Make in Vietnam để đất nước thịnh vượng, hùng cường

Nhóm PV| 09/05/2019 15:44
Theo dõi ICTVietnam trên

“Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được Bộ TTTT tổ chức đã chính thức khai mạc sáng nay 09/5/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Với chủ đề: “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, Diễn đàn thu hút khoảng 1000 đại biểu gồm Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng như quy tụ được hàng trăm chuyên gia, DN công nghệ uy tín trong và ngoài nước cùng các DN khởi nghiệp sáng tạo thành công trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Tham dự diễn đàn còn có Phó Trưởng Ban thường trực Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam? Đó chỉ có thể là công nghệ. Cuộc cách mạng số và đặc biệt là giai đoạn phát triển mới của nó - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam.

Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các DN công  nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các DNcông nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu”.

Sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới. Và cũng từ đó, Việt Nam sẽ thành một nước phát triển và hùng cường.

“Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”.  Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình. Make in Vietnam cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu: Ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại. Make in Vietnam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra”.

Trên thế giới, các công ty công nghệ lớn đều có mảng công nghiệp phục vụ quốc phòng. Báo chí Việt Nam gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc, công ty LinkSpace, công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. Được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. Tại sao các kỹ sư trẻ Việt Nam lại không thể làm điều tương tự? Bộ trưởng chia sẻ.

Ngày nay, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ mới. Những công ty nào áp dụng công nghệ để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tạo ra sản phẩm, thay đổi mô hình kinh doanh thì chính họ sẽ góp phần định hình lại thế giới. Các công ty công nghệ, dù là phát triển công nghệ hay sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như là dịch vụ, là nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào tất cả các DN, vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Chính vì thế mà phát triển DN công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1.

Muốn có các DN công nghệ, theo Bộ trưởng, việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ.

Chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực, từ DN tới chính phủ và xã hội, cũng sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các DN công nghệ số Việt Nam.

Năm 2019 này, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia - Digital Vietnam, nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số. Đổi mới sáng tạo diễn ra thuận lợi nhất là trong môi trường số. Bởi vậy mà chuyển đổi số được coi là tiền đề cho đổi mới sáng tạo diễn ra rộng khắp.

Nói đến công nghệ là nói đến nhân tài, Bộ trưởng cho biết “Người Việt Nam chúng ta thông minh, thích nghi nhanh với sự thay đổi, có khả năng may đo sản phẩm theo nhu cầu cá thể. Lại có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc về Việt Nam hoặc kết nối Việt Nam để xây lên những DN công nghệ Việt Nam.Chúng ta sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây”.

Đối với người tài xuất sắc, điều đầu tiên là được sáng tạo, có thách thức, thách thức càng lớn càng lôi quấn họ. Diễn đàn sẽ lắng nghe những đề xuất để Việt Nam có thể thu hút nhân tài toàn cầu.

Để hình thành các DN công nghệ lớn của Việt Nam, Bộ trưởng mong muốn các DN đã thành công ở các lĩnh vực dịch vụ, như thương mại, bất động sản, tài chính, có quy mô thị trường, có nguồn lực về tài chính và quản trị, có tinh thần khởi nghiệp, cần phải đầu tư vào phát triển công nghệ, công nghiệp, Đây không chỉ là lời kêu gọi mà đây là trách nhiệm đối với đất nước, đối với sự hưng thịnh của đất nước, nhưng cũng là cho tương lai của chính những công ty này”.

Chúng ta đã từng nghe một số công ty dịch vụ của Việt Nam tuyên bố chiến lược mới về một tập đoàn công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ như Viettel, Vingroup, VNPT, v.v... Nhiều quốc gia đã hoá rồng về cơ bản là trên nền tảng của một số tập đoàn công nghệ lớn. Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ xem xét tạo điều kiện để phát triển một số tập đoàn công nghệ lớn.

Đổi mới sáng tạo không thể không nói đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - những start-up. Việt Nam chúng ta cũng rất cần các khởi nghiệp công nghệ và cần rất nhiều những khởi nghiệp công nghệ bởi Chính những công ty công nghệ quy mô nhỏ này sẽ tạo lên một cuộc cách mạng toàn dân về phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Việt Nam luôn thành công khi phát động được toàn dân. Và cũng chính từ hàng chục, hàng trăm ngàn những khởi nghiệp công nghệ này sẽ hình thành lên một số người khổng lồ công nghệ Việt Nam”.

Toàn cảnh Diễn đàn

Chúng ta cần một quĩ để phát triển công nghệ Việt Nam. Sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn khi đây là một quĩ của toàn dân Việt Nam, của người Việt Nam trên toàn cầu. Việt Nam cường thịnh là khát vọng toàn dân, và Quĩ phát triển công nghệ Việt Nam là để hiện thực hoá khát vọng đó.

Bộ trưởng nhận định chúng ta đang và sẽ sống trong kỷ nguyên số, kéo dài hàng trăm năm. Một đất nước hoá rồng cũng phải mất nhiều thập kỷ. Sự chuyển đổi lớn nhất là sự chuyển đổi của tất cả mọi người trong xã hội đó. Và đó là câu chuyện của giáo dục, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học và đến môi trường học cả đời. Trong số rất nhiều đổi mới giáo dục thì có lẽ dạy ICT và ngoại ngữ phải là bắt buộc từ phổ thông. Nơi ứng dụng công nghệ đầu tiên nên và rất nên là giáo dục. Và những DN công nghệ Việt Nam đầu tiên cũng nên và rất nên là các DN công nghệ giáo dục.

Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghệ Việt Nam

Tại Diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ chia sẻ về thực trạng ứng dụng và phát triển các công nghệ Việt để giải quyết bài toán Việt Nam. Đồng thời, các diễn giả cũng sẽ chỉ ra đâu là các bài toán về sản xuất, kinh doanh mà Việt Nam cần đến các giải pháp công nghệ trong thời gian tới.

Sự góp mặt của các chuyên gia Hàn Quốc, ADB Việt Nam và Đại học Fulbright sẽ mang tới những kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ.

Trong khi đó, các DN công nghệ sẽ có cơ hội trình bày, chia sẻ về thực trạng và đề xuất chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghệ Việt Nam. Việc trao đổi giữa các DN và cơ quan quản lý sẽ giúp tìm ra những định hướng, giải pháp phù hợp cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Diễn đàn cũng sẽ là nơi mà các tổ chức, DN có bài toán cần giải quyết có cơ hội tiếp xúc, trao đổi trực tiếp và thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các DN công nghệ có sản phẩm, giải pháp công nghệ Việt.

Bên lề Diễn đàn sẽ là khu triển lãm trưng bày một số sản phẩm, giải pháp công nghệ của Việt Nam đã được ứng dụng trong thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Make in Vietnam để đất nước thịnh vượng, hùng cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO