Chuyển đổi số để phát triển
Trong ứng phó với dịch bệnh, "tốc độ" là vấn đề sống còn và điều này được minh chứng rõ nhất khi cả thế giới đang chống chọi với dịch Covid-19. Chủng virus corona mới được phát hiện tại Trung Quốc hồi cuối tháng 12 vừa qua đã lan tới 211 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tính tới sáng 17/4, tổng số ca lây nhiễm đã lên tới hơn 2,1 triệu người, trong đó hơn 145.000 người đã tử vong.
Diễn biến phức tạp và dai dẳng của đại dịch Covid-19 đã khiến con người trên toàn thế giới buộc phải thay đổi thói quen, nếp sống và đó cũng chính là cơ hội của công nghệ số. Trực tuyến, online hay chuyển đổi số là những gì đang được nhắc đến nhiều nhất ở thời điểm này trên toàn thế giới.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế của việc chuyển đổi số mạnh mẽ. Từ ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 10 bộ và cơ quan ngang bộ phải kết nối ngay với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đến ngày 30/6 phải triển khai toàn bộ 19 dịch vụ công ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Các hệ thống hội họp trực tuyến quy mô rộng lớn cũng đã vận hành thông suốt. Cũng ngay trong cuối tháng 3/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Chỉ thị 16/CT-BTTTT kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số và tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mới đây nhất, tại cuộc giao ban báo chí trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Bộ Y tế vào chiều 10/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các DN công nghệ thông tin (CNTT) đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, quan trọng phục vụ việc truy vết, giám sát các ca bệnh; đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong y tế, giáo dục.
Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào liên quan tới Covid-19, số ca nhiễm bệnh tính tới sáng ngày 17/4/2020 là 268 ca, mặc dù Việt Nam là một quốc gia mạnh về thương mại và du lịch trong khu vực.
Thời gian qua, rất nhiều biện pháp y tế cộng đồng đã nhanh chóng được triển khai hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của CNTT. Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu thế về mức độ người dân sử dụng điện thoại di động (150%) và mạng Internet (70%). Các thông tin và cảnh báo từ nhà chức trách về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thường xuyên được nhắn cho người dân và cập nhật trên các trang web và mạng xã hội. Một số ứng dụng trên điện thoại để khai báo y tế và theo dõi tình hình dịch bệnh cũng được sử dụng.
Những phương thức tiếp cận người dân kịp thời và liên tục chỉ là một trong rất nhiều ích lợi mà CNTT có thể mang lại trong bối cảnh dịch bệnh. Khi xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm, biện pháp "giãn cách xã hội" được cho là một trong những phương thức hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus. Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện đóng cửa biên giới, hủy bỏ các hội nghị quan trọng, đóng cửa trường học và yêu cầu người dân ở trong nhà. Những biện pháp này sẽ làm gián đoạn cuộc sống thường nhật của tất cả mọi người nhưng sự trợ giúp của công nghệ thông tin đem lại một cách thức mới để thích ứng dễ hơn với tình trạng "bình thường mới" này.
CNTT là nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và giao hàng tận nơi, đây là những hoạt động rất cần thiết trong tình hình dịch bệnh. Người dân Việt Nam có thể thực hiện nhiều giao dịch trên mạng và họ tận dụng dịch vụ này triệt để hơn kể từ khi dịch bệnh nổ ra vào cuối tháng 1.
Lượng truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cổng thông tin tiếp nhận và xử lý các dịch vụ công cơ bản của người dân, tăng đột biến trong thời gian gần đây. Theo số liệu của chính phủ, số lượt truy cập nhảy vọt từ 11 triệu lượt vào cuối tháng 1 lên 28 triệu lượt vào cuối tháng 3. Trong tháng 3, số lượng các giao dịch trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ cũng tăng gấp đôi, lên hơn 23.000 giao dịch.
Số người đặt hàng trên các nền tảng, các trang thương mại trực tuyến bùng nổ, kéo theo doanh thu bán hàng trực tuyến của các nhà bán lẻ lớn tăng vọt. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op ghi nhận doanh thu trực tuyến tăng gấp 5 lần trong tuần tiếp theo sau khi ca bệnh đầu tiên được ghi nhận hôm 23/1. Mục tiêu giảm bớt thanh toán bằng tiền mặt, chuyển sang thanh toán điện tử mà Chính phủ đề ra từ mấy năm trước đang vào giai đoạn tăng tốc giờ trở thành một nhu cầu bức thiết khi người dân gia tăng mua hàng trên mạng.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, việc ứng phó dịch Covid-19 là chất xúc tác giúp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn.
Thách thức và cơ hội
Chỉ thị 16/CT-BTTTT của Bộ TT&TT nêu rõ dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đặt ra thách thức rất lớn cho tất cả các quốc gia nhưng cũng là cơ hội. "Đây là cơ hội xuất hiện trong tình huống khó khăn để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận. Ông cho rằng thời điểm này là cơ hội hướng dẫn, từng bước phổ cập kỹ năng số cho đông đảo người dân – lực lượng chính sử dụng các dịch vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong tương lai.
Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione khuyến nghị giữa giai đoạn khủng hoảng, Việt Nam có thể giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế hiệu quả hơn nữa nếu có hạ tầng kỹ thuật số được phát triển ở quy mô đầy đủ. Tuy nhiên, trên đường trở thành một quốc gia số hiện đại, Việt Nam cần cải thiện một số vấn đề như: Xử lý trực tuyến phần lớn dịch vụ công, thay vì chỉ số ít dịch vụ như hiện nay; cần có hệ thống căn cước số đáng tin cậy để hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tài chính điện tử và các nền tảng khu vực tư nhân khác.
Việt Nam cũng cần cải thiện nền tảng học trực tuyến cho học sinh ở tất cả các bậc học để tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong trường hợp gián đoạn năm học do trường học đóng cửa. Ngoài ra cần có khả năng phân tích dữ liệu lớn (big data) để hỗ trợ theo dõi và dự báo y tế; rút gọn và thực hiện hiệu quả các thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và ODA, đây là các nguồn lực quan trọng để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế trong bối cảnh nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển chương trình bảo trợ xã hội trên nền tảng CNTT nhằm tiếp cận các đối tượng dễ tổn thương và các DN ở các vùng sâu, vùng xa thông qua chuyển tiền điện tử. Một dự án thí điểm do WB tài trợ đã cho thấy tính hiệu quả của phương thức này. Hơn 2.600 đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng đã nhận được tiền trợ cấp hàng tháng thông qua dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động.
"Những lợi ích của chuyển đổi số sẽ không thể đến ngay qua một đêm, và còn nhiều rủi ro đi kèm phải giải quyết, nổi cộm nhất là bảo mật thông tin. Do đó cần đầu tư có mục tiêu và thống nhất và một khung pháp lý và quy định cách thức vận hành và quản lý dữ liệu trong không gian số", ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Theo ông ông Ousmane Dione, Covid-19 là một bài kiểm tra đối với tất cả các hệ thống, từ cấp quốc gia cho tới cá nhân, cho thấy cả ưu điểm và khuyết điểm. Vì vậy, Việt Nam có thể tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa từ các dịch vụ số cũng như phải đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến trình số hóa, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của gián đoạn xã hội, giúp kết nối, làm việc hiệu quả.