Aristoteles luôn suy tư, trăn trở đi tìm giá trị cuộc sống của con người, bắt đầu từ những băn khoăn: Tôi được sinh ra giữa cuộc đời này để làm gì? Điều gì tôi sẽ đạt được từ những hoạt động của tôi? Mục đích cuối cùng của đời tôi là gì? Làm sao tôi có được cuộc sống tốt?... Đó là những vấn đề được đặt ra không của riêng ai.
Với những suy tư về con người, Aristoteles đã cố gắng trình bày quan điểm đạo đức của ông để giải quyết phần nào về những vấn đề như trên của nhân loại. Ông tập trung vào hoạt động của con người để tìm một hướng đi đúng đắn để sống đẹp, sống đúng giá trị của một con người thực sự.
Theo ông, chỉ có sống đạo đức mới có thể đến được với cuộc sống hạnh phúc và hưng thịnh. Mà chìa khóa để làm được điều đó là thực hiện sống đạo đức mọi lúc, biến chúng thành thói quen và thậm chí thành suy nghĩ, thành tâm trí. Trong số nhiều thói quen mà bạn có thể thực hành để tiệm cận với một lối sống đạo đức, đây là 3 thói quen thực tế nhất mà Aristoteles ưu tiên:
Sống can đảm
Aristoteles tin rằng mỗi đức tính (hoặc thói quen) đều ở giữa ranh giới của 2 tính cách. Sự can đảm quá mức dễ trở thành thô lỗ và thiếu hụt một chút lại trở thành hèn nhát. Bản thân sự can đảm cũng phải có giới hạn và có mức độ thể hiện nếu không muốn trở nên thô lỗ và mù quáng.
Ví dụ như bạn có một công việc 8 tiếng mỗi ngày nhưng không thực sự yêu thích nó. Bạn băn khoăn giữa việc ở yên một chỗ vì thu nhập (việc này bị cho là hèn nhát) hay bỏ việc để đi theo tiếng gọi của đam mê dù chưa có gì đảm bảo là sẽ có một nguồn thu đủ sống chứ chưa nói đến việc có thành công hay không. Lựa chọn giữa đi và ở có thực sự thông minh trong trường hợp này?
Sự can đảm không nằm ở việc bạn sẵn sàng đánh đổi mọi thứ vì điều mình thích. Trong cuộc sống hiện nay, trước mọi hành động bạn đều nên được suy nghĩ cẩn thận. Thành lập thói quen suy nghĩ cẩn trọng sẽ giúp bạn kiểm soát hành động của mình và đưa ra những quyết định hợp lý.
Trên thực tế, điều này có vẻ giống như viết ra tất cả những lợi ích và bất lợi của tình huống bạn gặp phải. Nếu chúng ta can đảm hơn một chút, chúng ta có thể thay đổi tình huống này không? Nếu chúng ta quá vội vã, có điều gì có thể sẽ bị bỏ lỡ? Sự cẩn trọng trước mỗi quyết định lớn đã là chìa khóa để chúng ta hành động can đảm hơn rất nhiều.
Duy trì sự hài hước, lạc quan
Aristoteles nhấn mạnh những cuộc đối thoại là một phần quan trọng để có một cuộc sống tốt, trong đó sự hài hước là một phần “gia vị” nên có.
Không phải ai cũng có khiếu hài hước và cũng không phải ai cũng biết điểm dừng đúng lúc của những trò đùa. Sự cân bằng hoàn hảo giữa hai nhóm này là sự dí dỏm, hài hước một cách thông minh. Những người có khiếu hài hước tinh tế có thể biến mọi câu chuyện thành thú vị và hấp dẫn. Họ có một sự tinh tế nhất định để hiểu được nên nói hay không nên nói gì, biết cách trả lời một cách sáng tạo và hầu hết đều được mọi người xung quanh đón nhận.
Nhưng có vẻ như đây là một thói quen không hề dễ, bởi nó dường như thuộc về bẩm sinh và nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Để trở thành một người giao tiếp tốt thì việc đầu tiên bạn có thể làm là trở thành một người biết lắng nghe.
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng bạn hãy thử tin một lần. Bạn có để ý là khi mình nói chuyện với bạn thân thì câu chuyện có vẻ hài hước và thân thiết hơn không? Đó là bởi vì bạn hiểu người kia, bạn biết tính cách của người đó và có cách nói chuyện mà cả hai cùng thích. Lắng nghe giúp bạn hiểu được điều mà người đối diện thực sự muốn, từ đó có những hành vi phù hợp với hoàn cảnh và tình huống, tránh trở nên vô duyên.
Khiêm tốn là đỉnh cao của sự hiểu biết
Aristoteles xác định khiêm tốn có nghĩa là im lặng về những thành công của bạn. Tiềm ẩn trong sự khiêm tốn là kiến thức mà bạn bồi đắp, sự may mắn và những tốt đẹp trong cách bạn được nuôi dưỡng. Người khiêm tốn luôn biết rằng không có điều gì là hoàn hảo trong cuộc sống và như vậy việc khoe khoang bất kỳ điều gì cũng là sai lầm.
Không khoe khoang, họ cũng không phải là một người nhút nhát như nhiều người vẫn tưởng. Họ ít nói về bản thân đơn giản vì họ hiểu những điều nên hoặc không nên thể hiện, để tất cả mọi người đều cảm thấy bình đẳng trong câu chuyện chung.
Bạn có thể luyện tập sự khiêm tốn bằng hai điều: thứ nhất, coi trọng tất cả những điều làm nên thành công của bạn ngày hôm nay. Thứ hai, không ngừng nâng cao kho kiến thức của bản thân để “biết người biết ta”.
Theo Med