Covid-19 - Cơ hội cho chính phủ số

Minh An| 15/06/2020 08:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự bùng nổ dịch bệnh COVID-19 trong mấy tháng qua đã ảnh hưởng tới hơn 210 quốc gia, và tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, thói quen sinh hoạt… của mọi người. Cho đến thời điểm tháng 5, chúng ta vẫn chưa tìm ra được vắc– xin để chữa trị loại đại dịch này.

Vì thế câu chuyện về dịch COVID-19 đã trở thành bài toán cần được giải theo từng giai đoạn để giảm thiểu những tác động tiêu cực mà nó gây ra. Một điều có thể nhận thấy từ đại dịch COVID-19, đó chính là việc các quốc gia đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ áp dụng chính phủ số. Và chính phủ số được coi là một trong các biện pháp để giải bài toán COVID-19 trong và cả sau dịch. Vậy những lợi ích từ chính phủ số mang lại là gì?

Chia sẻ thông tin

Đối với mỗi chính phủ, việc cung cấp thông tin chính xác, hữu ích và cập nhật cho mọi người là tối quan trọng, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng. Trong đại dịch COVID-19, các chính phủ bắt đầu cung cấp thông tin trên các cổng thông tin quốc gia, ứng dụng di động hoặc thông qua các nền tảng truyền thông xã hội. Một đánh giá về các cổng thông tin quốc gia của 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cuối tháng 3 chỉ ra 57% (110 quốc gia) đã đưa ra một số loại thông tin về COVID-19, trong khi khoảng 43% (83 quốc gia) đã không cung cấp bất kỳ thông tin nào; nhưng một phân tích sâu hơn cho thấy rằng vào ngày 8/4, khoảng 86% (167 quốc gia) đã cung cấp thông tin và hướng dẫn về COVID-19 trên các cổng thông tin quốc gia của họ.

Covid-19- cơ hội cho chính phủ số  - Ảnh 1.

Tỉ lệ % các quốc gia cung cấp thông tin về dịch COVID-19 qua cổng thông tin điện tử (Nguồn: UN DESA)

Hình thức thông tin cơ bản nhất được tìm thấy trên một số cổng thông tin quốc gia là một số kênh truyền tải thông báo cho mọi người về sự bùng phát của dịch bệnh, những khuyến cáo hạn chế đi lại, hướng dẫn cách bảo vệ và biện pháp của chính phủ. Ở mức cao hơn, có một số quốc gia đã lập những cổng thông tin chuyên dụng hoặc thiết lập những ứng dụng phần mềm dành riêng cho thông tin dịch bệnh. Các chính phủ, với tư cách là người giám sát đầu tiên về dữ liệu liên quan đến COVID-19, cũng đã bắt đầu công bố số liệu thống kê về số lượng ca nhiễm, số ca tử vong liên quan đến dịch COVID-19. Thông tin đáng tin cậy từ các chính phủ giúp mọi người đưa ra quyết định sáng suốt về thói quen hàng ngày của họ, xây dựng niềm tin của công chúng cũng như cho phép các cơ quan công quyền hành động quyết đoán để ngăn chặn sự phát triển lây lan của dịch bệnh.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng đã mang đến những nhu cầu mới cho các dịch vụ của chính phủ số và nhiều nhu cầu hơn đối với các dịch vụ hiện có. Các nhà phát triển ứng dụng cho chính phủ số đã được huy động và tham gia thiết kế các ứng dụng và dịch vụ mới để hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Một số dịch vụ mới này bao gồm việc cung cấp thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác cho những người cần thiết nhất bằng cách tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng thông qua các dịch vụ của chính phủ số. Một số quốc gia ghi nhận sự gia tăng trong việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến như ID kỹ thuật số và chữ ký số, nguyên nhân là do sự tăng đột biến đối với các ứng dụng dành cho những người phải nghỉ việc do dịch bệnh và các lợi ích xã hội khác.

Trong đại dịch COVID-19, cũng đã có một làn sóng tin giả và trò lừa bịp. Người dùng có mục đích xấu hoặc kiến thức không đầy đủ góp phần lan truyền tin tức giả mạo và tạo thêm sự hoảng loạn trong xã hội. Hàng ngàn trang web lừa đảo và phần mềm độc hại đã xuất hiện mỗi ngày, chẳng hạn như bán mặt nạ phẫu thuật giả, bộ dụng cụ tự kiểm tra giả, v.v... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã coi đây là một đại dịch thông tin: "Sự thừa thãi về thông tin, một số thông tin không chính xác khiến mọi người khó tìm được nguồn đáng tin cậy và hướng dẫn đáng tin cậy khi họ cần". Để đối phó với vấn nạn hỗn loạn thông tin này, một số chính phủ đã thành lập các đơn vị xử lý khủng hoảng thông tin kết hợp với những chiến dịch truyền thông để chống lại thông tin sai lệch về COVID-19.

Gắn kết mọi người

Sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp, doanh nhân xã hội và công chúng trong việc quản lý đại dịch COVID-19 đã cho thấy những kết quả khả quan trong công tác phòng chống loại dịch bệnh này. Sự chung tay này cũng chứng minh là có hiệu quả cao đối với các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định. Các sáng kiến tham gia trực tuyến do chính phủ chủ trì có thể giúp mọi người đối phó với khủng hoảng cũng như cải thiện các điều hành của chính phủ. Trong một tình huống khủng hoảng, việc tiếp cận với các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đáp ứng nhu cầu của họ và đảm bảo sự ổn định xã hội. Gắn kết với xã hội dân sự cho phép các chính phủ giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội theo cách hiệu quả hơn mà không để ai bị bỏ lại phía sau.

Một cuộc thi phát triển phần mềm do chính phủ tổ chức cũng là một cách để thu hút mọi người tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho các thách thức kinh tế, xã hội và công nghệ trong thời đại dịch COVID-19. Các nhà lãnh đạo chính phủ cùng với các nhà phát triển phần mềm, xã hội dân sự và doanh nhân xã hội có thể cùng nhau tìm kiếm các giải pháp mới cho các vấn đề phát sinh như: thiếu thuốc men, đồ bảo hộ y tế và trang thiết bị y tế khác, thiếu nhân viên y tế (nhiều bệnh biện đã trang bị robot tự động thay cho nhân viên y tế hay thiết kế máy phát đồ ăn miễn phí tự động), vấn đề tích trữ thực phẩm, hoặc sức khỏe tinh thần của người dân bị tác động tiêu cực do cách ly xã hội. 

Trung Quốc, tâm dịch COVID-19 đầu tiên của thế giới, đã ứng dụng hệ thống QR mã hóa theo màu để theo dõi COVID-19. Hệ thống QR phân loại người dùng theo ba màu: xanh lá cây, đỏ và vàng. Mã màu xanh lá cây biểu thị người dùng không nhiễm virus COVID-19 và có thể tự do di chuyển trong thành phố, trong khi đó những người có mã màu đỏ và vàng cần phải cách ly tại nhà hoặc phải trải qua kiểm dịch, cách ly có giám sát. Trạng thái mã màu của người dùng sẽ được cập nhật mới lại mỗi ngày vào nửa đêm. 

Hệ thống xác định trạng thái của người dùng dựa trên các yếu tố như lịch sử di chuyển, thời gian ở khu vực bùng phát dịch bệnh và mối quan hệ với người có tiềm năng nhiễm virus. Mã màu này có thể được áp dụng bằng cách đăng nhập thông qua nhiều nền tảng di động công cộng. Chính quyền địa phương xác minh thông tin khai báo y tế cá nhân, lịch trình di chuyển qua đường hàng không, đường sắt và các dữ liệu liên quan khác và cấp chứng nhận điện tử về thông tin sức khỏe cá nhân. Tại Hàn Quốc, ngoài việc phỏng vấn, chính phủ còn sử dụng dữ liệu vị trí từ điện thoại di động, hồ sơ giao dịch thẻ tín dụng và camera quan sát để theo dõi và kiểm tra những người gần đây có thể tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Bản đồ chi tiết về lịch trình của người nhiễm bệnh được công bố công khai, khuyến khích mọi người đi xét nghiệm nếu nghĩ rằng mình có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm COVID-19.

Covid-19- cơ hội cho chính phủ số  - Ảnh 2.

Nhiều chính phủ đã tiếp tục sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để kết nối với mọi người. Một số chính phủ cũng đã hợp tác với những quốc gia khác để phổ biến thông tin chính xác về sự bùng phát COVID-19 và để chống lại thông tin sai lệch có hại. Đã có một sự tập trung đặc biệt vào việc gắn kết với thanh thiếu niên và trẻ em, những người rất dễ bị tổn thương trước những tin tức giả mạo và có thể phải chịu "gánh nặng" do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra thông qua những tác động về kinh tế, xã hội và tinh thần từ cha mẹ. Ví dụ, Thủ tướng Na Uy đã tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến với phiên hỏi đáp dành riêng cho trẻ em để giúp giảm bớt nỗi sợ hãi của chúng. Trong đại dịch COVID-19, dữ liệu mở và sự tham gia điện tử có thể giúp xây dựng niềm tin của công chúng vào các biện pháp đối phó với khủng hoảng của chính phủ và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.

Thiết lập quan hệ đối tác nhiều bên

Thường thì các chính phủ không đủ khả năng tài chính và nguồn nhân lực để phát triển nhanh chóng và hiệu quả các công cụ kỹ thuật số hỗ trợ người dân trong tình huống khủng hoảng. Do đó, xây dựng quan hệ đối tác với các công ty công nghệ tư nhân, doanh nhân xã hội hoặc các tổ chức quốc gia và quốc tế khác, có thể là một cách hiệu quả để chính phủ sử dụng các công nghệ hiện có để đáp ứng nhu cầu của người dân và làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng đối với cuộc sống của người dân.

Trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 này, các cơ quan công quyền đã bắt đầu hợp tác với nhiều bên liên quan để cùng hỗ trợ, phối hợp ngăn chặn dịch bệnh. Chẳng hạn, chính phủ Mỹ đã đưa ra lời kêu gọi hành động tới các bên liên quan chính trong ngành và các chuyên gia trí tuệ nhân tạo để phát triển các kỹ thuật khai thác dữ liệu và ngữ cảnh mới có thể giúp cộng đồng khoa học trả lời các câu hỏi ưu tiên cao liên quan đến COVID-19. Nền tảng này có thể giúp tăng tốc nghiên cứu và hỗ trợ hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân bị nhiễm bệnh trên toàn cầu, kể cả ở các nước đang phát triển có nguồn lực hạn chế hơn.

Quan hệ đối tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế cũng rất quan trọng để duy trì các dịch vụ cho truyền thông quan trọng và đảm bảo kết nối tốt hơn. Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã đưa ra một nền tảng để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và các bên liên quan trong ngành để đảm bảo rằng các mạng được giữ ổn định và các dịch vụ viễn thông luôn sẵn sàng để không bị gián đoạn thông tin trong cuộc khủng hoảng COVID-19. 

Ở một số quốc gia, các nhà cung cấp Internet đã cam kết duy trì dung lượng và dịch vụ mạng cho các chức năng quan trọng của chính phủ, đặc biệt là các bệnh viện và các cuộc gọi khẩn cấp, và để cải thiện việc phổ biến thông tin tới công chúng, bao gồm cả thông qua tin nhắn văn bản SMS. Theo cách tương tự, Ủy ban châu Âu cùng với Cơ quan quản lý Truyền thông điện tử châu Âu (BEREC) đã đưa ra một cơ chế báo cáo đặc biệt để giám sát lưu lượng truy cập Internet ở mỗi quốc gia thành viên và đảm bảo kết nối.

Đại dịch COVID-19 cũng đã làm căng thẳng chuỗi cung ứng cho các vật tư y tế. Nhu cầu về thiết bị y tế đã tăng theo cấp số nhân, khiến sự khan hiếm, thiếu hụt trở nên trầm trọng và điều này mang đến những rủi ro lớn cho các nhân viên y tế và người bệnh. Để giải quyết vấn đề này, nhiều công ty tư nhân đã hợp tác với các cơ quan chính phủ để phát triển các ứng dụng y tế giúp mọi người, nhân viên bệnh viện và bác sĩ theo dõi; phân tích và cung cấp các thiết bị y tế quan trọng như máy thở, khẩu trang, găng tay và thiết bị bảo vệ ngay tức thì.

Các nền tảng kỹ thuật số đã được triển khai để giúp truy dấu các trường hợp liên quan đến các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai công nghệ theo dõi liên lạc với ứng dụng TraceTogether trong cuộc khủng hoảng sức khỏe liên quan đến COVID-19. Các ứng dụng theo dõi liên lạc sử dụng tính năng bluetooth của điện thoại di động, để lưu dữ liệu ẩn danh của những người dùng khác có tiếp xúc với những người bị nhiễm virus corona. Khi một người gặp phải người bị nhiễm, sẽ nhận được thông báo, cho phép tự kiểm tra hoặc tự cách ly ngay lập tức. Các ứng dụng sáng tạo như thế này đã được phát triển bởi nhiều công ty tư nhân khác nhau và được chính phủ hỗ trợ để ngăn chặn số lượng các ca lây nhiễm. Cũng có một số lo ngại rằng một số cửa hàng ứng dụng đã hạn chế việc phân phối rộng rãi các ứng dụng này trong một số trường hợp, do tiêu tốn năng lượng pin cao hoặc đôi khi do liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu. Quan hệ đối tác công-tư hiệu quả và kịp thời đặc biệt quan trọng trong thời gian này vì các ứng dụng chỉ cung cấp kết quả với lượng người dùng lớn.

Quan hệ đối tác với khu vực tư nhân trong việc hỗ trợ các chính phủ đã cho thấy những tác động tích cực trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc thực thi có thể đòi hỏi những liên quan đến quyền riêng tư, nhân quyền do đó những vấn đề này cần phải được xem xét xử lý. Một sự ưu tiên ẩn danh trong khi tổng hợp thông tin cá nhân, việc sử dụng định vị địa lý, cũng như truy cập hồ sơ y tế là rất quan trọng để bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu cá nhân. Các nhà hoạch định chính sách cần xem xét nguyên tắc giảm thiểu và hạn chế thu thập, lưu giữ và chia sẻ dữ liệu cá nhân, chỉ sử dụng những gì thực sự cần thiết và có liên quan hợp lý với mục đích khắc phục khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 để ngăn chặn lạm dụng giám sát và vi phạm quyền riêng tư dữ liệu.

Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến

Có thể thấy từ khi cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 khiến các dịch vụ công cộng bị áp lực, các chính phủ được khuyến khích triển khai các công nghệ kỹ thuật số hiệu quả để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh. Hầu hết các giải pháp tiếp thị nhanh chóng sáng tạo đã bắt nguồn từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này đã cho thấy sự cần thiết tiên phong của chính phủ trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và robot để đảm bảo cung cấp hiệu quả các dịch vụ công cộng.

Công nghệ hỗ trợ AI đã được chứng minh là hữu ích cho việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi mà đường dây nóng của hệ thống y tế vượt quá khả năng phục vụ. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều người đã chuyển sang tự kiểm tra các triệu chứng và truy cập vào "bác sĩ ảo" để được tư vấn y tế. Các chatbot đa ngôn ngữ giúp người dùng không gặp phải rào cản ngôn ngữ, giúp mọi người tìm được thông tin và giao tiếp với các y, bác sỹ. Để giải quyết sự thiếu hụt các thiết bị y tế, công nghệ in 3D đã được sử dụng để sản xuất tấm chắn bảo vệ y tế. Robot và máy bay không người lái đã có hiệu quả trong việc cung cấp theo dõi giám sát và vệ sinh, do đó làm giảm rủi ro của nhân viên. Robot tuần tra sử dụng nhận dạng khuôn mặt và máy ảnh nhiệt được triển khai tại các sân bay và nơi công cộng để quét đám đông và xác định những người có khả năng bị nhiễm bệnh. Robot khử trùng được trang bị đèn cực tím rất hữu ích để khử trùng bệnh viện và khu vực bị ô nhiễm. Một số robot khác giám sát các thông số quan trọng từ các thiết bị y tế hoặc cho phép bệnh nhân giao tiếp từ xa với các y tá. Một số chính phủ cũng đang sử dụng máy bay không người lái với các công nghệ tương tự để giám sát đường phố, cung cấp vật tư y tế hoặc khử trùng không gian công cộng.

Những nỗ lực trong việc phát triển các chiến lược của chính phủ số sau cuộc khủng hoảng COVID-19 nên tập trung vào việc cải thiện các chính sách bao gồm cả bảo vệ dữ liệu và số hóa cũng như tăng cường chính sách và khả năng kỹ thuật của các tổ chức công cộng. Mặc dù quan hệ đối tác công-tư là cần thiết để thực hiện các công nghệ đổi mới, nhưng yếu tố người đứng đầu chính phủ, thể chế mạnh mẽ và chính sách công hiệu quả là rất quan trọng để điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật số cho các quốc gia, cũng như ưu tiên bảo mật, công bằng và bảo vệ quyền của người dân. Đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ, nhưng cũng là vai trò then chốt của một chính phủ hiệu quả, toàn diện và có trách nhiệm.

Kết luận

Đại dịch COVID-19 đang buộc các chính phủ và xã hội hướng tới các công nghệ kỹ thuật số để đối phó với khủng hoảng trong ngắn hạn, giải quyết các hậu quả kinh tế, xã hội trong trung hạn và tái phát minh các chính sách và công cụ hiện có trong dài hạn. Điều hướng qua những thời điểm khó khăn này đòi hỏi các chính phủ phải áp dụng cách tiếp cận của chính phủ mở và sử dụng các kênh liên lạc kỹ thuật số để cung cấp thông tin đáng tin cậy về dịch COVID-19 trong phạm vi quốc gia và toàn cầu. Các nền tảng tham gia điện tử có thể đại diện cho các công cụ hữu ích để tham gia trực tuyến với các nhóm dễ bị tổn thương và thiết lập các sáng kiến kỹ thuật số để cùng nhau suy nghĩ về những ý tưởng chính sách đối với các thách thức kinh tế và xã hội quan trọng.

Quan hệ đối tác công-tư hiệu quả, thông qua chia sẻ công nghệ, chuyên môn và công cụ, có thể hỗ trợ các chính phủ khởi động lại nền kinh tế và thiết lập cuộc sống xã hội trở lại bình thường. Đặc biệt, đối với các nước đang phát triển, sẽ cần sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong việc giảm thiểu khủng hoảng. Do đó, sự hợp tác dựa trên dự án khu vực, quốc gia và địa phương với các công ty thuộc khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác là cần thiết. Về lâu dài, các chính phủ cần đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến như công nghệ AI, Blockchain và máy bay không người lái. Đầu tư vào các công nghệ này có thể hỗ trợ rất nhiều cho khả năng phục hồi sức khỏe nền kinh tế và các dịch vụ công cộng trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

1. https://www.un.org/development

2. https://www.oecd.org/

3. https://apolitical.co/

(Bài đăng trên tạp chí TT&TT Số 3+4 Tháng 5/2020)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Covid-19 - Cơ hội cho chính phủ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO