Chuyển đổi số

4 mục tiêu cốt lõi của Trung tâm IOC Cà Mau trong xây dựng chính quyền số

Đỗ Thêu 16:10 07/12/2024

Cà Mau xác định Trung tâm IOC phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện tại cũng như định hướng phát triển chung của tỉnh. Trung tâm IOC có ý nghĩa quan trọng đặc biệt để triển khai các dịch vụ, tiện ích về chuyển đổi số, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2-9160.jpg
Trung tâm IOC được trang bị 18 tấm màn hình ghép chuyên dụng với công nghệ mới nhất, được bố trí tại sảnh chính phía ngoài Phòng Điều hành IOC (tòa nhà UBND tỉnh Cà Mau).

Tạp chí Thông tin và Truyền thông đã có dịp phỏng vấn bà Trần Thị Cẩm Hằng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau về những định hướng, kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số của tỉnh trong năm 2025, trong đó, một trong những trọng tâm là việc xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (Trung tâm IOC).

PV: Được đánh giá là một trong những dự án quan trọng trong Ðề án chuyển đổi số của tỉnh Cà Mau, sau thời gian xây dựng chuẩn bị, vận hành thử nghiệm, đến nay Trung tâm IOC đã sẵn sàng đi vào hoạt động chính thức. Xin bà cho biết, dự án này có ý nghĩa và vai trò như thế nào trong công tác xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số theo mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh?

Bà Trần Thị Cẩm Hằng: Trong khuôn khổ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2025 về xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số, thời gian vừa qua, Cà Mau đã và đang từng bước thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nền tảng, dịch vụ của Chính quyền điện tử nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cải thiện chất lượng đời sống nhân dân, tạo môi trường để người dân tham gia xây dựng chính quyền và quản lý xã hội.

Trong đó, tỉnh đã xác định việc xây dựng Trung tâm Trung tâm IOC là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt là phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện tại cũng như định hướng phát triển chung của tỉnh trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị trong tương lai. Đây được xem như là nền tảng để triển khai các dịch vụ, tiện ích về chuyển đổi số trong thời gian tới, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trung tâm IOC được xem như là trung tâm kết nối với các hệ thống thành phần, cung cấp góc nhìn toàn diện; phân tích, xử lý cơ sở dữ liệu thu thập được từ các hạ tầng và các nguồn dữ liệu khác cho phép lãnh đạo các cấp kịp thời đưa ra quyết định điều hành với thông tin đầy đủ và chính xác nhất, phục vụ công tác chuyên ngành. Qua đó, lãnh đạo các cấp giám sát và quản lý kinh tế - xã hội có cái nhìn tổng thể, ra quyết định điều hành và xây dựng chính sách, thể chế kịp thời và chính xác, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

PV: Được biết Trung tâm IOC được xây dựng với 4 cấu phần chính, bà có thể phân tích rõ hơn về các cấu phần, tính năng vượt trội mà hệ thống trang thiết bị có thể mang lại, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Chính quyền số thông minh, hiện đại?

Bà Trần Thị Cẩm Hằng: 04 cấu phần chính của Trung tâm IOC tỉnh bao gồm: Trang thiết bị tại Phòng Điều hành IOC; Hệ thống máy chủ vận hành (Server vận hành Phần mềm lõi IOC); Hệ thống Camera AI; Phần mềm lõi vận hành IOC và tích hợp các ứng dụng.

Trung tâm IOC được thiết kế với 18 tấm màn hình ghép chuyên dụng với công nghệ hiện đại, mỗi tấm 55 inch, viền 0,4mm, được bố trí tại sảnh chính phía ngoài Phòng giám sát, điều hành; 06 bộ máy tính để bàn sử dụng cho việc vận hành Hệ thống tương ứng với 06 vị trí làm việc. Trung tâm IOC được trang bị wifi đủ mạnh để đáp ứng cho hơn 100 kết nối đồng thời và toàn bộ hệ thống này được kết nối bằng cáp quang về Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.

Hệ thống máy chủ vận hành (Server vận hành Phần mềm lõi IOC) được đầu tư, đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh sử dụng công nghệ Điện toán đám mây và phát triển trên nền tảng mã nguồn mở Openstack. Nền tảng Điện toán đám mây cho phép tỉnh khai thác tối đa hiệu suất hạ tầng các thiết bị đã được đầu tư, sẵn sàng triển khai các hệ thống, cơ sở dữ liệu lớn để ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là việc phân tích, khai phá dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị, kiến tạo phát triển cho các ngành, các lĩnh vực, các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống phần mềm lõi (IOC) được thiết kế trên cơ sở khung tham chiếu đô thị thông minh đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và được tùy biến đồng bộ với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau. Với kiến trúc thiết kế như trên, Hệ thống phần mềm lõi của Trung tâm IOC đã kết nối, liên thông toàn diện với các hệ thống thông tin đã triển khai của Chính quyền điện tử tỉnh để tổng hợp, phân tích các số liệu hoạt động của các cơ quan, giúp lãnh đạo dễ dàng quản trị, điều hành nền hành chính công của tỉnh thông qua Trung tâm IOC.

Điểm khác biệt của Trung tâm IOC tỉnh Cà Mau là cung cấp ứng dụng IOC truy cập trên các thiết bị di động và tích hợp được công nghệ trợ lý ảo có thể trả lời, giải đáp các số liệu các lĩnh vực mà Trung tâm IOC đã thu thập nhằm hỗ trợ lãnh đạo dễ dàng giám sát, khai thác dữ liệu mọi lúc mọi nơi, từ đó, đưa ra quyết định chính xác, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Ngoài ra, kiến trúc lõi của Hệ thống phần mềm điều hành thông minh này cũng cho phép nhiều nhà phát triển phần mềm cùng tham gia triển khai tích hợp các nền tảng số để hoàn thiện Trung tâm giám sát điều hành theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

PV: Trước mắt Trung tâm IOC sẽ thực hiện thu thập, xử lý dữ liệu thông tin, hiển thị trực quan 13 lĩnh vực của tỉnh. Xin bà có thể phân tích rõ hơn về quy trình hoạt động nêu trên? Những giá trị mà tính kết nối dữ liệu giữa các cấp, các ngành và các lĩnh vực trong tỉnh mang lại là gì?

Bà Trần Thị Cẩm Hằng: Hiện nay, Trung tâm IOC tỉnh đang thực hiện thu thập, xử lý dữ liệu, thông tin và hiển thị trực quan 13 lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực dữ liệu được kết nối tự động thông qua API từ các hệ thống phần mềm sẵn có của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một vài lĩnh vực chưa kết nối được với Trung tâm IOC hoặc đang trong quá trình nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng nên dữ liệu ở các lĩnh vực này được thu thập và cập nhật lên hệ thống thông qua phương pháp thủ công truyền thống.

Cán bộ đầu mối của các lĩnh vực này cung cấp thông tin, dữ liệu khi có thay đổi dưới dạng tập tin để cán bộ vận hành Trung tâm IOC cập nhật trực tiếp vào hệ thống. Theo quy định hiện nay, thời gian cung cấp số liệu khi có thay đổi không quá 12 giờ đối với ngày làm việc, không quá 24 giờ đối với thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày nghỉ lễ, tết. Đối với các lĩnh vực kết nối dữ liệu thông qua API, dữ liệu được tự động cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời lên hệ thống hằng ngày trên nguyên tắc dữ liệu được cập nhật, hiển thị trên hệ thống là dữ liệu thật, cán bộ đầu mối, phụ trách từng lĩnh vực dữ liệu của các sở ngành chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, chính xác của dữ liệu hiển thị tại Trung tâm IOC.

Tất cả dữ liệu sau khi được thu thập, tổng hợp và cập nhật sẽ được hệ thống phân tích, đánh giá và hiển thị trực quan hoá thông qua các biểu đồ hiển thị trên màn hình Dashboard. Đặc biệt, đối với dữ liệu Camera AI, hệ thống sẽ phân tích, nhận dạng các lỗi vi phạm giao thông, thông tin biển số xe, hình ảnh người vi phạm … Dữ liệu này có ý nghĩa rất quan trọng và hỗ trợ tích cực cho các cơ quan chức năng khi có nhu cầu truy vết đối tượng vi phạm.

Việc kết nối dữ liệu giữa các cấp, các ngành và các lĩnh vực trong tỉnh đã góp phần tăng tính hiệu quả, chính xác trong công tác quản lý, điều hành và hỗ trợ hiệu quả quá trình ra quyết định của lãnh đạo; tăng tính minh bạch và trách nhiệm với người dân và doanh nghiệp; cải thiện chất lượng dịch vụ công, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng một chính quyền điện tử minh bạch, hiệu quả.

PV: Bên cạnh hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, thì yếu tố con người (nguồn nhân lực) đóng vai trò then chốt trong quá trình vận hành Trung tâm IOC. Xin bà cho biết nguồn nhân lực phục vụ Trung tâm IOC được tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng thế nào để phục vụ quá trình vận hành đạt kết quả cao nhất?

Bà Trần Thị Cẩm Hằng: Có thể nói, việc triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm IOC là một việc làm tương đối mới mẻ đối với tỉnh nên vẫn còn một số nội dung cần được cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó có nguồn nhân lực tham gia vận hành, làm thế nào để đảm bảo vận hành hiệu quả khi Trung tâm IOC chính thức đưa vào khai thác. Vì vậy, cơ cấu tổ chức, bộ máy vận hành của Trung tâm IOC trước mắt được tỉnh cơ cấu theo hình thức Tổ Quản lý, vận hành mà không cơ cấu nhân sự, tổ chức bộ máy theo mô hình đơn vị sự nghiệp. Số lượng thành viên Tổ quản lý, vận hành hiện nay là 07 nhân sự bao gồm một lãnh đạo Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông là Tổ trưởng; Tổ phó là một lãnh đạo Cổng Thông tin điện tử tỉnh; 05 thành viên còn lại bao gồm 02 thành là chuyên viên đang làm việc tại Cổng Thông tin điện tử tỉnh và 03 thành viên còn lại là chuyên viên đang làm việc tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông.

z6101489869416_d2ad91f64581e467942aa5acf23f7a65.jpg
Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (người đang ngồi) tham quan phòng điều hành IOC.

Hầu hết nhân sự trong Tổ quản lý, vận hành đều được lựa chọn kỹ càng với trình chuyên môn, nghiệp vụ tốt, đáp ứng với yêu cầu của Trung tâm khi vận hành cũng như khả năng tiếp thu tốt những kiến thức và công nghệ mới khi tiếp quản và vận hành hệ thống. Dự kiến khi kết thúc thời gian vận hành thử hệ thống, cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức đánh giá và tham mưu tỉnh về cơ cấu tổ chức nhân sự chính thức cho Trung tâm IOC cũng như ban hành các quy định, quy chế liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các đơn vị có kết nối và chia sẻ dữ liệu lên Trung tâm IOC.

PV: Xin bà cho biết thêm, để việc thực hiện thu thập, xử lý dữ liệu thông tin trên các lĩnh vực của Trung tâm IOC được vận hành trơn tru, hiệu quả, tỉnh Cà Mau gắn trách nhiệm đối với cán bộ quản lý các cấp như thế nào trong quá trình phối hợp cung cấp thông tin dữ liệu? Ngoài ra, nội quy tổ vận hành dựa trên tinh thần dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”. Xin bà có thể phân tích rõ hơn về nội dung này?

Bà Trần Thị Cẩm Hằng: Như đã đề cập, dữ liệu được xem như là “bộ não”, là tài sản quý giá nhất của Trung tâm IOC. Việc thu thập, chuẩn hóa, phân tích dữ liệu để tạo ra giá trị mới cùng với tăng cường kết nối và chia sẻ dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho người dân là mục tiêu mà tỉnh đang hướng tới. Chính vì vậy, song song với việc triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư của dự án, tỉnh đã có công tác chuẩn bị liên quan đến dữ liệu bằng việc ban hành quy chế Quản lý, vận hành Trung tâm IOC, nêu rõ các đơn vị quản lý các lĩnh vực chịu trách nhiệm cập nhật và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành đảm bảo theo nguyên tắc đúng, đủ, sạch, sống.

Để làm được điều này, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có lĩnh vực dữ liệu được kết nối, chia sẻ lên Trung tâm IOC phải phân công cán bộ làm đầu mối phối hợp với cán bộ vận hành Trung tâm IOC thường xuyên rà soát, cung cấp và cập nhật dữ liệu, đồng thời chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, đầy đủ, có giá trị và theo thời gian thực của dữ liệu của lĩnh vực mình phụ trách.

Thời gian tới, sau khi kết thúc thời gian vận hành thử, tỉnh sẽ tiến hành tổng hợp, rà soát để đúc kết những nội dung cần được cải thiện, cân nhắc điều chỉnh trong đó bao gồm các nội dung về trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dữ liệu, nhân sự và đặc biệt là ban hành Quy chế phối hợp cung cấp dữ liệu giữa các bên có liên quan trong vận hành và khai thác Trung tâm IOC khi đưa vào vận hành chính thức.

PV: Xin bà cho biết, với sự quan tâm đặc biệt và kỳ vọng lớn lao của các cấp lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Trung tâm IOC đặt ra những mục tiêu cụ thể gì trong thời gian tới? Các giải pháp cụ thể để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra là gì?

Bà Trần Thị Cẩm Hằng: Để góp phần đạt được mục tiêu và kỳ vọng của các cấp, các ngành, của lãnh đạo tỉnh về hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của Trung tâm IOC trong quản lý điều hành của Chính quyền điện tử, sau khi đi vào vận hành chính thức, Trung tâm IOC phấn đấu đạt được một số nội dung cốt lõi sau.

Thứ nhất, đảm bảo hiệu quả vận hành trên cơ sở sử dụng các công nghệ tiên tiến để thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu; làm cơ sở để các cấp, các ngành tối ưu hóa quy trình hoạt động, tăng tính kết nối, liên thông, đồng bộ và hiệu quả trong quản lý và điều hành.

Thứ hai, phát huy vai trò giám sát để hỗ trợ chính quyền đưa ra các quyết định kịp thời dựa trên các thông tin, dữ liệu được phân tích theo thời gian thực và cập nhật liên tục từ nhiều nguồn khác nhau. Trên cơ sở dữ liệu được phân tích, lãnh đạo các cấp có thể đưa ra quyết định chính xác và hiệu quả hơn, từ đó giúp nâng cao hiệu quả trong công việc, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm đặc biệt là trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ ba, cải thiện sự tương tác và phối hợp giữa các cấp, các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Khi dữ liệu được liên kết, các cơ quan, đơn vị có thể truy xuất và sử dụng thông tin nhanh chóng, giảm thiểu sự chồng chéo và tăng cường sự hợp tác giữa các bộ phận. Từ đó, giúp các cấp, các ngành có cái nhìn toàn diện, bao quát hơn, hỗ trợ quá trình dự báo xu hướng và các vấn đề tiềm ẩn khác nhanh chóng, kịp thời, giảm thiểu rủi ro và khủng hoảng.

Thứ tư, đẩy mạnh và tăng cường công tác thu thập, chuẩn hóa và phân tích dữ liệu mà trọng tâm là các cơ sở dữ liệu ở các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như giải quyết thủ tục hành chính, hộ tịch, đất đai, giáo dục và đào tạo, y tế, nông nghiệp, góp phần thay đổi căn bản phương thức tiếp cận, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo hướng ngày càng thuận tiện hơn.

Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự đồng thuận, nỗ lực hết mình của các cấp, các ngành đặc biệt là người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị trong quyết tâm thực hiện và đạt mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh. Trong đó, xác định công tác phát triển dữ liệu để phục vụ cho IOC là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh việc rà soát và mở dữ liệu; dữ liệu được cung cấp đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của dữ liệu trong hoạt động chuyển đổi số kết hợp với phổ biến mục tiêu, nhiệm vụ và chức năng của Trung tâm IOC để cán bộ, người dân và doanh nghiệp được biết, cùng tham gia khai thác, tạo dựng và thụ hưởng những giá trị, lợi ích do Trung tâm IOC mang lại.

PV: Xin cảm ơn bà về những thông tin trên!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Đừng bỏ lỡ
4 mục tiêu cốt lõi của Trung tâm IOC Cà Mau trong xây dựng chính quyền số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO