5 năm Đường sách TP. Hồ Chí Minh: Từ đường giao thông đến không gian tri thức

Tuấn Trần| 09/01/2021 21:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 9/1/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Thông tin - Truyền thông TP. Hồ Chí Minh và Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Đường sách Thành phố.

5 năm Đường sách TP.HCM: Từ đường giao thông đến không gian tri thức - Ảnh 1.

Một góc Đường sách TP. Hồ Chí Minh.

Đường sách TP. Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 9/1/2016, tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Bình, quận1, là nơi qui tụ của những đơn vị kinh doanh sách có uy tín, thương hiệu tiêu biểu của ngành xuất bản, in và phát hành. Các đơn vị tham gia phải là đơn vị trực tiếp làm công tác xuất bản, có bề dày thương hiệu, uy tín với bạn đọc và có năng lực tổ chức các hoạt động góp phần phát triển văn hóa đọc.

Thành quả của sự đồng lòng giữa "ý Đảng, lòng dân"

Đọc sách miễn phí tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh

Để phục vụ nhu cầu đọc sách miễn phí trong cộng đồng, Xe buýt sách - mô hình Thư viện mini được ra đời vào Ngày sách Việt Nam 21/4/2018 và giao cho Dự án Sách Chuyền Tay đảm nhận. Cho tới nay, "Xe buýt sách" đã phát huy được vai trò của "Chuyến xe chở tri thức - Chở tương lai" và lan tỏa thói quen đọc sách đến cộng đồng; đã có hơn 1.000 lượt bạn đọc đến tặng sách (mỗi lượt từ 1 cuốn đến vài chục cuốn), có bạn đọc từ các tỉnh xa như Hưng Yên, Đắk Lắk cũng gửi sách về theo đường bưu điện hoặc xe khách; có trên 15.000 lượt bạn đọc đến mượn sách và độ tuổi phổ biến của người mượn từ 16 - 35 tuổi (chiếm 79%); tỷ lệ bạn đọc quay trở lại mượn sách lần thứ 2 lên đến hơn 80%; mức độ hài lòng và mong muốn mô hình tiếp tục gìn giữ cho cộng đồng trên 90%.

Sự ra đời của Đường sách TP. Hồ Chí Minh là thành quả của sự đồng lòng giữa "ý Đảng, lòng dân" về việc tạo dựng một không gian văn hóa đọc, điểm đến văn hóa tinh thần của người dân Thành phố và cả nước, xứng đáng là niềm tự hào của người làm xuất bản, niềm tin yêu của cư dân TP. Hồ Chí Minh.

Từ một công trình giao thông, đường Nguyễn Văn Bình, quận 1 với sự chung tay nuôi dưỡng của nhiều tổ chức, cá nhân, qua nhiều gian nan vất vả, đã được xây dựng trở thành không gian tri thức, điểm đến văn hóa của đông đảo bạn đọc và du khách.

Đường sách TP. Hồ Chí Minh không chỉ là nơi mua bán sách, mà còn là nơi hội tụ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây là điểm đến thường xuyên của các doanh nhân, trí thức, của các gia đình vào dịp cuối tuần, và đặc biệt là các trường học, cơ sở giáo dục, với đông đảo các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, đến đây học tập, vui chơi trong không gian an toàn, không khói thuốc, không xe cộ, không rác thải, không tiếng ồn...

Không chỉ là không gian của văn hóa đọc thuần tuý, Đường sách TP. Hồ Chí Minh còn là nơi diễn ra các hoạt động nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc từ dân gian đến đương đại thông qua ngôn ngữ của các loại hình sân khấu, nhiếp ảnh, hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc, sưu tầm... phục vụ nhu cầu tinh thần đa dạng, phong phú của bạn đọc khi đến với Đường sách TP. Hồ Chí Minh.

5 năm Đường sách TP.HCM: Từ đường giao thông đến không gian tri thức - Ảnh 2.

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty TNHH Đường sách TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 5 năm Đường sách Thành phố

Theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty TNHH Đường sách TP. Hồ Chí Minh: "Trải qua 5 năm hoạt động, với sự chung tay của xã hội, Đường sách TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hơn 1.000 hoạt động, sự kiện nổi bật, cùng với hơn 300 đơn vị, đối tác hoạt động trên các lĩnh vực văn hoá, chính trị, xã hội, ngoại giao trong và ngoài nước. Trong đó mỗi năm có hơn 100 cuộc giao lưu, giới thiệu sách, góp phần phát triển văn hóa đọc, gieo sự đam mê, yêu thích, lôi cuốn nhiều bạn trẻ đến với sách".

Vẫn theo ông Lê Hoàng: "Nhìn lại chặng đường 5 năm, chúng tôi không quên cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Thành phố, các sở, ban, ngành để cho ra đời Đường sách TP. Hồ Chí Minh, đáp ứng sự mong mỏi, nguyện vọng của người dân về một không gian thưởng lãm các giá trị tinh thần văn hóa đầy tính nhân văn".

5 năm Đường sách TP.HCM: Từ đường giao thông đến không gian tri thức - Ảnh 4.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại lễ kỷ niệm 5 năm Đường sách Thành phố

Điểm sáng cho sự phát triển văn hóa đọc

Cách đây 5 năm, thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã chấp nhận đề nghị của Uỷ ban Nhân dân Thành phố về việc chọn trục đường Nguyễn Văn Bình, quận1 làm đường sách. Đó là vì, muốn tồn tại và phát triển, Đường sách phải ở trung tâm Thành phố, gần Bưu điện Thành phố là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa (gửi nhận thư tín, bưu thiếp đi các nước thông qua khách nước ngoài và khách du lịch), gần Nhà văn hóa Thanh niên (thu hút nhiều giới trẻ), gần Quảng trường Công xã Paris... Đường Nguyễn Văn Bình không dài và ít xe cộ lưu thông, một con đường đẹp, lãng mạn, ở một vị trí đắc địa, bao quanh bởi những di sản kiến trúc mang dấu ấn lịch sử của Sài Gòn hàng trăm năm.

Và từ đó đến nay, cứ mỗi độ Xuân về, Đường hoa Nguyễn Huệ, Đường sách TP. Hồ Chí Minh là những nét đẹp, văn hoá, mang đặc điểm riêng của Thành phố đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân và bà con Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đón Tết xa nhà, nhưng trên hết, Đường sách đã góp phần vào sự phát triển văn hóa đọc của người dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Khi đến Đường sách, vào bất cứ thời gian nào cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn đọc tận hưởng niềm vui với quyển sách trên tay, tâm tình bên ly cà phê với không khí trong lành, bình yên của Đường sách, hoặc dễ dàng tham gia các hoạt động tương tác, các chương trình giao lưu giới thiệu sách vào dịp cuối tuần, tạm xa rời các thiết bị công nghệ, tái nạp năng lượng xanh, tích cực vốn có từ không gian này.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: "Nhìn lại chặng đường 5 năm, có thể khẳng định, sự ra đời và hoạt động của Đường sách TP. Hồ Chí Minh là điểm sáng cho sự phát triển văn hóa đọc, là mô hình văn hóa đọc đầu tiên của cả nước hoạt động một cách hiệu quả, theo đúng tôn chỉ".

Điều tích cực là sự lan tỏa của Đường sách TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh/thành đã học tập kinh nghiệm để xây dựng Đường sách trên địa bàn của mình. Việc đó góp phần đưa sách đến với công chúng, góp phần trong việc đưa sách đến với công chúng, phát triển văn hóa đọc, hình thành các tụ điểm, không gian văn hóa phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đường sách TP. Hồ Chí Minh: Những con số biết nói

Trong 5 năm, Đường sách TP. Hồ Chí Minh đã đón khoảng 11,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu của các đơn vị có gian hàng đạt 181 tỷ đồng, với hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra, trong đó có hơn 57.000 tựa sách mới.

Từ năm 2016 - 2019, hoạt động kinh doanh của các đơn vị tại Đường sách tăng trưởng đều đặn và ổn định, doanh thu bình quân mỗi năm tăng khoảng 10 - 15%/năm.

Năm 2020, một năm khó khăn với tất cả các ngành nghề, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ sản xuất đến kinh doanh, dịch vụ... và thu nhập của người dân trên toàn thế giới bị giảm sút nhiều nên các chỉ số kinh doanh tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh cũng bị sụt giảm cũng là điều không tránh khỏi. So với năm 2019, năm 2020, doanh thu tại Đường sách đã giảm 28%, số bản sách bán ra giảm khoảng 37%, số tựa sách mới giảm 40% và lượt khách giảm 42%.

Trong 5 năm, Đường sách TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức 1.194 sự kiện với các loại hình hoạt động ngày càng đa dạng, được đầu tư vào chiều sâu, góp phần gia tăng lượng bạn đọc đến với Đường sách để tìm mua sách và tham gia vào các hoạt động, trải nghiệm, giao lưu văn hoá.

Đường sách TP. Hồ Chí Minh có 21 gian hàng sách mới (15 đơn vị là nhà xuất bản, công ty sách), 6 gian hàng sách cũ, sách xưa và sách quý, 2 quán cà phê sách và 2 gian hàng quà lưu niệm cho khách du lịch trong nước, quốc tế, 1 xe buýt sách - thư viện mini phục vụ bạn đọc miễn phí.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5 năm Đường sách TP. Hồ Chí Minh: Từ đường giao thông đến không gian tri thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO