Nền kinh tế số sẽ tạo ra giá trị ấn tượng cho ASEAN, Việt Nam

Lan Phương| 03/10/2018 16:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại diện của Google tại ASEAN và Việt Nam đã cho biết một số thông tin đáng chú ý về phát triển kinh tế số tại ASEAN và Việt Nam tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TTTT Việt Nam năm 2018 do Bộ TTTT tổ chức mới đây, tại Hà Nội.

Bà Claudia Chan, Trưởng Bộ phận Chính phủ và chính sách công khu vực ASEAN và Việt Nam của Google

Cụ thể, bà Claudia Chan, Trưởng Bộ phận Chính phủ và chính sách công khu vực ASEAN và Việt Nam của Google đã giới thiệu báo cáo “Tiến tới hội nhập số ASEAN” (Advancing towards ASEAN Digital Integration) của Bain & Company, hợp tác với Google, Sea và Tan Sri đề cập đến triển vọng phát triển kinh tế số tại ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo được thực hiện với việc điều tra hơn 2.300 DN nhỏ và vừa (SME) ở 10 quốc gia thành viên ASEAN và kết quả cho thấy việc tăng cường các nền kinh tế số trong khu vực có thể thúc đẩy thương mại và tăng trưởng trong khu vực.

ASEAN là một nền kinh tế quan trọng của toàn cầu nhưng chưa phải là một nền kinh tế số. Tích hợp số (digital integration) là rất quan trọng trong khu vực để cạnh tranh với các nền kinh tế lớn khác. ASEAN đứng thứ 3 về dân số, thứ 6 về GDP và thứ 4 về giá trị thương mại trên thế giới.

Tại khu vực ASEAN, nền kinh tế số mới chiếm có 7% GDP so với 36% tại Hoa Kỳ, tại Trung Quốc là 16%, và EU-5 (Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Vương quốc Anh) là 27%. Nếu chúng ta thực hiện được việc tích hợp số thì nền kinh tế số sẽ tạo ra được một giá trị ấn tượng, tương ứng với 1000 tỷ USD cho GDP ASEAN trong giai đoạn từ nay đến 2025 tại các nền kinh tế của ASEAN. “1000 tỷ USD là một động lực rất lớn để ASEAN có thể đặt ra các mục tiêu đạt được”.

Tích hợp số có thể mang lại 1000 tỷ USD cho GDP ASEAN vào năm 2025

"Nền kinh tế số hiện đang dậm chân tại chỗ trong ASEAN, nhưng có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Những phát hiện từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có những giá trị đáng kể nếu các nước ASEAN có thể hợp tác và phát triển thành một nền kinh tế số khu vực duy nhất, thay vì hoạt động riêng rẽ”, bà Claudia Chan cho hay.

5 lĩnh vực đóng góp hơn 50% GDP và sử dụng 60% lực lượng lao động ASEAN là sản xuất, nông nghiệp, bán lẻ, vận tải và logistics, CNTT-TT

Nghiên cứu cho thấy các SME trong các lĩnh vực đã đạt được các lợi ích tức thời và vững chắc khi các SME tích hợp với nền kinh tế số. Các SME bán lẻ sử dụng nền tảng thương mại điện tử đạt mức tăng trung bình 15% trong doanh số bán hàng, trong khi các SME sử dụng các công cụ số cải thiện năng suất trung bình từ 10% - 20%. Các SME trong ngành nông nghiệp sử dụng các ứng dụng canh tác đã cải thiện năng suất cây trồng từ 5% - 15%. Trong số các SME sử dụng các công cụ số, hơn 95% tham gia vào xuất khẩu - chứng minh việc tích hợp số có thể giúp các SME mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường địa phương của các SME.

Các SME có thể là động lực cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của Đông Nam Á nếu họ được trao quyền cùng với các nguồn lực và kỹ năng để mở tiềm năng thực sự của họ. Thương mại điện tử là động lực khi nhiều SME hơn khai thác thị trường mới, phát triển trực tuyến, nhưng điều quan trọng là nhiều SME hơn được tiếp cận với cơ hội này.

Vậy làm thế nào để đạt được quy mô 1000 tỷ USD?. Báo cáo đưa ra phát hiện thú vị khi các SME có một tiềm năng tạo ra giá trị từ nền kinh tế số trong khu vực ASEAN. Theo báo cáo, 75% SME nhận thấy tích hợp số là một cơ hội, trong khi chỉ có 16% số SME đang có khả năng nắm bắt đầy đủ tiềm năng của nền kinh tế số mang lại, nghĩa là hiện nay có 84% SME chưa có khả năng nắm bắt được những cơ hội đó và lý do là có rất nhiều rào cản để họ chuyển đổi số.

Báo cáo xác định một số rào cản mà các SME phải đối mặt trên con đường hội nhập số, bao gồm:

Hơn 50% các SME được khảo sát đã xác định các hàng rào phi thuế quan và logistics là rào cản khi họ tham gia vào thương mại xuyên biên giới, trong khi các SME làm việc trong lĩnh vực số ngày càng lo ngại về các rào cản thương mại số như nội địa hóa dữ liệu.

Sự thiếu vắng các lựa chọn thanh toán xuyên biên giới thông suốt cũng là một thách thức và đang làm cho thương mại xuyên biên giới trở nên khó khăn hơn.

SME thường thiếu những thông tin và tri thức về công nghệ số; hơn 40% SME được khảo sát thấy những khoảng trống trong kỹ năng số của lực lượng lao động.

Trong khi đối mặt với các trở ngại, các nước thành viên ASEAN có thể hợp tác để đẩy nhanh tiến độ số vào năm 2025 và có khả năng thúc đẩy GDP của khu vực. Các nhà hoạch định chính sách ASEAN có thể tập trung nỗ lực của họ vào một số lĩnh vực chính:

Tiếp tục các nỗ lực để thúc đẩy thương mại thông suốt. Tiếp tục loại bỏ các rào cản phi thuế quan và tập trung vào việc thực hiện các thỏa thuận thông thương hiện có.

Bảo vệ dữ liệu trong khi hỗ trợ thương mại số và đổi mới. Hài hòa các chính sách trong nước với các nguyên tắc được nêu trong Khung ASEAN về Bảo vệ dữ liệu cá nhân (ASEAN Framework for Personal Data Protection) và các khung quốc tế - giữ cân bằng giữa bảo vệ và lưu chuyển luồng dữ liệu.

Cho phép thanh toán số thông suốt, cả trong nước và khu vực. Phát triển hệ sinh thái thanh toán số bằng cách áp dụng các khuôn khổ phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu, cung cấp tính linh hoạt cho việc tích hợp xuyên biên giới.

Xây dựng nhân lực số cho khu vực. Triển khai các chương trình nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động trong các lĩnh vực ưu tiên, phát triển lộ trình kỹ năng số có liên quan với sự giúp đỡ của các đối tác khu vực tư nhân.

Thúc đẩy tinh thần kinh doanh. Tiếp tục đơn giản hóa quy trình quản lý hiện tại cho các SME - đặc biệt là những người bắt đầu kinh doanh.

Điều phối hành động trong các quốc gia thành viên. Chỉ định một cơ quan duy nhất, chẳng hạn như Ủy ban điều phối ASEAN về thương mại điện tử (ACCEC) - mở rộng nhiệm vụ của mình ngoài thương mại điện tử để giám sát và điều phối việc phân phối tất cả các khía cạnh của Khung tích hợp số.

Bằng cách ưu tiên triển khai số ở các lĩnh vực quan trọng này và tạo điều kiện cho việc chia sẻ các thực tiễn tốt nhất giữa các quốc gia thành viên, ASEAN có thể nhanh chóng tiến tới tiên phong trong nền kinh tế số toàn cầu”, bà Claudia Chan nhấn mạnh.

Cơ hội cho Việt Nam

Đối với Việt Nam, bà Claudi Chan cho biết, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi trội so với các quốc gia khác trong những năm qua, đặc biệt về thu hút đầu tư nước ngoài. Các dịch vụ viễn thông đã có một giá cả phù hợp, việc mua một chiếc SIM điện thoại di động đã dễ dàng hơn; tốc độ tải về dữ liệu nhanh hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.

Báo cáo này cũng đã nêu bật về cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, tiền đề thuận lợi giúp Việt Nam phát triển trong thời gian tiếp theo. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) mạnh mẽ là một chìa khóa để giải phóng tiềm năng của Việt Nam. Để giải phóng khả năng tiềm ẩn của nền kinh tế, vai trò của các SME rất là quan trọng.

Đại diện của Google đã nêu một ví dụ là điển hình là công ty Vietponics đã khai thác được ưu thế, cơ hội của công nghệ mang lại và ứng dụng các công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp để hạ thấp chi phí cũng như nâng cao năng suất làm việc và tiếp cận khách hàng. Đây là một câu chuyện thành công điển hình và hiện nay các SME không chỉ tại Việt Nam mà các quốc gia ASEAN có một cơ hội để ứng dụng các công nghệ số tiếp cận nền kinh tế số thông qua một nền tảng kết nối.

Một số công nghệ để nâng cao năng suất lao động cũng như bổ sung thêm giá trị gia tăng cho Việt Nam như hệ điều hành Android, một sản phẩm của Google, đã giúp tạo ra 48.000 công việc trực tiếp, chưa bao gồm những công việc gián tiếp mà hệ điều hành Android đã mang lại. Google đã giúp giảm chi phí trong việc phát triển ứng dụng tương ứng với 68 triệu USD về cắt giảm chi phí. Đó là lợi ích mà các nền tảng Google mang lại để tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí.

Bà Claudi Chan cũng lưu ý khi chúng ta kết nối khu vực đô thị thì cũng không được quên vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Đối với Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong khu vực vùng nông thôn chiếm tỷ lệ rất là lớn.

Tiếp theo, Việt Nam cũng cần nâng cao trình độ số, thu nhập thấp nên cần phải hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp và phải có giải pháp, dịch vụ thanh toán xuyên biên giới hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần phải có các hệ thống giao thông vận tải để vận chuyển hàng hóa thông suốt, xuyên biên giới với năng lực logistics hiệu quả.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nền kinh tế số sẽ tạo ra giá trị ấn tượng cho ASEAN, Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO