đến nay kết quả Việt Nam đã khống chế, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời là quốc gia tích cực chủ động trong cuộc chiến Covid-19 vì mục tiêu "đánh bại" dịch bệnh này và giải pháp số luôn là một điều ưu tiên hàng đầu mà ngành Y tế lựa chọn.

Bức tranh sáng tổng thể của ngành Y tế đã được nâng tầm trên nền tảng số hóa

Ngày nay, trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của y tế thế giới, Việt Nam đã và đang từng bước xây dựng và hình thành hành lang pháp lý cho việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế.

Trong đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới" và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tăng cường năng lực tiếp cận CMCN lần thứ 4" là những đòn bẩy quan trọng, để ngành y tế nước ta tạo những bước đột phá trong công tác quản lý, khám chữa bệnh cũng như đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền y tế thông minh với ba trụ cột chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Ngay từ năm 2014, Bộ Y tế đã là một trong số những cơ quan đầu tiên thực hiện một dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực An toàn thực phẩm một cách hoàn chỉnh, số hóa tất cả các khâu công việc, từ nộp, bổ sung, xử lý hồ sơ, chuyển kinh phí, trả kết quả đều thực hiện trên môi trường số.

Theo kết quả báo năm 2019, Bộ Y tế đã thực hiện tốt việc số hóa trên nền tảng phần mềm ứng dụng CNTT quản lý và kết nối liên thông các nhà thuốc trên toàn quốc đã được thực hiện. Kết quả tính đến cuối năm 2019, cả nước đã có trên 15.000 nhà thuốc đã được cung cấp phần mềm quản lý, đạt 82,76%, giúp thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược quốc gia đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giá mua vào/bán ra của các loại thuốc tại các cơ sở cung ứng thuốc, giúp quản lý hiệu quả hơn việc kê đơn, bán thuốc.

Cũng trong năm 2019, Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế đã chính thức được khai trương, đồng thời đưa vào vận hành 90 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực: An toàn thực phẩm và dinh dưỡng; dược phẩm; Mỹ phẩm; trang thiết bị và công trình y tế; đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin... đạt khoảng gần 400 hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận một ngày.

Chuyển đổi số ngành Y tế: Vì mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân - Ảnh 2.

Đến dự lễ Công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức 4 của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của Bộ Y tế cùng các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đáng chú ý, trong năm 2020, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã tăng tốc, đột phá, thực hiện mục tiêu kép vừa tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phòng chống dịch Covid-19 lẫn thực hiện chuyển đổi số trong y tế, đã thực hiện được số thủ tục hành chính trên môi trường mạng gấp hơn 2,5 lần so với 5 năm trước đó

Tính từ ngày 01/1/2020 đến 30/6/2020, Bộ Y tế đã thực hiện 321 dịch vụ công trực tuyến, tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là: 33.429 hồ sơ, trong đó: Vụ Trang thiết bị và công trình y tế: 4.919 hồ sơ; Cục An toàn thực phẩm: 8.708 hồ sơ; Cục Quản lý Dược: 18.027 hồ sơ; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: 1.724 hồ sơ; Cục Khoa học công nghệ và đào tạo: 50 hồ sơ; Cục Quản lý môi trường y tế: 1 hồ sơ.

Cũng trong năm 2020, Bộ Y tế là đơn vị tiêu biểu trong việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính và hiện đại hóa hành chính, với kết quả đạt 100% các TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Như vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Y tế chính là việc hướng tới quốc gia số. Đặc biệt trong công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã giao, yêu cầu Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB)

Cũng chính từ những việc làm, kết quả thực tế này, đây là cơ sở, để chúng ta tự tin tạo sự đột phá trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số Y tế: Vì mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO