UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng chữ ký số (CKS), chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan nhà nước (CQNN) tỉnh Bắc Giang.
Theo Quyết định, việc quản lý và sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong các CQNN của tỉnh do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý chứng thư số của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp theo quy định; Chứng thư số chuyên dùng Chính phủ được sử dụng để ký số trong các giao dịch điện tử của các CQNN tỉnh Bắc Giang, đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành;...
Đối với trường hợp quản lý và sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong các CQNN được sử dụng rộng rãi cho tất cả các loại văn bản điện tử trong các CQNN tỉnh Bắc Giang; không áp dụng đối với các văn bản mật, tuyệt mật, tối mật và các văn bản khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, việc áp dụng sử dụng CKS được thực hiện từng bước theo lộ trình thích hợp để đạt hiệu quả tốt nhất trong các giao dịch điện tử; Triển khai ứng dụng CKS phải phù hợp với thực tiễn, không làm ngưng trệ công tác văn thư lưu trữ, hành chính khi thực hiện áp dụng CKS; Việc quản lý, sử dụng CKS cần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Quyết định cũng quy định rõ hình thức CKS của cơ quan, đơn vị trên văn bản số hóa; hình thức CKS của người có thẩm quyền ký ban hành văn bản; Hình thức CKS của cơ quan, đơn vị ký ban hành văn bản.
Ngoài ra, Quyết định còn quy định cụ thể về quy trình ký số; xác thực CKS; điều kiện đăng ký cấp mới, gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư số, thu hồi thiết bị lưu khóa bí mật, khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật; chế độ báo cáo định kỳ.
Một trong những tỉnh dẫn đầu về việc ứng dụng CKS
Theo UBND Bắc Giang, hiện nay, hầu hết văn bản đều được giải quyết trên môi trường mạng (trừ những văn bản mật). Nhờ vậy, giúp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại của cán bộ chuyên môn và kinh phí cho việc in ấn, giấy mực. Đồng thời, thay đổi tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ từ trực tiếp sang giải quyết công việc trên môi trường mạng; góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) tốt hơn. Chỉ riêng tháng 10/2020, Văn phòng HĐND - UBND TP. Bắc Giang đã phát hành 1.059 văn bản bản sử dụng CKS qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc (đạt tỷ lệ 100%).
Bắc Giang bắt đầu triển khai ký số văn bản điện tử tại các sở, ngành, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh từ năm 2015. Qua thời gian thực hiện cho thấy nhiều tiện ích như: Giảm thiểu tối đa thời gian gửi nhận văn bản, chuyển tài liệu; việc ký các văn bản tiện lợi, nhanh chóng và là nền tảng để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 4. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, khi áp dụng sẽ tiết kiệm hàng tỷ đồng ngân sách mỗi năm.
Tỷ lệ gửi nhận văn bản điện tử tích hợp CKS thay thế hoàn toàn văn bản giấy giữa các CQNN ở cấp tỉnh đạt hơn 98% (trừ văn bản mật và các văn bản bắt buộc phải phát hành bản giấy theo quy định).
Nhằm nâng cao tính năng sử dụng, tháng 10/2019, Sở TT&TT Bắc Giang, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ), Trung tâm VNPT Bắc Giang phối hợp cấp 156 sim PKI và thực hiện thủ tục hòa mạng cho các thuê bao phục vụ việc ký số trên các thiết bị di động (iPad, điện thoại thông minh) cho lãnh đạo các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố. Cùng đó, Sở đã xây dựng ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trên hệ điều hành ISO, Android để dễ dàng sử dụng trên điện thoại di động.
Hiện nay 100% các CQNN trên địa bàn tỉnh đã sử dụng CKS trong giải quyết công việc. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cấp hơn 5,7 nghìn chứng thư số; trong đó cấp 4.028 chứng thư số cho cá nhân, 1.676 chứng thư số cho tổ chức. Việc theo dõi, quản lý CKS được thực hiện thường xuyên, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cá nhân, tổ chức; bảo đảm an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử.
Bắc Giang được Ban Cơ yếu Chính phủ đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu về việc ứng dụng CKS chuyên dùng trong hoạt động của các CQNN. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, minh bạch, thúc đẩy cải cách hành chính, hướng tới chính quyền điện tử.