Hòa chung các hoạt động kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), tác giả Truyện Kiều - một kiệt tác trong nền văn học Việt Nam, triển lãm "Truyện Kiều và các bản dịch" với 73 bản dịch bằng 21 ngôn ngữ khác nhau đã được tổ chức từ 12-29/9 tại Paris, Cộng hòa Pháp.
Đây là kết quả sưu tầm của nhà nghiên cứu văn học phương Đông Nguyễn Thị Sông Hương, Việt kiều Pháp, một người con Hà Tĩnh - quê hương của đại thi hào Nguyễn Du. Chị hiện công tác tại Trường Nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội Paris, Pháp.
Chị Sông Hương cho biết: "Cho đến tháng 8/2020, các bài nghiên cứu về Truyện Kiều và Nguyễn Du của các nhà nghiên cứu cũng chỉ mới phỏng đoán khoảng 30 bản dịch. Còn về sách thì nơi tập trung nhiều bản dịch nhất là Khu lưu niệm Nguyễn Du (ở Hà Tĩnh), với khoảng 65 cuốn nhưng mới chỉ có 14 trong số 21 ngôn ngữ đã chuyển dịch.
Viện Văn học là nơi thứ hai có nhiều bản dịch nhất, khoảng từ 18 đến 20 bản dịch trong bộ sưu tập sách về Truyện Kiều do gia đình cố Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn tặng năm 2015.
Còn tại Tủ sách Việt Nam của Thư viện Quốc gia Pháp có rất nhiều tư liệu quý về Truyện Kiều nhưng cũng chỉ có 6 bản dịch bằng tiếng Pháp và 3 bản dịch bằng tiếng Anh. Chính vì lý do đó mà tôi đã tập trung thời gian tìm kiếm để có thể hoàn thành bộ sách trước tháng 3/2020." sau gần 2 năm sưu tầm, chị Sông Hương đã tập hợp được 73 bản dịch Truyện Kiều bằng 21 ngôn ngữ khác nhau.
73 bản dịch là một số lượng lớn, trong khi Truyện Kiều là một tác phẩm rất khó dịch, không chỉ là việc chuyển tải ngôn ngữ, chuyển tải thơ mà còn yêu cầu hiểu biết về văn hóa Việt Nam và phương Đông. Các dịch giả đều biết rõ những hạn chế của mình nhưng họ đều cố gắng vượt rào cản ngôn ngữ và văn hóa để chuyển tải Truyện Kiều sang một ngôn ngữ khác.
Nhiều bản dịch rất công phu, vừa là bản dịch vừa là một công trình khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu, như bản dịch tiếng Pháp của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, bản dịch tiếng Nhật của Yonosuke Takeuchi...
Qua tìm hiểu của chị Sông Hương, Pháp có lẽ là nơi tiếp nhận Truyện Kiều sớm nhất và tiếng Pháp là ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất, chỉ sau tiếng Anh. Từ bản dịch đầu tiên, do ông Abel Des Michels, giáo sư tiếng Việt của Trường sinh ngữ Phương Đông thực hiện vào năm 1884, đến nay đã có 11 bản dịch tiếng Pháp hoàn chỉnh, chưa kể các chuyển thể, trích dịch hay bổ sung bản dịch. Từ tiếng Pháp, nhiều dịch giả tiếp tục chuyển tải Truyện Kiều sang các ngôn ngữ khác ở châu Âu.
Pháp cũng là nơi có khá nhiều công trình nghiên cứu về Truyện Kiều. Có thể kể tới các công trình hay bài nghiên cứu về Truyện Kiều của các học giả lớn như Trần Cửu Chấn, Maurice Durand, Hoàng Xuân Hãn, Georges Boudarel, André-Georges Haudricourt...
Trong các sách văn học Việt Nam ở Pháp thì sách về Truyện Kiều có lẽ là nhiều nhất, đặc biệt ở Thư viện Quốc gia Pháp (BNF), Thư viện Đại học về Ngôn ngữ và Văn minh (BULAC), Thư viện nghiên cứu của Viện Á Đông (UMR 5062) ở Lyon.
Để tiếp tục lan tỏa tình yêu Truyện Kiều cũng như đưa Truyện Kiều đến gần hơn với cộng đồng người Việt tại Pháp và những người Pháp yêu văn học Việt Nam, ngoài sự kiện tổ chức triển lãm "Truyện Kiều và các bản dịch," nhà nghiên cứu Sông Hương còn thực hiện một bộ tem kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du ở Pháp.
Gần 3.000 tem sử dụng tranh minh họa Truyện Kiều của họa sỹ Claudia Borcher ở Đức và họa sĩ Ngọc Mai ở Việt Nam đã được phát hành đầu tháng 9. Chương trình cũng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, các nhà Việt Nam học ở Pháp và trên thế giới. Dự kiến, 1.500 tem sẽ được sử dụng trong thư từ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam.