Lời hẹn gặp với Nguyễn Văn Khoa, kể từ ngày anh nhậm chức Tổng giám đốc FPT vào đầu tháng 4/2019, cuối cùng đã lỡ tới... 3 năm. Bởi lần nào hẹn gặp, anh cũng bảo: “Mình chưa làm được gì”, “Chưa có gì để nói”...
Nhưng lần này thì khác, bởi nhìn vào kết quả kinh doanh của FPT 3 năm qua, thì có quá nhiều điều để nói. Trong 3 năm đó, có đến 2 năm môi trường kinh doanh biến động dữ dội vì đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT thì có thể khiến bất cứ công ty nào cũng... thèm muốn, bởi toàn ở khoảng 19-20%.
Vậy nhưng, ngồi với tôi trong căn phòng Tổng giám đốc ở “tầng 13 huyền thoại”, Tòa nhà FPT - tòa nhà văn phòng công ty thuộc diện “xịn xò” nhất hiện nay, anh chỉ nói đơn giản rằng: “Ba năm qua, với tôi chỉ là đi học việc và may mắn”.
Lẽ thường, ở vị trí như Khoa, gọi “ông” là đúng phép lịch sự. Nhưng tự nhận mình vẫn là “thanh niên”, Khoa luôn thích gọi mình bằng “anh”, bằng tên trong cuộc trò chuyện với tôi.
Dù đã kinh qua rất nhiều vị trí trong suốt 25 năm ở FPT, cũng đứng đầu ở nhiều đơn vị thành viên, ví như FPT Telecom, nhưng Tổng giám đốc FPT là vị trí rất khác. Khi nhậm chức CEO cách đây 3 năm, Khoa mới 42 tuổi, thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 3 ở FPT. Nói “học việc” ở vị trí CEO có lẽ cũng đúng một phần.
Còn về sự “may mắn”, Khoa bảo, đấy chính là câu chuyện trong nguy có cơ. “Covid-19 đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều cơ hội”, Khoa nói.
Cũng đúng thật. Điều này không chỉ FPT, mà nhiều tập đoàn công nghệ cũng nhận ra. Bởi trong Covid-19, “công nghệ” lên ngôi, chuyển đổi số được thúc đẩy nhanh chóng, mà FPT lại là một trong những công ty công nghệ có “đai đẳng” trong tư vấn và thực thi chuyển đổi số cho khách hàng.
Covid-19 khiến mọi con đường giao thương quốc tế bị ngăn trở. Vậy là rất nhiều hợp đồng của các doanh nghiệp lớn trong nước có nhà thầu nước ngoài đều dở dang, không triển khai được. “Thế là họ tìm tới FPT. Và rồi chúng tôi nhận ra, lâu nay chúng tôi đã chú tâm nhiều hơn vào thị trường nước ngoài mà có phần lơ là thị trường trong nước. Bắt tay vào làm rồi mới thấy, có những thứ mình có thể làm tốt hơn cả các nhà thầu nước ngoài. Chúng tôi có lợi thế là gần khách hàng hơn, hiểu chính sách, hiểu môi trường kinh doanh của Việt Nam...”, Khoa kể.
Nhận thấy tiềm năng ấy, FPT đầu tư nhiều hơn vào hệ sinh thái các sản phẩm “made by FPT”, để có thể phục vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác nhau, từ tài chính - ngân hàng, sản xuất đến bất động sản... Ngay trong mùa dịch, FPT cũng đã thành lập Công ty TNHH FPT Digital - chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển đổi số và Công ty TNHH FPT Smart Cloud - hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Điện toán đám mây (Cloud). Hàng loạt hợp đồng cũng đã được ký, với Vinfast, với Coteccons...
“Và quan trọng là với FPT, nói là làm”, Khoa quả quyết.
Như dự án ERP thần tốc cho Coteccons, top 3 nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam, là một ví dụ. Bình thường trước đây, để triển khai dự án đó phải mất cả năm trời, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo, nhờ sự nỗ lực của “nhà F”, và cả tính kỷ luật từ thời áp dụng OKR (Objective and Key Results-phương pháp quản trị bằng mục tiêu và các kết quả chính được Google và nhiều doanh nghiệp hàng đầu sử dụng - PV), dự án đã đi vào vận hành chỉ trong 100 ngày. Nhờ đó, ngay cả trong cao điểm dịch, Coteccons không những không thu hẹp hoạt động mà ngược lại tăng tốc đầu tư.
“Dự án hệ thống giao dịch mới của HoSE cũng thế. Khi Chủ tịch FPT đứng ra lãnh trách nhiệm đưa giải pháp xử lý tình trạng nghẽn lệnh, nhiều người nghi ngờ, có nhà thầu nước ngoài đưa ra thời hạn 14 tháng. Nhưng cuối cùng, chỉ sau 100 ngày triển khai, hệ thống giao dịch mới do chúng tôi cung cấp đã chính thức đi vào vận hành, thay thế hệ thống cũ của HoSE để khắc phục tình trạng quá tải trên thị trường chứng khoán”, Khoa tự hào nói.
Không chỉ nhìn thấy cơ hội ở khối doanh nghiệp lớn, quyết không bỏ lỡ phân khúc dành cho doanh nghiệp nhỏ, năm 2020 Ban lãnh đạo FPT bàn bạc và đi đến quyết định: mua lại Base.vn.
Với thương vụ “bom tấn” này, FPT không chỉ củng cố “vị trí thống lĩnh” của mình trong dịch vụ công nghệ thông tin trong nước, mà còn giúp hoàn thiện hệ sinh thái ứng dụng phục vụ chuyển đổi số nhằm phục vụ tốt hơn phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, với nhu cầu chuyển đổi số được dự báo sẽ rất lớn trong tương lai.
Và tất nhiên, càng không thể bỏ lỡ cơ hội từ hành trình chuyển đổi số của các địa phương, mà kể từ Đại hội Đảng XIII, đã trở thành nhiệm vụ then chốt. Thế nên, suốt mấy năm qua, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Khoa và “nhà” FPT đã chủ động tiếp cận được với hơn 40 tỉnh, thành phố, và gần 20 địa phương đã chọn FPT là nhà tư vấn và triển khai chiến lược chuyển đổi số của họ.
“Chúng tôi mong muốn đưa kinh nghiệm chuyển đổi số trên thị trường quốc tế đến với các cơ quan, tổ chức Việt Nam, tập hợp được nhiều nhất các nguồn lực, từ các đơn vị tư vấn, chuyên gia hàng đầu, các giải pháp hiệu quả cho đến nguồn lực tài chính để tăng tốc chuyển đổi số các địa phương, chuyển đổi số quốc gia”, Khoa cho biết.
Ở thị trường nước ngoài, nhiều hợp đồng quy mô lớn cũng được ký kết. Thậm chí, hợp đồng với một hãng kinh doanh ô tô lớn bậc nhất nước Mỹ có giá trị lên tới 70 triệu USD. Năm nay, có khả năng ghi nhận thêm hợp đồng quy mô 100 triệu USD.
“Trong Covid-19, tăng trưởng ở thị trường nước ngoài của FPT còn cao hơn trước. Có những hợp đồng thầu, chúng tôi chiến thắng với điểm số cao nhất. Có lẽ là vì chúng tôi đã phản ứng nhanh hơn các đối thủ khác. Chúng tôi đã thực hiện M&A, mở thêm văn phòng đại diện ở khu vực Nam Mỹ và Ấn Độ, cắm thêm người ở tất cả 27 thị trường mà FPT có văn phòng. Họ chính là những người đi trình bày và triển khai các chương trình chuyển đổi số cho khách hàng”, Khoa cười và bảo, chính những nỗ lực ấy đã giúp FPT có được sự tăng trưởng ổn định trong những năm qua.
Cơ hội là rất nhiều. Nhưng nhìn thấy cơ hội và nắm bắt được cơ hội là hai chuyện khác nhau. “Nhiều người nhìn thấy, nhưng họ không đủ năng lực để nắm bắt cơ hội”, Khoa cười nhẹ và tự hào nói rằng, ngoài năng lực công nghệ, kinh nghiệm mấy chục năm trong lĩnh vực phần mềm, điều khiến FPT có thể liên tiếp giành thắng lợi, đó là vì đã có thể đoàn kết được lực lượng trong những năm qua.
Vẫn nụ cười hồn hậu ấy, Khoa kể, khi nhận lời làm Tổng giám đốc FPT, anh Bình có hỏi rằng, “việc gì là quan trọng nhất với em”, thì Khoa trả lời, đó chính là “giúp anh cùng biến FPT trở thành công ty trường tồn”.
Có lẽ cũng vì quan tâm nhiều hơn đến ước vọng “FPT trường tồn”, nên nhiệm vụ đầu tiên mà Chủ tịch Trương Gia Bình giao cho Khoa là thay đổi mô hình quản trị của Tập đoàn sang “OKR”.
“Đổi mới một hệ thống quản trị trong một tập đoàn không dễ một chút nào, nhưng chúng tôi nhận ra khi quy mô Tập đoàn lớn hơn thì mọi thứ phải thay đổi”, Khoa nói.
Và gần như cả năm đầu tiên nhậm chức CEO FPT, triển khai OKR là mục tiêu sống còn của anh, cũng như cả Tập đoàn. OKR tạo ra những thay đổi, đưa FPT trở thành một tập thể luôn tiến về phía trước và tiến lên một cách tự giác, bởi nó kích hoạt năng lượng, tố chất để mỗi người FPT trở thành một người thủ lĩnh. Chỉ khi đặt bản thân vào thế khó, con người mới bộc lộ hết sức mạnh, tư duy, sáng tạo và bản lĩnh vốn có.
Triển khai OKR, với FPT mà nói, cũng là cách để người FPT biến mục tiêu của mỗi cá nhân thành “điều kỳ diệu” cho Tập đoàn.
“Chúng ta có thể đi qua cung trăng bằng tên lửa, nhưng vượt qua dải ngân hà bằng OKR. Tôi tin vào điều này”, Khoa chia sẻ.
Sau ba năm, thiết lập OKR giúp tất cả làm việc tập trung hơn, giải quyết mục tiêu ưu tiên từng tháng và từng quý, thay vì 6 tháng hay 1 năm như trước kia. Điều đó giúp FPT làm được nhiều thứ hơn, có những thành công vượt bậc trong các lĩnh vực như kinh doanh, sản xuất, bán hàng và vận hành hệ thống.
Trong đó, nổi bật là những mục tiêu “leng keng” về tăng trưởng doanh thu. Trong 2 năm Covid, doanh thu FPT luôn tăng 19-20%. FPT đã giành hàng loạt hợp đồng trăm triệu USD trước các doanh nghiệp công nghệ tên tuổi hàng đầu thế giới. Tinh thần OKR cũng được thể hiện ở các dự án lớn như cái bắt tay lịch sử giữa FPT và Đất Xanh Group - đánh dấu dự án chuyển đổi số quy mô lớn hàng đầu Đông Nam Á…
Tất cả đã chuyển đổi rất nhanh. “Điều đó làm thay đổi FPT và sẽ trở thành đặc trưng, ưu điểm của FPT so với các đối thủ”, Khoa tin tưởng.
FPT sau 2 năm Covid, đúng như Ban lãnh đạo FPT đã “tính toán” từ trước, đã trở nên “rất khác”, mạnh mẽ hơn, định hình rõ ràng hơn về vị thế của một tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam.
“Với chúng tôi, đó là một sự nỗ lực rất lớn”, Khoa mỉm cười.
Nhớ hôm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã tự tin khẳng định giữa hội trường rằng: “Thời của FPT đã đến”, thế nên, tôi hỏi Khoa: “Thời của FPT là gì”, và câu trả lời không gì khác vẫn tiếp tục là “chuyển đổi số”.
Với thị trường trong nước, Khoa nói, những năm qua mới chỉ là đang đi “gieo hạt”, muốn gặt hái thành công thì còn phải vài ba năm nữa. Nhu cầu thị trường còn lớn lắm, bởi không chỉ doanh nghiệp, mà cả các địa phương cũng xác định chuyển đổi số là con đường để tăng tốc, phát triển.
Ở thị trường thế giới cũng thế, các doanh nghiệp toàn cầu cũng đang trong cuộc đua chuyển đổi số. “Ít nhất là 10 năm nữa, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho chuyển đổi số”, Khoa bảo.
Nhưng để mở cánh cửa tăng trưởng bứt phá, Khoa tiết lộ, FPT sẽ tập trung nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới nhất, như AI, như Blockchain, như Metaverse...
“Khi cái cũ vẫn đang kinh doanh tốt, vẫn kiếm được tiền thì sẽ có những câu hỏi đặt ra là có cần thiết để thay đổi không. Nhưng để đạt được khát vọng Top 50 công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới vào năm 2030, chúng tôi phải chấp nhận đặt cược, phải dồn sức cho công nghệ mới”, Khoa cho biết.
Hơn thế nữa, để hiện thực hóa được khát vọng của Chủ tịch Trương Gia Bình và của cả Tập đoàn, kế hoạch của Khoa, người vừa tiếp tục được HĐQT tiếp tục tin tưởng tái bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc FPT, là tiếp tục thực hiện M&A để mở rộng thị trường nước ngoài, đồng thời tập trung cho phát triển nguồn lực. Theo tính toán, chỉ vài năm nữa, FPT cần tới 10 vạn người, thậm chí 30 vạn người trong mục tiêu dài hơi hơn.
Ba năm trước, khi nhậm chức, Khoa hứa với anh Bình rằng, trong 5 năm, sẽ đưa vốn hóa của FPT lên 10 tỷ USD. “Giờ thì đã được 4 tỷ USD rồi, thậm chí nếu không có chuyện sụt giảm trên thị trường chứng khoán vừa rồi, thì chắc sẽ được 5 tỷ USD”, Khoa cười vang.
Xem ra, Khoa và Ban lãnh đạo FPT còn nhiều việc phải làm lắm, không chỉ là 10 tỷ USD vốn hóa, Top 50 công ty chuyển đổi số, mà còn là để thực hiện khát vọng “FPT trường tồn”.
Khoa, ở FPT vẫn được “gắn” với rất nhiều dự án “vô tiền khoáng hậu”, như kéo cáp ngầm qua sông Hậu đi Cần Thơ năm 2008, rồi cùng anh em hoàn thành đường trục Bắc - Nam chỉ trong vòng 9 tháng 10 ngày không lâu sau đó... Giờ ở vị trí mới, sẽ không còn trực tiếp thực hiện các dự án như vậy nữa.
“Nhưng tôi vẫn là cầu sau của chiếc xe cải tiến”, Khoa cười.
Là chuyện của 9 năm trước, khi tôi lần đầu phỏng vấn Khoa, lúc ấy đang làm Tổng giám đốc FPT Telecom, anh tự nhận mình là “cầu sau của chiếc xe cải tiến”. Tức là anh sẽ là người luôn lùi lại ở phía sau để giúp đồng nghiệp của mình phát triển một cách nhanh nhất. Nếu ở phía sau, nếu có người đi lệch, anh sẽ biết để điều chỉnh, để tất cả cùng phát triển.
“Giờ tôi vẫn là cầu sau của chiếc xe cải tiến, có điều chiếc xe to hơn và còn có kéo thêm nhiều rơ-mooc”, Khoa nói.
Rơ-mooc ở đây, theo ý anh, chính là những thế hệ FPT thứ 4, thứ 5, thứ 6... mà anh phải chịu trách nhiệm dìu dắt, giống như anh đã được thế hệ lãnh đạo đàn anh Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc, Trương Đình Anh... dìu dắt.
“Chúng tôi sẽ là những cánh tay nối dài để cùng làm nên một FPT trường tồn, một FPT trăm năm”, Khoa hăm hở.