4 động lực thúc đẩy thị trường di động châu Phi cận Sahara tăng trưởng (P1)

B.N| 16/10/2015 14:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Cơ sở hạ tầng viễn thông tại châu Phi cận Sahara tiếp tục mở rộng và phát triển trên các lĩnh vực trọng điểm. Người tiêu dùng, các doanh nghiệp, chính phủ và xã hội đều đang tận dụng sức mạnh từ những sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Điều này kéo theo sự gia tăng của các công nghệ liên quan và tạo ra tiềm năng cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường di động tại khu vực này.

I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG

Dự báo đến cuối năm 2014, thị trường châu Phi cận Sahara sẽ có hơn 635 triệu thuê bao di động và sẽ tăng lên khoảng 930 triệu vào cuối năm 2019 [1] . Những thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội, sự cải tiến liên tục về công nghệ trong lĩnh vực ICT, nhiều thiết bị mới được đưa ra thị trường đã thúc đẩy sự gia tăng số lượng thuê bao di động trong khu vực. Là một thị trường khá nhạy cảm về giá nhung hiện nay, châu Phi cận Sahara đang có sự tăng trưởng về số lượng người sở hữu điện thoại di động cũng như điện thoại thông minh giá rẻ đang ngày càng phổ biến.

Tỷ lệ thâm nhập di động ở châu Phi cận Sahara đang tiến gần tới tỷ lệ chung của toàn cầu. Cụ thể, cuối năm 2013, tỷ lệ của toàn cầu khoảng 92% trong khi châu Phi đạt được xấp xỉ 70% [1]. Theo số liệu thống kê cuối quý 1/2014 [1], Nigeria và Nam Phi vẫn là những quốc gia trong khu vực dẫn đầu về số lượng thuê bao di động, tiếp theo là Kenya, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ghana.

Số lượng thuê bao trả trước chiếm chủ yếu ở thị trường châu Phi cận Sahara. Thống kê năm 2013 cho thấy [1], 99% thuê bao ở Nigeria sử dụng hình thức thanh toán trả trước, tiếp theo là Kenya (98%) và Nam Phi là 83%. Loại hình thuê bao trả trước này đã góp phần làm ổn định số lượng thuê bao di động cho các nhà khai thác trong khu vực.

Doanh thu từ việc chia sẻ dữ liệu trên điện thoại di động của khu vực châu Phi cận Sahara vào năm 2018 sẽ tăng lên gấp hai lần so với năm 2013. Trong đó, tỷ lệ số lượng điện thoại thông minh được sử dụng so với các loại điện thoại di động nói chung sẽ tăng lên gấp hơn 2 lần, từ 12% năm 2013 lên 26% năm 2018 [3].

Có thể thấy, điện thoại di động là một thiết bị truyền thông được lựa chọn hàng đầu trong thị trường tiêu dùng ở châu Phi cận Sahara. Chi phí sử dụng tương đối thấp của điện thoại di động và giá thiết bị liên tục giảm đã khiến cho điện thoại di động trở nên phù hợp với hầu hết các phân khúc khách hàng, đặc biệt khi mà tầng lớp trung lưu ở khu vực này đang có xu hướng gia tăng.

Việc nhiều người dân thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau tiếp cận được với điện thoại di động cho thấy tiềm năng tăng trưởng số lượng người sử dụng điện thoại di động ở khu vực châu Phi cận Sahara. Khái niệm kỹ thuật số đã đến được với những người dân có thu nhập từ thấp đến trung bình, cũng như những doanh nghiệp hoạt động bên ngoài phạm vi thành phố.

Ngân hàng di động (Mobile Banking) là một ví dụ về các dịch vụ kỹ thuật số như vậy, thông qua điện thoại di động, đã xâm nhập đến những vùng nông thôn cách rất xa các trung tâm đô thị, có sức thu hút và mức độ sử dụng rất lớn. Đây là những khu vực thường gặp nhiều thách thức xã hội như tỷ lệ thất nghiệp cao, điều kiện giao thông kém... nhiều hơn so với thành thị. Vì thế, những dịch vụ như Mobile Banking đã giúp người dân thực hiện được các giao dịch tài chính với chi phí thấp do giảm chi phí đi lại.

Cuộc cách mạng di động ở châu Phi cận Sahara vẫn đang tiếp tục diễn ra nên tỉ lệ xâm nhập của các thiết bị thông minh và điện thoại thông minh ở khu vực này sẽ còn tiếp tục gia tăng. Điều này đã thu hút các nhà mạng đầu tư triển khai các công nghệ 3G/4G nhằm mang lại trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho người dân ở khu vực này. Mặc dù, hiện nay, đại đa phần người tiêu dùng ở châu Phi có thu nhập thấp và họ đang sử dụng thiết bị di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G nên GSM sẽ vẫn là công nghệ chiếm ưu thế trong khu vực cho đến năm 2018. Tuy nhiên, khi nhiều người dân thoát khỏi nghèo đói và gia nhập tầng lớp trung lưu, sự có mặt của các điện thoại thông minh giá rẻ và di động ngày càng trở nên không thể thiếu đối với cuộc sống của người dân châu Phi và như vậy, số lượng thuê bao 3G/4G ở thị trường này sẽ ngày càng gia tăng (Hình 1).

1. Lưu lượng di động và vùng phủ sóng

Trong một xã hội kết nối như hiện nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng các thiết bị như điện thoại thông minh và máy tính bảng để thay thế hoặc bổ sung cho các công cụ trong công việc hàng ngày. Ví dụ, nhiều người dân ở khu cực châu Phi cận Sahara sẽ mua một điện thoại di động thay cho việc lựa chọn chiếc điện thoại cố định truyền thống, vì ngoài việc sử dụng tính năng liên lạc, nó còn được sử dụng để thực hiện nhiều tính năng khác như email, xem tin tức. Việc gia tăng sử dụng di động cho vô số những hoạt động trong công việc, giải trí... đồng nghĩa với lưu lượng di động sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới.

Sự phát triển của mạng xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy gia tăng lưu lượng di động ở khu vực châu Phi cận Sahara. Các số liệu thống kê về sử dụng dịch vụ cho thấy, 74% người sử dụng mạng xã hội ở khu vực châu Phi cận Sahara gửi tin nhắn cho bạn bè; 62% kiểm tra cập nhật của những người bạn; 46% tải hình ảnh/video từ phương tiện truyền thông xã hội và 15% tải nội dung trực tuyến.

Với tốc độ phát triển như vậy, lưu lượng truy cập dữ liệu di động của khu vực này được dự đoán sẽ tăng khoảng 20 lần trong giai đoạn 2013 - 2019 trong khi, trên toàn cầu, tỷ lệ tăng trưởng chỉ là 10 lần. Vì vậy, các nhà khai thác di động và các bên liên quan đến lĩnh vực ICT trong đó có chính phủ, phải điều hướng sự phát triển của cơ sở hạ tầng phù hợp để đáp ứng nhu cầu lưu lượng ngày càng tăng.

Các thuê bao WCDMA/HSPA và LTE sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu về tốc độ và nâng cao độ tin cậy. Trong giai đoạn 2013 - 2019, Nigeria, Nam Phi và Angola dự kiến là 3 quốc gia có số lượng thuê bao LTE lớn nhất trong khu vực, trong khi Nigeria, Nam Phi và Kenya sẽ dẫn về số lượng thuê bao WCDMA/HSPA. GSM sẽ tiếp tục là công nghệ chính được sử dụng trong khu vực trong những năm tới và sẽ phủ sóng tới khoảng 80% dân số vào năm 2019. Tuy nhiên, vùng phủ sóng WCDMA/HSPA sẽ tăng từ 20% năm 2013 lên 65% năm 2019. LTE tăng từ 5% trong năm 2013 lên 40 % năm 2019 (Hình 3).

2.sự phát triển của băng rộng di động

Di động băng rộng trở thành nhu cầu thiết yếu trong khu vực châu Phi cận Sahara khi mà sự tăng trưởng của thị trường viễn thông trong khu vực phụ thuộc nhiều hơn vào các thiết bị di động và xu hướng di động hóa xã hội. Tuy nhiên, do sự khan hiếm phổ tần, châu Phi đang gặp phải những thách thức như tắc nghẽn lưu lượng, chậm trễ trong triển khai mạng lưới, chi phí dịch vụ cao và vấn đề chất lượng dịch vụ. Để giải quyết những vấn đề này cần có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người dùng, chính phủ và các nhà khai thác.

Giá cước phù hợp là yếu tố quan trọng ở khu vực châu Phi cận Sahara. Có tới 47% người sử dụng điện thoại di động ở châu Phi cận Sahara cho rằng mặc dù rẻ và truy cập dễ dàng hơn so với đường Internet cố định nhưng giá cước sử dụng dữ liệu di động vẫn còn quá đắt [2]. Do đó, để phát triển đầy đủ các dịch vụ di động tại khu vực châu Phi cận Sahara, giá cước cần phải được giảm thiểu.

Sự xuất hiện của máy tính bảng và điện thoại thông minh giá rẻ tại thị trường châu Phi là chất xúc tác cho sự phát triển đa dạng nội dung di động. Các ứng dụng di động đang hỗ trợ nhu cầu giải trí, thông tin liên lạc,... của người dùng. Một số ứng dụng khác đang làm thay đổi vai trò ngành công nghiệp và hỗ trợ tiến bộ xã hội trong khu vực. Ví dụ, MedAfrica là một ứng dụng điện thoại di động cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe và y học và được truy cập thông qua tất cả điện thoại di động - không chỉ là điện thoại thông minh. Mọi người có thể sử dụng thông tin một cách độc lập, làm giảm gánh nặng quá tải công việc của các bác sĩ. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể sử dụng dịch vụ MedAfrica để giảm thiểu chi phí đi lại và xếp hàng trong khi các bác sĩ có thể tập trung vào trường hợp bệnh nhân nặng hơn. Rõ ràng, giá cả phù hợp cho thị trường châu Phi cận Sahara để người dân có thể truy cập vào các dịch vụ băng rộng di động là một điều cần thiết cho khu vực này.

3. Xu hướng và đặc tính của người tiêu dùng

Sự thu hút nhanh chóng của điện thoại thông minh trong khu vực và trên toàn cầu đã thay đổi cách mọi người giao tiếp và sử dụng Internet. Điều này cũng làm thay đổi tất cả các ngành công nghiệp khác. Một giai đoạn mới của việc đa dạng hóa sử dụng điện thoại thông minh đã xuất hiện nhanh chóng, khi người tiêu dùng đang ngày càng có khả năng cá nhân hóa nội dung mà họ truy cập. Mọi người đang tìm kiếm những sáng tạo từ điện thoại di động để cải thiện cuộc sống hàng ngày của họ.

Người sử dụng điện thoại di động ở châu Phi cận Sahara sử dụng thiết bị của họ suốt cả ngày, tại các địa điểm khác nhau và cho một loạt các hoạt động. Xu hướng truy cập dịch vụ và các tính năng trên điện thoại di động mọi lúc, mọi nơi là động lực chính thúc đẩy sử dụng băng rộng di động trong khu vực. Trong thực tế, đa phần người dân ở khu vực châu Phi cận Sahara truy cập Internet băng rộng di động. Cụ thể, có tới 70% người sử dụng điện thoại di động tại các quốc gia được khảo sát trong khu vực, duyệt web trên các thiết bị của họ, so với 6% người sử dụng máy tính để bàn [2]. Khi công nghệ viễn thông trở thành một phần quan trọng trong các chức năng hoạt động của doanh nghiệp và xã hội, thì các bên liên quan như chính phủ và các nhà mạng cần phải phân bổ tài nguyên hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. di động có thể nâng cao mức độ hài lòng trong một số hoạt động như mua sắm, ngân hàng và giải trí. Đồng thời các dịch vụ di động hoặc kỹ thuật số cũng hỗ trợ cho sự phát triển của các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, giao thông vận tải, y tế, thông tin liên lạc giữa chính phủ và địa phương.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khai trương Trung tâm Báo chí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Trung tâm Báo chí được thành lập nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phóng viên (PV) trong nước, quốc tế đưa tin về Lễ kỷ niệm và chủ động, tích cực cung cấp thông tin của Ban Tổ chức về Lễ kỷ niệm.
  • Khám phá đất và người xứ Nghệ trên không gian số
    Thời gian qua, Bảo tàng Nghệ An đã mạnh dạn đưa công nghệ vào hoạt động trưng bày, để tiếp cận và thu hút du khách. Du khách đến với Bảo tàng Nghệ An từ chỗ "cấm sờ tay vào hiện vật" nay có thể được chạm tay vào hiện vật, cổ vật, được khám phá các danh lam, thắng cảnh, lịch sử, con người xứ Nghệ, thông qua không gian số 3D; khám phá kho dữ liệu lịch sử đã được số hóa... giúp Bảo tàng Nghệ An ngày càng hút khách, nhất là giới trẻ.
  • Báo chí và học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Báo Resumen Latinoamericano của Argentina những ngày qua liên tục đăng các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
  • Tháo gỡ rào cản nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT
    Nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo CNTT, Viện Quản trị và Công nghệ ABS (Đại học Thành Đô) ra đời với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo 100% sinh viên đủ phẩm chất, kỹ năng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
4 động lực thúc đẩy thị trường di động châu Phi cận Sahara tăng trưởng (P1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO