Giải pháp tăng cường hiệu quả dạy học trực tuyến trong nhà trường phổ thông

TS. Tô Hồng Nam| 04/07/2020 09:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Cùng với xu hướng phát triển chung trên thế giới, ứng dụng công nghệ vào dạy học qua môi trường mạng Internet đã được triển khai nhiều năm qua ở nước ta. Tuy vậy, ở khối phổ thông, mức độ ứng dụng nhìn chung còn khá hạn chế, tùy thuộc vào từng trường, từng giáo viên và từng bộ môn.

Khác với bậc đại học, ở bậc phổ thông với khoảng 53.000 trường từ mầm non đến trung học phổ thông thì việc triển khai một cách đồng bộ, có hệ thống là một thách thức không nhỏ; hiện nay mới chỉ được ứng dụng ở một số trường dân lập, trường tư thục có điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính.

Khi dịch bệnh COVID diễn biến phức tạp, không thể học tập trực tiếp ở trường thì hình thức dạy học trực tuyến trở thành giải pháp hữu hiệu nhất để duy trì việc dạy học của cácnhà trường. Việc triển khai cấp tập, thiếu sự chuẩn bị chu đáo và triển khai đồng loạt trên diện rộng ngay đã cho thấy hàng loạt vấn đề, hàng loạt khó khăn vướng mắc đặt ra cần phải được giải quyết, cần phải được "dọn đường" để cho phương thức học tập tiên tiến này phát triển. Tuy vậy, đây cũng là kinh nghiệm, cơ hội để xã hội quan tâm hơn, nhìn nhận rõ hơn đến dạy học trực tuyến, từ đó có giải pháp phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu thúc đẩy hình thức dạy học này, hội nhập với xu hướng chung của quốc tế.

Bài viết đi sâu làm rõ bản chất các giải pháp dạy học thông qua môi trường mạng, các yếu tố ảnh hưởng, phân tích thực trạng triển khai hiện nay ở các nhà trường phổ thông, phân tích các vấn đề đặt ra và đề xuất một số giải pháp đồng bộ tăng cường hiệu quả dạy học trực tuyến trong khối các trường phổ thông ở nước ta trong giai đoạn tới.

Các giải pháp dạy học trực tuyến

Tùy thuộc vào nhận thức, quan niệm, góc nhìn của mỗi người, có nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ "học trực tuyến" trong mối liên hệ với các thuật ngữ gần như học tập điện tử, elearning, học qua mạng. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải khẳng định ngay là dạy học trực tuyến không hoàn toàn như việc sao chép nguyên trạng một lớp học trực tiếp lên môi trường mạng Internet. Thảo luận trực tuyến (web conferencing hay live streaming) giữa giáo viên và học sinh nếu có chỉ là một hoạt động của học trực tuyến.

Học tập trực tuyến thường phải gắn liền với các nền tảng công nghệ chuyên nghiệp, được phát triển với mục đích chuyên biệt dành riêng cho học trực tuyến, đó là các hệ thống như VLE (virtual learning environment) hay LMS/LCMS (learning management system/learning content management system), cho phép tích hợp mọi hoạt động dạy – học của giáo viên và học sinh. Một số nền tảng phổ biến hiện nay như Blackboard learn, Dokeos hay Moodle, Claroline, Canvas, Open edX… Ở cấp độ đại học, có thể trải nghiệm các khóa học trực tuyến mở (Massive Open Online Course - MOOC) phổ biến như của Coursera hay eDx. Trong đó các hoạt động dạy, học được thiết kế khoa học, đồng bộ từ thông tin khóa học, kế hoạch học tập đến học liệu, diễn đàn, đánh giá, cấp chứng chỉ, hỗ trợ tối đa cho người học tự học (gồm cả chức năng trao đổi trực tuyến với giảng viên).

Thực tế ở nước ta, để phục vụ mục đích học tập giáo viên đang sử dụng phối hợp nhiều giải pháp công nghệ khác nhau trên môi trường mạng. Đó có thể là các giải pháp hỗ trợ dạy học trực tuyến cơ bản (như G-Suit for Education, Office 365 Education), công nghệ họp trực tuyến (như zoom, Microsoft teams, hangout meet …), các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, hay đơn giản chỉ là giao bài và chữa bài tập qua thư điện tử (các giải pháp công nghệ này vốn dĩ khi thiết kế không dành chuyên cho mục đích dạy học). Việc phối hợp các công cụ khác nhau với các mức độ khác nhau như vậy để dạy- học qua mạng nên khó có thể gọi tên một cách thật chính xác thuật ngữ học trực tuyến hiện nay. Với quan niệm như vậy, có thể tạm chia học trực tuyến ở nước ta thành 2 nhóm chủ yếu gồm nhóm giải pháp dạy học trực tuyến đồng thời theo thời gian thực (synchronous learning) và nhóm giải pháp dạy học trực tuyến không đồng thời (asynchronous learning):

Dạy học trực tuyến đồng thời là giải pháp cho phép người dạy và người học tương tác thời gian thực đồng thời tham gia thảo luận (dạy - học) cùng một nội dung tại cùng một thời điểm. Các hoạt động giáo dục trên lớp học truyền thống có thể triển khai qua mạng bởi các ứng dụng loại này, điển hình là các giải pháp hội nghị trực tuyến (video - conferencing, web-based conferencing, online meeting). Hầu hết các giải pháp này hiện nay đều đến từ các công ty nước ngoài như Google Hangout meet, Microsoft Teams, Zoom, Amazon, Jitsi… Trong nước, liên minh CoMeet dự kiến phát triển chùm giải pháp họp trực tuyến trên nền tảng Jitsi ra mắt trong tháng 4/2020.

Dạy học trực tuyến không đồng thời là giải pháp có tính tổng thể cao để tổ chức và quản lý các hoạt động dạy - học trực tuyến; giúp giáo viên chuẩn bị nội dung bài giảng, học liệu điện tử trên hệ thống LMS/LCMS và hướng dẫn để học sinh đăng nhập tự học; học sinh có thể tham gia vào bài học mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh các giải pháp của nước ngoài, trong nước hiện nay có các giải pháp của Viettel (Viettelstudy), VNPT (Vnptedu), FPT, AIC Group, Smart School, Big School, Đại học Sư phạm Hà Nội (olm.vn). Thực tế thì đây là các giải pháp kết hợp cả dạy - học đồng thời và không đồng thời (như olm, viettelstudy, vnptedu đều cho phép tích hợp ứng dụng zoom).

Các yếu t tác động đến hiu qu dy hc trc tuyến khi ph thông

Yếu tố đầu tiên là về nhận thức, nhận thức về vai trò, vị trí của học tập trực tuyến trong hoạt động dạy học thông suốt trong toàn ngành, có nhận thức đúng mới có quyết tâm cao, hành động đúng.

Thứ hai là chính sách quản lý, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động dạy học trên môi trường mạng, được pháp luật thừa nhận, có sự đồng bộ chung giữa các nhà trường, địa phương; hiện nay các hệ thống văn bản điều chỉnh việc dạy học trực tuyến cho khối phổ thông còn hạn chế.

Thứ ba là cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT - VT), đường truyền, trang thiết bị đầu cuối, môi trường học tập đảm bảo về ánh sáng, tiếng ồn từ cả phía giáo viên và học sinh, cũng như bản thân giải pháp phần mềm rõ ràng là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng trực tiếp đến việc học qua mạng.

Thứ tư là kiến thức, kỹ năng sử dụng trang thiết bị CNTT, sử dụng phần mềm dạy học, cũng như kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng cơ bản của cả giáo viên và học sinh cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập, sự liên tục của bài học.

Thứ năm là học liệu số phù hợp và kỹ năng sư phạm của giáo viên như soạn bài giảng, giảng bài trong điều kiện học từ xa, đây là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả và việc tiếp thu kiến thức của học sinh.

Thứ sáu là văn hóa, quy chế, nội quy lớp học trực tuyến. Yếu tố này không giống như đối với các lớp học truyền thống trực tiếp trên lớp hiện nay; những quy tắc ứng xử trên mạng như giữ gìn trật tự lớp học, xin phép ra vào lớp, phát biểu ý kiến, kiến nghị đề xuất, ngôn ngữ giao tiếp mạng, hình thức thưởng phạt có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả học tập.

Ngoài ra, các yếu tố khác như mức học phí, chế độ của giáo viên, sự phối hợp của phụ huynh học sinh cũng có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của phương thức dạy học trực tuyến. Rõ ràng nếu mức học phí cao thì chỉ một số gia đình có điều kiện về tài chính mới có thể chi trả cho con em mình theo học các khóa học có chất lượng; rõ ràng đối với đối tượng học sinh nhỏ ý thức tự giác chưa cao, chưa đủ kỹ năng sử dụng CNTT tối thiểu thì sự phối hợp từ phía gia đình ảnh hưởng không ít đến hiệu quả việc học trực tuyến của các em.

Giải pháp tăng cường hiệu quả dạy học trực tuyến trong nhà trường phổ thông - Ảnh 1.

Thc trng dy hc trc tuyến trong nhà trường ph thông hin nay

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều năm qua (từ khi dịch bệnh COVID-19 chưa diễn ra) ngành GDĐT đã chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT- VT hỗ trợ quản lý, dạy, học, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu khoa học đạt kết quả được ghi nhận. Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy và học, thúc đẩy học tập trực tuyến qua mạng Internet, xây dựng kho học liệu số, hàng loạt văn bản chỉ đạo đã được ban hành. Điển hình như hướng dẫn triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông (văn bản số 5807/BGDĐT - CNTT); hướng dẫn triển khai nhiệm vụ CNTT hàng năm gửi các địa phương, gồm hướng dẫn triển khai giáo dục trực tuyến, e-learning và xây dựng kho học liệu số từ địa phương đến Trung ương. 

Từ năm 2010, ngành GDĐT đã tổ chức xây dựng kho bài giảng e-learning, tuyển chọn từ các cuộc thi Quốc gia thiết kế bài giảng e-learning do giáo viên cả nước đóng góp, đến nay đã tập hợp được trên 4.000 bài giảng của các môn học giáo dục phổ thông dùng chung miễn phí toàn ngành. Đặc biệt, đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục, hỗ trợ dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần đổi mới căn bản toàn diện GDĐT tầm nhìn đến 2025 (Quyết định 117/QĐ-TTg) được triển khai một cách hệ thống, đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua (cũng là cơ hội đẩy mạnh học tập trực tuyến), ngành GDĐT đã liên tục chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường thực hiện các giải pháp đẩy mạnh việc dạy - học từ xa qua truyền hình, trực tuyến qua mạng Internet; hướng dẫn xây dựng chương trình, học liệu, tổ chức giảng dạy, đánh giá công nhận kết quả và huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cần thiết. 

Cụ thể như, cho phép các cơ sở giáo dục được áp dụng các hình thức dạy học qua Internet khi học sinh nghỉ học do dịch COVID-19, khi học sinh quay trở lại trường học, nhà trường tổ chức đánh giá và công nhận kết quả học tập qua các hình thức từ xa (văn bản số 793/BGDĐT-GDTrH và số 1061/BGDĐT-GDTrH); đề nghị hỗ trợ (miễn phí, giảm giá) đường truyền, giải pháp học trực tuyến trong thời gian diễn ra dịch bệnh (văn bản số 871/BGDĐT-KHTC); đóng góp xây dựng kho học liệu số dùng chung toàn ngành (văn bản số 1007/BGDĐT-GDTrH); hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học tập trực tuyến qua Internet (văn bản số 1247/ BGDĐT-GDCTHSSV ).

Bộ GDĐT và Bộ TTTT đang rà soát, đánh giá các giải pháp học trực tuyến để khuyến cáo các nhà trường, giáo viên sử dụng phù hợp với từng điều kiện cụ thể; tiếp tục chỉ đạo xây dựng kho bài giảng điện tử dùng chung; hướng dẫn mô hình tổ chức lớp học trực tuyến, trường học trực tuyến; hướng dẫn quy chế, nội quy lớp học trực tuyến đảm bảo an toàn trên không gian mạng; hướng dẫn, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tổ chức dạy học trực tuyến thông qua hình thức trực tuyến, tài liệu điện tử, video clip; khảo sát cập nhật, đánh giá tình hình triển khai học trực tuyến trên cả nước để tiếp tục chỉ đạo phù hợp, kịp thời và sát với thực tế.

Hiện nay tổng số trường mầm non, phổ thông trên cả nước khoảng 53.000 trường, trong đó khối phổ thông khoảng 43.000 trường. Tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến rất khác nhau giữa các địa phương (tỉ lệ cao hơn các thành phố, vùngđồng bằng), giữa các bậc học (tăng dần từ tiểu học, THCS đến THPT), giữa các khối học (tỉ lệ cuối cấp lớp 9 và lớp 12 tăng vọt do áp lực thi cử), giữa các môn học (hiện tập trung nhiều ở các môn Toán, Văn, tiếng Anh) và giữa các trường công lập, tư thục (các trường tư có điều kiện hơn các trường công lập).

Theo thông tin từ các sở GDĐT tại buổi họp trực tuyến với Bộ GDĐT vừa qua: TP. Hồ Chí Minh có tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến trung bình khoảng 70 - 80%; con số này ở Quảng Trị là khoảng 83%; Quảng Nam 100% các trường triển khai học trực tuyến, ở địa bàn thuận lợi thì số học sinh tham gia đạt trên 80%; Điện Biên 73% học sinh THPT học trực tuyến, tỉ lệ này là 50% và 10% đối với học sinh THCS và tiểu học; Hà Tĩnh ở bậc THPT tỷ lệ đạt trên 85%, THCS trên 60% và tiểu học đạt trên 45%; Nghệ An tỉ lệ học trực tuyến ở THPT và THCS đạt tỉ lệ tương ứng là 80% và 70%; Đắk Lắk chỉ có 15% học sinh lớp 4 - 5 và 55 - 60% học sinh THCS , 75 - 80% học sinh THPT địa bàn thuận lợi, còn với địa bàn vùng núi thì tỉ lệ này rất thấp. Theo số liệu của Viettel và VNPT cung cấp, số trường đã được cấp tài khoản sử dụng Viettelstudy đạt khoảng 25.500 trường còn VNPTedu khoảng 15.500 trường.

Ứng dụng được giáo viên sử dụng nhiều nhất hiện nay là dạy học trực tuyến đồng thời theo thời gian thực. Một số ứng dụng được sử dụng phổ biến là Microsoft Teams, Google Meet, Zoom, Zalo. Hầu hết các nhà cung cấp giải pháp cho phân khúc này đến từ nước ngoài, hạn chế là sự hỗ trợ sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ không cao. Trong khi đó, nhiều cơ sở giáo dục phổ thông đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống quản lý học tập (LMS/LCMS) để tổ chức dạy học trực tuyến và quản lý quá trình dạy và học trực tuyến. Một số giải pháp triển khai phổ biến như Viettel Study, VNPT e-learning, ThanhEdu, FPT VioEdu, OLM.VN, 789.VN... Với phân khúc này, hầu như chỉ có các giải pháp của doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng do bám sát hướng dẫn, chương trình, cách thức tổ chức dạy học ở Việt Nam, đặc biệt có sự hỗ trợ trực tiếp của nhà cung cấp mới đạt được hiệu quả (riêng Viettel và VNPT còn cung cấp đồng bộ đường truyền Internet).

Như vậy có thể nói, bên cạnh các kết quả đạt được thì tỉ lệ học sinh phổ thông tham gia học trực tuyến ở các địa phương chưa đồng đều; phần lớn giáo viên sử dụng hình thức dạy học trực tuyến đồng thời, tự phát theo phong trào; các hướng dẫn dạy học trực tuyến cho phổ thông chủ yếu giải quyết vấn đề tình thế, áp dụng trong giai đoạn phòng chống dịch là chính. Thực tế triển khai dạy học trực tuyến ở các trường phổ thông thời gian qua cho thấy một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như sau:

Một là khó khăn về cơ sở pháp lý, thiếu văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện tổ chức học trực tuyến, kiểm định đảm bảo chất lượng, chuẩn giáo viên, chương trình, đánh giá, công nhận kết quả học tập, cấp bằng, cũng như quy định mức học phí của hình thức học tập này.

Hai là khó khăn về cơ sở vật chất, đường truyền Internet và thiết bị đầu cuối. Theo phản ánh từ các nhà trường, nhất là ở khu vực vùng sâu vùng xa chưa có Internet đảm bảo cho việc học, băng thông nếu có chỉ mới đủ phục vụ dân sinh. Đồng thời với đó là thiếu thiết bị đầu cuối (như máy tính, điện thoại thông minh, camera, micro), không phải gia đình nào cũng có điều kiện tài chính để đầu tư. Trong một lớp học chỉ cần một vài trường hợp như vậy sẽ rất khó đảm bảo cơ hội học tập đồng đều giữa các học sinh với nhau. Ngoài ra còn phải kể đến là môi trường học tập tại một số gia đình chưa đảm bảo cho việc học như tiếng ồn hay các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Ba là học liệu số hiện còn thiếu ở nhiều bài, nhiều môn, nhiều lớp học (đa số hiện nay tập trung cho các lớp cuối cấp như lớp 9 và lớp 12, tập trung nhiều vào 3 môn Toán, Văn, Anh). Một trong các nguyên nhân là kinh phí xây dựng học liệu lớn, cần thời gian để hoàn thiện và cần được hội đồng chuyên môn thẩm định trước khi phát hành rộng rãi (có thể ảnh hưởng khó lường nếu không được kiểm duyệt cẩn thận).

Bốn là khó khăn từ phía học sinh, các em chưa được trang bị kiến thức kỹ năng sử dụng CNTT (phần cứng, phần mềm) cơ bản, kỹ năng học online cũng như ý thức, văn hóa học online. Đã có trường hợp học sinh "mời" người lạ vào phá lớp học, đồng loạt đánh giá thấp để phá ứng dụng; học sinh chưa biết sử dụng thiết bị CNTT, phần mềm học tập, chưa thể tự xử lý được một số lỗi kĩ thuật đơn giản làm gián đoạn việc học.

Năm là khó khăn từ phía giáo viên, giáo viên chưa được bồi dưỡng về kỹ năng soạn bài online, kỹ năng giảng bài online, kỹ năng sử dụng thiết bị phần cứng, phần mềm ứng dụng. Thực tế hiện nay, giáo viên đa phần tự mày mò hoặc học theo kiểu "truyền tay" dẫn đến quản lý lớp học lúng túng, hiệu quả bài giảng chưa cao.

Sáu là khó khăn từ phía nhà trường phổ thông trong việc tính giờ giảng cho giáo viên, tính học phí, trong việc quản lý các lớp học trực tuyến, quản lý giáo viên, dự giờ, phối hợp với gia đình trong học trực tuyến, lúng túng trong xây dựng kế hoạch học tập, lựa chọn giải pháp công nghệ. Nhiều trường giao cho giáo viên và học sinh tự xoay sở, tự đánh giá và báo cáo, lưu sổ sách điện tử.

Bảy là khó khăn về giải pháp công nghệ, an toàn thông tin mạng. Hiện nay các giải pháp công nghệ học trực tuyến tiên tiến của nước ngoài khá nhiều nhưng để áp dụng vào điều kiện của Việt Nam cần phải được điều chỉnh (customize) và bản địa hóa (localize) cho phù hợp, có đội ngũ hỗ trợ trực tiếp, đảm bảo an toàn thông tin. Khó khăn này cần sự tham gia của các doanh nghiệp Việt và sự khuyến cáo lựa chọn của cơ quan chuyên môn về công nghệ và an toàn bảo mật.

Đề xut mt s gii pháp thúc đẩy dy hc trc tuyến hiu qu

Từ các phân tích ở trên về yếu tố ảnh hưởng, thực trạng, khó khăn vướng mắc và nguyên nhân khi triển khai dạy học trực tuyến, có thể nhóm thành các nhóm vấn đề và đề xuất hướng giải pháp chung như sau:

Về nhận thức, cần xem học trực tuyến là một cấu phần chính thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy học, không chỉ là "cứu cánh" hay hỗ trợ mặc dù ở cấp phổ thông học sinh cần rèn luyện các kỹ năng mềm như vận động thể chất, giao tiếp trực tiếp - không thực hiện trực tuyến được; kết hợp học trực tuyến với trực tiếp để phát huy lợi thế của học trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, rút gọn về không gian khoảng cách, tiết kiệm thời gian học tập. Đặc biệt phát huy lợi thế đối với học sinh lớn có tự giác và kỷ luật cao, khao khát tích lũy kiến thức.

Về cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành đồng bộ quy định về điều kiện tổ chức, chương trình học trực tuyến, học liệu số, phương pháp, thời lượng mỗi tiết học trực tuyến (phù hợp lứa tuổi, giữ được sự tập trung, bảo vệ thị lực của học sinh), kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả học trực tuyến đảm bảo thống nhất, công bằng, hiệu quả và an toàn mạng; hướng dẫn mô hình dạy học trực tuyến và quy tắc ứng xử, nội quy lớp học trực tuyến; quy định về mức học phí, thù lao giáo viên đối với dạy học trực tuyến.

Về học liệu số, xây dựng kho học liệu số dùng chung ở các cấp, huy động giáo viên tham gia xây dựng học liệu, bài giảng và tuyển chọn từ các trường, phòng giáo dục, sở giáo dục lên Bộ GDĐT phục vụ toàn ngành; huy động kinh phí xã hội hóa, nguồn kinh phí đầu tư của doanh nghiệp để xây dựng, tuyển chọn học liệu đưa vào các kho dùng chung tránh trùng lắp, lãng phí.

Về hạ tầng cơ sở vật chất, thiết bị đầu cuối, đường truyền Internet, huy động nguồn lực từ phía các gia đình và sự hỗ trợ từ phía các tổ chức, doanh nghiệp đối với các trường hợp khó khăn; đề nghị ngành TTTT mở rộng các vùng phủ sóng, tăng băng thông đường truyền đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến; khuyến cáo các giải pháp học trực tuyến về chức năng và an toàn thông tin mạng để các nhà trường, giáo viên lựa chọn sử dụng phù hợp với từng điều kiện cụ thể.

Về trang bị kiến thức kỹ năng dạy học trực tuyến, Bộ GDĐT hướng dẫn, phân trách nhiệm đến các cấp địa phương, nhà trường xây dựng tài liệu và tổ chức bồi dưỡng kiến thức kỹ năng xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, soạn giảng trực tuyến, đánh giá kết quả, quản lý lớp học trực tuyến; kỹ năng sử dụng phần cứng, phần mềm và an toàn thông tin mạng cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học trực tuyến cho giáo viên và học sinh. Ngoài ra, phân cấp cho nhà trường, giáo viên phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc tham gia hỗ trợ quản lý giám sát học sinh học trực tuyến ở nhà.

Trên đây bài viết đã phân tích về bản chất các giải pháp học trực tuyến, các điều kiện đảm bảo hiệu quả dạy học trực tuyến cũng như thực trạng kết quả đạt được và các khó khăn thách thức đặt ra. Trên cơ sở đó, bài viết tổng hợp thành các nhóm nội dung đề xuất một số giải pháp định hướng chung nhằm thúc đẩy, tăng cường hiệu quả phương thức dạy học trực tuyến trong giai đoạn tới phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh chuyển đổi số trong GDĐT nước ta. Mỗi nhóm giải pháp đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa thành các đề án, kế hoạch hành động trước khi triển khai trên thực tế; các giải pháp phát triển dạy học trực tuyến ở khối phổ thông cũng cần nghiên cứu phát triển đồng bộ với ở khối đại học.

Tài liệu tham khảo

1. Các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo (văn bản số 1247/BGDĐT-GDCTHSSV, số 4612/ BGDĐT-GDTrH; số 1061/BGDĐT-GDTrH, số 1007/BGDĐT-GDTrH; số 793/BGDĐT-GDTrH, số 5807/BGDĐT-CNTT).

2. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/phong-chong-nCoV.aspx?ItemID=6609

3. https://thanhnien.vn/giao-duc/co-thua-nhan-viec-day-hoc-truc-tuyen-co-hoi-tao-ra-hanh-lang-phap-ly-1195042.html

4. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/go-kho-day-hoc-truc-tuyen-qua-truyen-hinh-dot-dich-covid-19-628824.html

5. Các tài liệu khác tham khảo khác trên Internet

 (Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3+4 Tháng 5/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp tăng cường hiệu quả dạy học trực tuyến trong nhà trường phổ thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO