Cuốn sách giải đáp những câu hỏi lớn về loài người

Trương Linh| 16/12/2019 16:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong cuốn sách này, bên cạnh những câu hỏi lớn như quan hệ giữa các ngành lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, mối quan hệ giữa Sapiens và các loài động vật khác, công lý và tôn giáo trong lịch sử, Yuval Noah Harari còn lồng ghép những vấn đề thời sự như phân biệt sắc tộc, bất bình đẳng giới, sự trỗi dậy của các tập đoàn lớn, thảm họa môi trường, và thậm chí vấn đề về hạnh phúc của con người.

Tác phẩm ra đời vào năm 2011, và tiếng vang của nó vẫn tiếp tục vọng xa cho đến tận hôm nay. Tác phẩm đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới và được hàng triệu độc giả quốc tế đón nhận.

Hãy tưởng tượng rằng bạn vừa thức dậy vào một buổi sáng. Một buổi sáng thường nhật, giống như biết bao buổi sáng khác. Bạn nhìn vào trong gương, và hình ảnh phán chiếu của một con người nhìn lại bạn. Và đây là câu hỏi tôi muốn bạn tự hỏi bản thân mình:

Trông bạn có nguy hiểm không?

Câu trả lời của sinh học là không. Con người không có móng vuốt, không có răng nanh, cũng không có vóc dáng đồ sộ để có thể làm nhiều sinh vật trên trái đất này sợ hãi. Nhưng lịch sử lại trả lời là có.

Trong suốt chiều dài sự tồn tại của chúng ta, con người phải chịu trách nhiệm cho sự tuyệt chủng của rất nhiều giống loài sinh vật trên khắp năm châu. Những sinh vật mà, dù to lớn đến đâu, cũng phải trả giá đắt cho việc không coi con người là một mối nguy hại. 

Trông bạn có thông minh không?

Con người hiện đại đã tìm ra một thuật ngữ rất thú vị để đặt tên cho giống loài của mình: Homo Sapiens. Trong đó, “Homo” nghĩa là “người”, còn “Sapiens” nghĩa là “khôn ngoan”.

Chúng ta - tôi và bạn, là những cá thể Người Tinh Khôn. Và liệu cái tên này có xứng đáng với chúng ta không? Xét về mặt sinh học thì đúng. Người Tinh Khôn là sinh vật có bộ não lớn nhất từng tồn tại trên trái đất - xét theo tỉ lệ giữa bộ não và cơ thể. Nhưng thông minh hơn có thực sự tốt hơn không? 

Câu trả lời của sinh học là không. Một bộ não khổng lồ cần phải được nuôi dưỡng bởi một nguồn năng lượng khổng lồ. Ngay cả khi bạn nghỉ ngơi, bộ não cũng tiêu tốn đến 25% năng lượng của cơ thể bạn. Nhưng lịch sử lại trả lời rằng có. Con người đã tạo nên những kỳ tích nhờ vào trí thông minh của mình. Nhưng liệu điều đó có còn đúng ở trong tương lai? Chúng ta hoàn toàn không biết.

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang trên đường đi đến một siêu thị. Bạn cần mua chuối và trên tay bạn là một xấp đô la. Hãy tự hỏi bản thân mình: tại sao mình lại thực hiện cuộc đổi chác này? Tại sao mình lại tin chắc rằng, người bán hàng sẽ đồng ý nhận tờ giấy màu xanh mà bản chất là vô giá trị - không thể ăn được, không thể uống được, không thể mặc được này – và bù lại đưa cho mình một nải chuối thực sự có giá trị - có thể ăn được - này?

Câu trả lời nằm ở niềm tin của bạn vào giá trị của đồng tiền. Câu trả lời còn nằm trong việc người bán hàng trong siêu thị, những người đang sống trong đất nước của bạn và tất cả con người trên thế giới này – đều tin rằng đồng tiền là một vật có giá trị.

Hãy thử nghĩ mà xem - nếu bạn, người bán hàng trong siêu thị và tất cả mọi người đều không tin vào giá trị của đồng tiền - lập tức những đô la, euro và yên Nhật sẽ chẳng là gì ngoài một đống giấy lộn. Nhưng vì tất cả mọi người đều tin vào nó, nên đồng tiền mới thực sự có giá trị. Và đồng tiền đã đóng vai trò là một trung gian mua bán hoạt động vô cùng hiệu quả, giúp cho mọi người trên thế giới - dù không quen biết nhau - vẫn có thể trao đổi và tương tác với nhau, từ đó dỡ bỏ các rào cản xã hội và đưa mọi người đến gần nhau hơn. 

Loài người là sinh vật duy nhất có sức mạnh như vậy - dựa vào trí tưởng tượng của chung để hợp tác với nhau linh hoạt ở số lượng lớn. Các sản phẩm được tạo ra từ trí tưởng tượng - tiền bạc, tôn giáo, Google – giúp chúng ta xích lại gần nhau.

Hãy thử tưởng tượng bạn đưa tờ đô la cho một chú vượn và bảo chú ta đưa cho bạn nải chuối xem. Hay việc bạn thuyết phục chú vượn rằng bạn đang rất đói và nếu chú vượn đưa cho bạn nải chuối của chú ta, chúng ta đã làm được một việc thiện và vì đó sẽ được lên Thiên Đàng? Không đâu! Chú vượn sẽ không thể làm được điều đó. Đó cũng là lý do tại sao chú ta đang ngồi trong vườn thú, còn chúng ta thì đang ở đây: học ở các trường đại học và tạo ra tên lửa.

Bạn tạt qua một sạp báo nhỏ và vớ lấy một tờ báo. Dòng tít với khẩu hiệu được in đậm lọt vào mắt bạn: Đấu tranh cho quyền con người! Hãy tự hỏi bản thân: thứ quyền con người mà họ đang đấu tranh thực chất là gì?

Nếu bạn bổ dọc cơ thể một con người ra - bạn sẽ tìm thấy nào thận, nào tim, nào gan … - nhưng bạn có tìm thấy quyền con người không? “Quyền con người” có phải một thứ sờ nắn được, đụng chạm được vào không? Đó lại là một sản phẩm của trí tưởng tượng.

Vậy mà quyền con người, cùng với tiền, cùng với Google và rất nhiều sản phẩm tưởng tượng khác – đang chi phối cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Chúng ta giống như những con nhện, mắc phải chính cái lưới nhện của trí tưởng tượng mà chính chúng ta cùng đồng loại đã tạo ra – không thể thoát ra được.

Và đó chỉ là những câu hỏi rất nhỏ được đề cập đến trong tác phẩm Sapiens của nhà Sử học Israel lừng danh Yuval Noah Harari. Đúng như cái tên của nó - “Lược sử loài người”, “Sapiens” đưa người đọc đi qua hành trình của giống loài mình, từ những ngày đầu tiên làm một sinh vật vô hại ở Châu Phi - cho đến ngày hôm nay: chúng ta thống trị thế giới, tạo ra bom nguyên tử và trí tuệ nhân tạo.

Cuốn sách được chia thành bốn phần lớn: Cách mạng Nhận thức, Cách mạng nông nghiệp, sự thống nhất của nhân loại và cuối cùng là Cách mạng Khoa học. Tất cả các phần đều chứa đựng những điều thách thức vốn hiểu biết của chúng ta, thách thức niềm tin của chúng ta.

Với lối giải thích logic và tường tận, văn phong gần gũi, dễ hiểu và vốn kiến thức liên ngành văn hóa - lịch sử - kinh tế, Yuval Noah Harari đã biến một tác phẩm với vốn kiến thức đồ sộ như Sapiens thành một tác phẩm phổ cập, gần gũi với nhiều đối tượng độc giả.

Nếu như bạn vẫn đang tự hỏi, tại sao chúng ta phải đọc cuốn sách về lịch sử loài người này? thì tác giả cũng đã chia sẻ: “Chúng ta nghiên cứu lịch sử không phải để biết tương lai, vì môn khoa học này không có phương tiện để đưa ra các dự đoán chính xác nhưng vật lý hay kinh tế. Ta nghiền ngẫm lịch sử là để mở rộng chân trời hiểu biết của mình, để biết rằng tình trạng hiện nay của chúng ta không phải do tự nhiên, cũng không phải do tất yếu và chúng ta có nhiều lựa chọn hơn mình tưởng”.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cuốn sách giải đáp những câu hỏi lớn về loài người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO